Bạn muốn trở thành cha mẹ ‘trực thăng’, ‘cắt cỏ’ hay ‘túi bọng’?

11/05/2019 08:30
Bạn muốn trở thành cha mẹ ‘trực thăng’, ‘cắt cỏ’ hay ‘túi bọng’?

Không biết hình ảnh đứa con trai nhảy cầu tự tử trước mặt mẹ mình hay những câu chuyện mà báo chí vẫn kể hằng ngày về những bi kịch gia đình có con bỏ nhà đi, phạm tội… có ý nghĩa gì với bạn không?

Bạn muốn trở thành cha mẹ ‘trực thăng’, ‘cắt cỏ’ hay ‘túi bọng’? - Ảnh 1.

Sách Trẻ em như ngọc trong gương

Người viết bài này không dám phán xét điều gì về những bi kịch trên mà chỉ chợt nghĩ phải chăng vấn đề xảy ra khi chính người lớn đã phạm sai lầm khi dựa vào kinh nghiệm cuộc sống của mình để áp đặt và giáo dục con trẻ, thay vì phải đồng hành và làm bạn cùng con.

Nếu bạn cũng đang tìm cách hạn chế những bi kịch trên cũng như có thể làm bạn với con ở mọi lứa tuổi thì câu trả lời sẽ nằm trong cuốn sách Trẻ em như ngọc như gương.

Cuốn sách đã nêu lên một trong những cách phân loại bố mẹ của nhà tâm lý học Shimi Kang. Theo Shimi Kang, các bậc cha mẹ được chia làm 3 loại:

- Cha mẹ trực thăng, là người luôn sẵn sàng ở bên cạnh con

- Cha mẹ cắt cỏ sẽ luôn đi trước, dọn sạch hết trở ngại cho con

- Và cuối cùng là cha mẹ túi bọng sẽ dâng hiến cả cuộc đời để bảo vệ con khỏi bất kỳ sự thất vọng cỏn con nào.

Bạn muốn trở thành bậc cha mẹ như thế nào là do bạn quyết định.

Xuyên suốt cuốn sách, nhà báo, nhà nghiên cứu tâm lý học Andrey Maksimov đề cập đến sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái. Trẻ em là tấm gương phản chiếu tất cả hình ảnh, tính cách của cha mẹ.

Đó là lý do mà các bậc phụ huynh cần phải có thái độ nghiêm túc để dạy dỗ con cái, cũng như tự thay đổi, điều chỉnh bản thân trong giao tiếp và cuộc sống để từ đó có cách nuôi dưỡng phù hợp để con trẻ có thể tự phát triển thành những người tử tế và hạnh phúc.

Từ những nghiên cứu và kinh nghiệm tư vấn cho những ông bố, bà mẹ gặp vấn đề trong giao tiếp với con trẻ, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân trọng tâm của vấn đề đó được bắt nguồn ở chỗ người lớn không sẵn sàng cho sự điều chỉnh về tâm lý của mình.

Trong mối quan hệ với con trẻ, hầu hết người lớn đều nghĩ: "Làm sao chúng ta có thể đứng ngang hàng với đứa con nếu chúng ta biết nhiều hơn nó?".

Đây là một suy nghĩ cần được điều chỉnh đầu tiên bằng việc chia sẻ những vấn đề mà bạn gặp phải trong cuộc sống của mình với trẻ như những người bạn, không phải để mong sự thông cảm hay tìm một giải pháp mà là bạn đang từng bước xây dựng một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau.

Đồng thời, tác giả cũng khuyên bạn đừng quên quan sát người bạn nhỏ đó để thấy được sự độc đáo của trẻ, từ đó tạo điều kiện để phát triển sự độc đáo đó thay vì áp đặt con trẻ "phải đạt được sự xuất sắc nào đó" theo mong muốn của người lớn.

Vì "đứa trẻ không phải là sự tiếp nối của cha mẹ, không phải là tài sản của họ, mà là một cá thể độc lập" nên tác giả đưa ra những lời khuyên về giáo dục để trẻ có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa bằng sự yêu thương và bảo vệ của cha mẹ.

Ở đây, các ông bố bà mẹ cần nhận thức rõ là yêu thương một đứa trẻ nghĩa là phải dành thời gian trò chuyện với bé. Tuy nhiên việc trò chuyện này sẽ thể hiện sự quan tâm và cố gắng tìm điểm chung với con chứ không phải là nơi để cha mẹ thể hiện sự hiểu biết và kỹ năng sư phạm của mình.

Việc thể hiện sự yêu thương qua giao tiếp không chỉ giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tế thông qua gia đình mà còn giúp người lớn thay đổi chính mình để giáo dục trẻ.

Từ những tác động tích cực trong việc giao tiếp của trẻ trong gia đình nên cha mẹ đừng ngại biểu hiện để trẻ hiểu được rằng giao tiếp chính là một quá trình vui vẻ để có thể rút ngắn khoảng cách giữa mọi người trong gia đình.

Trong chương cuối của cuốn sách, Andrey nói về kinh nghiệm của bố mẹ và cách chia sẻ nó với con trẻ sao cho phù hợp.

Cha mẹ có thói quen áp đặt kinh nghiệm và vốn sống của bản thân lên con cái mà quên đi trẻ chính là một cá thể độc lập nên trẻ cần xây dựng cuộc sống của mình dựa trên những kinh nghiệm của bản thân.

Như vậy, cha mẹ cần chia sẻ kinh nghiệm của mình với con cái và lắng nghe kinh nghiệm của con và giúp con hoàn thiện nó bằng cách phân tích, giải thích những tình huống tương tự để con trẻ có thể chủ động tiếp nhận.

Trẻ em như ngọc như gương của Andrey Maksimov, Trưởng khoa Báo chí của ĐH Truyền hình và Phát thanh Matxcơva, người dịch - nhà báo Phan Xuân Loan là một cuốn sách giúp thay đổi tư duy của cha mẹ một cách toàn diện và thực tế.

Muốn giáo dục con trẻ thành công hãy thay đổi giáo dục chính mình để có những tác động tích cực lên con trẻ, cũng như có thể xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với những đứa trẻ sinh ra từ sự yêu thương.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024