Thiền am nối tiếp tịnh thất, với những chuyện lạ
Chỉ mới sau Tết Canh Tý ít ngày nhưng khu vực xung quanh “tịnh thất” Bồng Lai rất vắng vẻ, không còn cảnh người xe tấp nập như trước. Bà Tám N., người dân ấp Lập Thành, cho biết sau khi xảy ra chuyện gia đình ông Võ Văn Thắng ở Q.Bình Tân (TP.HCM) đến tịnh thất tìm con gái và xảy ra xô xát với người của Bồng Lai thì lượng người, xe từ khắp nơi đổ về đây ngày càng ít.
“Chỉ có ngày 30 tháng chạp vừa rồi thì tui thấy có nhiều người đến tịnh thất, sau đó không còn ai. Mấy năm trước ngày nào cũng có người ở các nơi đến thăm tịnh thất. Ngày rằm, mùng 1, thứ bảy, chủ nhật và những ngày lễ, Tết Nguyên đán thì người, xe từ TP.HCM và các tỉnh về đây rất nhiều, đậu chật kín bãi đất trống gần tịnh thất, xả rác ngập cả khu đất”, bà N. kể.
Điều bất ngờ là trên bức tường rào của khu tịnh thất không còn 4 chữ Tịnh thất Bồng Lai, mà được thay bằng dòng chữ đen to tướng trên nền sơn trắng: “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Cổng thiền am khóa kín, nhưng có dán thêm 3 tờ giấy in chữ khá to, ghi rõ:
“Xin thông báo: để bảo vệ cho sự an toàn của các bé cũng như của quý khách trong mùa dịch bệnh Corona chết người hiện đang xảy ra, thiền am xin tạm thời ngưng hẳn tiếp khách trong thời gian này cho đến khi mùa dịch bệnh qua đi, mong quý khách hoan hỷ thông cảm và xin được hẹn gặp lại quý khách. Xin cảm ơn và xin kính chào quý khách”.
Người dân trong khu vực cho biết, tịnh thất Bồng Lai được ông Lê Tùng Vân (SN 1932, người tự xưng Hòa thượng Thích Tâm Đức, Trụ trì tịnh thất) đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” vào đúng thời khắc giao thừa giữa năm 2019 và 2020. Còn thông báo thiền am ngưng tiếp khách thì mới được dán trước cổng vài ngày.
Cổng thiền am luôn đóng kín và dán các thông báo không tiếp khách vì dịch bệnh coronavirus - Ảnh: Thanh Anh
Như báo điện tử Một Thế Giới từng thông tin, tịnh thất Bồng Lai trước đây là 1 ngôi chùa nhỏ hoang phế, được bà Cao Thị Cúc đứng tên mua lại khoảng năm 2016. Chùa được sửa sang, lúc đầu lấy tên là chùa Bồng Lai, sau đó đổi tên thành tịnh thất Bồng Lai, do ông Lê Tùng Vân làm trụ trì, thu nhận, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Nhưng ít người biết rằng, tiền thân của tịnh thất Bồng Lai chính là cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh, TP.HCM). Cơ sở này do ông Lê Tùng Vân làm chủ, với 56 người sinh sống, trong đó có 25 trẻ em dưới 16 tuổi được nhận nuôi trái phép.
Ngày 25.5.2007, UBND H.Bình Chánh có quyết định số 2632/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động của cơ sở Thánh Đức (sau đó đổi tên thành tịnh thất Bồng Lai) với lý do hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật, điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường không đảm bảo, việc chấp hành đăng ký tạm trú tạm vắng và đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, 25 trẻ em cơ sở này nhận nuôi trái phép đã được trả về gia đình hoặc đưa vào Làng thiếu niên SOS Thủ Đức (TP.HCM). Sau khi bị UBND H.Bình Chánh giải tán, ông Vân và các đệ tử về ấp Lập Thành gầy dựng lại tịnh thất Bồng Lai.
Nhưng không bao lâu, từ một nơi không ai biết, tịnh thất Bồng Lai bỗng dưng nổi tiếng sau khi 1 tờ báo có tên tuổi ở TP.HCM đăng thông tin nơi đây xuất hiện hoa Ưu Đàm nhà Phật, 3.000 năm mới nở một lần. Sang năm 2017, tịnh thất Bồng Lai vang danh cả nước bởi sự việc “2 ông thầy chùa thi hát Boléro”.
Đến năm 2018, tịnh thất Bồng Lai lại gây sốt với việc 5 chú tiểu giành quán quân game show Thách thức Danh hài. Đỉnh điểm nổi tiếng của tịnh thất Bồng Lai là năm 2019, khi xảy ra sự việc gia đình ông Thắng đến tịnh thất tìm con gái và dẫn tới xô xát với những người tại đây, làm dậy sóng dư luận.
Cho đến thời điểm hiện nay, phía Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An vẫn khẳng định tịnh thất Bồng Lai không thuộc giáo hội, những người trong tịnh thất đều là giả sư, lợi dụng Phật tử để trục lợi. Đối với chính quyền sở tại, UBND xã Hòa Khánh Tây khẳng định các vấn đề ở tịnh thất Bồng Lai đã vượt quá thẩm quyền xử lý của xã, dù nơi đây luôn làm những người có trách nhiệm của xã rất đau đầu.
(còn nữa)
Thanh Anh