Ngôi nhà vách đất, có cái mái dừa rách nát, gió lùa qua ràn rạt. Tháng Chạp quê, gió cuồng, kinh hãi thổi trắng đêm thao thức. Mình trằn trọc nằm nghe gió rú trên mái nhà, như bứt lìa từng nắm mụn lá, thổi tung trời. Ba biểu má gom tiền mua miếng bạt dằn lên mái, “để ổng thổi suốt qua giêng là cái mái trống hoắc”. Má ừ hử bâng quơ, nén tiếng thở dài trì nặng.
Tết rất nghèo.
Có năm, mùng một mình bận bộ đồ may lại bằng quần áo cũ của má, vẫn vô tư cho đến khi thằng bạn chung lớp ngạc nhiên hỏi: “Sao mày không mặc đồ mới?”
Có năm, suốt ba mùng, không một ai lì xì, con bé ứa nước mắt ngó chiếc túi trống trơ, nhìn bạn bè xé phong bao đỏ, mua bánh, mua nước ngọt bật lên sủi bọt.
Nghèo lắm, nhưng Tết vẫn vui vì có thịt. Thịt kho trứng, kho măng khô, thịt luộc ngâm nước mắm, thịt băm nhồi trong mấy trái khổ qua đèo nhỏ xíu. Ba đi biển, cơm nhà quanh năm suốt tháng chỉ toàn là cá. Ghét cái mùi tanh tao, ghét cái xương bén nhọn. Cho đến lúc quá nửa đời người, ở chốn tha hương, lại thèm cá liệt nấu phớt, cá thóc nấu chua, cá dưa gang kho ớt tiêu ăn bún. Má giờ đây cũng hợp thời, Tết nhất các con về, cũng toàn các món cá quê.
Mới hôm qua nhà điện thoại, má nói mấy anh em đã về hết, chỉ còn chờ đứa con gái lấy chồng xa. Mình nghèn nghẹn nói cười qua cuộc gọi video, thấy má ngồi ở cái góc rất quen cặm cụi gói bánh tét, ba chỉnh lại chậu tắc chưng Tết, trái xanh um lúc lỉu. Nhà qua màn hình điện thoại gần đến mức có thể đếm được bao nhiêu nếp nhăn xô lại trên mắt má, thấy khói cuộn lên từ nồi cá kho trên bếp, nhắm mắt lại còn nghe được hương tiêu ớt thơm nồng.
Má nói ăn Tết bên chồng xong rồi về đây, mùng ba có chợ, đi mua cá cơm tổng, cá cơm mồm, nấu canh, làm gỏi. Má níu chân các con bằng món cá hấp thơm nức này, món rau xanh mướt nọ, biết đâu chỉ cần má còn sức ngồi trong gian bếp đó, năm nào con về cũng không nỡ bước đi.
Từ lúc mấy anh em lần lượt tha phương cầu thực, chỉ còn ba với má mòn mỏi đợi, ban đêm, trước hiên nhà luôn sáng rực một ngọn đèn. Anh em mình thường về nhà trên những chuyến xe đêm, ngủ một giấc là tới quê, tiết kiệm thời gian, đỡ hao sức lực. Ba má bắt bóng đèn ngoài sân, thắp sáng đêm không tắt, “để có đứa nào về, thấy nhà mà dừng lại, khỏi mắc công chạy quá trớn”. Má nói, khi nào tụi bây về đủ, thì ba má mới thấy Tết.
Mình chợt nhớ nơi đây trời cũng sụp tối rồi, cũng cần bật lên một ngọn đèn. Giờ này, chắc má cũng đang với tay tới công tắc điện. Ánh đèn sáng rực ngoài sân, soi mấy chậu vạn thọ lơ mơ ngủ, cây dừa xiêm gió thổi xơ xác lá, vẫn kiêu hãnh treo quầy trái xanh bóng lưỡng, hàng rào dựng tạm bằng lưới thép B40, mảnh sân nhỏ lát gạch ống đỏ au, lơ thơ mấy cây cúc vàng… Một năm nào đó, thấy ánh đèn mình đã bảo tài xế mau mau dừng xe, nhà đây rồi, chỗ cái bóng điện sáng rực, soi gốc dừa, lưới thép… Mình hồ hởi khoe với bạn đời, bóng điện này ba má thắp để “làm dấu” căn nhà, mấy đứa con xa nhà lâu quá, đầu óc quên quên nhớ nhớ, khỏi phải chạy luốt qua.
Tết ở xứ người, nhớ da diết ánh đèn “làm dấu”. Và giờ này, ba với má sẽ với tay bật công tắc, bên hiên nhà rực lên một ngọn đèn chờ đứa con gái tha hương, chờ đủ mặt con, chờ Tết…
Hồ Ngọc Giàu