Trong "Yêu" (Being in love), Osho chỉ ra những quan niệm cần phải loại bỏ ngay lập tức nếu muốn có được một tình yêu viên mãn.
1. "Tôi đã hy sinh rất nhiều nhưng không nhận được tình yêu của người ấy"
Để hiểu được gốc rễ của quan niệm này, hãy trở về thời ấu thơ một chút. "Nếu không nghe lời, con sẽ bị đuổi ra khỏi nhà!"; "Con không ăn, mẹ sẽ gọi ông kẹ bắt con đi"…, ta thường nghe những lời này từ đấng sinh thành. Từ nhỏ, ta được kỳ vọng rằng mình phải làm gì đó thì mới được yêu thương.
Và đây chính là khởi nguồn của loại tình yêu có điều kiện, hay nói như Osho, "sự bày mưu tính kế - sự khởi đầu, bài học vỡ lòng của cuộc chiến quyền lực và sự thao túng qua lại": Ta phải làm một điều gì đó cho người khác thì mới "xứng đáng" có lại điều mình muốn.
Trong một mối quan hệ, kể cả trước khi yêu hay đang yêu, nhiều người thường mang trong mình mặc cảm tội lỗi, rằng người ta không yêu mình vì mình chưa hy sinh đủ. Tâm thế này khiến ta miệt mài đáp ứng những đòi hỏi, cho phép đối phương tận dụng, lợi dụng, đòi hỏi, so sánh ta với người khác. Dần dần, ta đánh mất luôn cả sự tự tôn, lẫn khả năng yêu thương thực sự.
2. "Tôi muốn nhận được tình yêu thương rồi mới dám yêu"
Ở chiều ngược lại, nhiều người coi tình yêu như một cuộc mặc cả và kỳ vọng mình có một thương vụ hời. Họ cho đi một cách miễn cưỡng, và nếu phải cho đi, họ cho đi với mong muốn được nhận về.
Theo Osho, con người cứ tưởng mình lý trí, tỉnh táo khi mang những triết lý kinh tế thị trường vào mối quan hệ, nhưng thực chất, ta đang không hiểu gì về kinh doanh và lại càng không hiểu gì về tình yêu.
Trong "Yêu", Osho nhấn mạnh về một tình yêu vô điều kiện: "Cây ra hoa, đó không phải là kinh doanh; các vì sao tỏa sáng, đó không phải là kinh doanh, và bạn không phải trả tiền cho nó, không ai đòi hỏi điều gì ở bạn. Một con chim bay đến đậu ở cửa nhà bạn và hót, con chim đó không đòi bạn cấp giấy chứng nhận hay khen ngợi nó. Nó ríu rít rồi hạnh phúc bay đi, không để lại dấu vết nào. Đó là cách tình yêu phát triển".
"Hãy cho đi, và cho đi một cách vô điều kiện, khi đó bạn sẽ biết tình yêu là gì", Osho thúc giục.
3. "Tôi chỉ yêu khi tìm được người xứng đáng, phù hợp, hoàn hảo"
Nếu bạn nghĩ mình chỉ yêu khi tìm được người xứng đáng/phù hợp/hoàn hảo, thì có lẽ mãi cho đến cuối đời, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy người đó.
Lý do đầu tiên, khó có một người nào thực sự hoàn hảo tồn tại. Và nếu có chăng, thì chưa chắc bạn đã phù hợp với họ. Osho khẳng định: "Những người đòi hỏi sự hoàn hảo là những người loạn thần kinh chức năng". Và theo ông, dù ai đó có tìm thấy một nửa hoàn hảo như mong muốn thì tình yêu ấy cũng sẽ bị hủy hoại bởi vì sự đòi hỏi và ích kỷ.
4. "Tình yêu chân chính là tình yêu không bao giờ thay đổi"
Ý niệm về một tình yêu vĩnh cữu - một khi yêu ai, bạn sẽ yêu người đó mãi mãi - là một suy nghĩ nguy hiểm, kéo con người ta vào thất vọng và bất hạnh.
Một tình yêu thật sự cũng bất định như cuộc sống. "Tình yêu là một đóa hoa mỏng manh mà bạn không thể nào ép nó sống mãi", Osho nói, "Sự không kỳ vọng sẽ khiến đời sống tình yêu của bạn đẹp hơn, bởi vì bạn biết rằng hôm nay bạn bên nhau nhưng biết đâu, ngày mai, bạn sẽ phải chia xa. Tình yêu giống như làn gió mát lành bay đến ngôi nhà của bạn, mang theo hương thơm và sự tươi mới, lưu lại đó lâu nhất có thể và sau đó bay đi. Bạn không nên tìm cách đóng hết các cánh cửa, bằng không thì cơn gió mát ấy sẽ trở thành một thứ hoàn toàn xấu xí".
Cũng theo Osho, tình yêu sẽ không ngừng thay đổi nhưng mối quan hệ của bạn với ai đó sẽ không bị phá vỡ nếu bạn hiểu và chấp nhận sự thay đổi ấy coi đó như một phần của tình yêu.
5. "Người tôi yêu chỉ được phép quan tâm tới mình tôi"
Trong "Yêu", Osho nhắc đến một hủ tục lạc hậu thời trung cổ: Hàng triệu phụ nữ bị thiêu sống trên giàn thiêu khi chồng của họ qua đời. Họ phải đặt toàn bộ tâm thân ý của mình vào một người kể cả đến khi anh ta chết đi.
Ngày nay, sự chiếm hữu, hay ngục tù tình yêu này, dù nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn đầy khiên cưỡng. Nhiều người cho rằng một khi yêu ai đó, ta không còn được tự do, đồng thời thì người ta yêu cũng không được quan tâm đến ai khác ngoài ta.
"Để sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, bạn cần phải linh hoạt", Osho khuyến khích, "Bạn phải nhớ rằng tự do là giá trị cao nhất và nếu tình yêu không mang đến cho bạn tự do, đó không phải là tình yêu. Tự do là một tiêu chí – bất cứ điều gì cho bạn tự do đều đúng, và bất cứ điều gì phá hủy sự tự do của bạn đều sai".
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Bằng trí tuệ và kinh nghiệm sống của mình, thiền sư Osho đã lắng nghe và chia sẻ hàng nghìn thắc mắc cũng như những câu hỏi của những người đang yêu, muốn yêu, về tình yêu chân chính cũng như cách để có được thứ tình cảm quý giá ấy. Những bài giảng này của ông đã được tập hợp trong cuốn sách "Yêu" do First News biên soạn và phát hành.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị