Xe máy chở hàng ở Việt Nam khiến 'ông Tây' thót tim

01/01/2022 22:00
Xe máy chở hàng ở Việt Nam khiến 'ông Tây' thót tim

"Kỳ lạ, dị thường, đáng kinh ngạc” - đây là những từ ngữ thường được các du khách nước ngoài sử dụng khi nói về những chiếc xe máy chở hàng ở Việt Nam.

Nhiều người nước ngoài từng có một (hay vài) dịp ghé thăm Việt Nam đều có ấn tượng sâu sắc với sự hối hả, ồn ào và nhộn nhịp trên những đường phố; thậm chí giao thông Việt Nam còn từng được ví như “nghệ thuật”.

Trong một bài viết năm 2014, Tiến sĩ Terry F. Buss, một người Mỹ sinh sống tại Hà Nội, đã so sánh sự hỗn loạn của giao thông Việt Nam với “một màn vũ đạo ballet đẹp mắt, với các nghệ sĩ là người đi bộ, những chiếc xe máy , xe hơi, xe buýt và thi thoảng là chó hoặc gà”.

Trong khi đó, ông Llewellyn King, là một nhà báo, nhà bình luận, người dẫn chương trình người Mỹ, cũng từng nhận xét trong bài viết được đăng tải trên trang The Huffington Post hồi năm 2014 rằng giao thông Việt Nam “mê hoặc” ông, và nói rằng khía cạnh này của Việt Nam là một “kỳ quan”.

 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 1.

Hoa mắt chóng mặt với 'nghĩa trang xe thây ma' ở Trung Quốc: Hơn 500 nghìn chiếc xe máy điện chơ vơ giữa lòng thành phố

 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 2.

Yangon thay đổi thế nào sau 16 năm cấm xe máy triệt để?

Tuy nhiên, “màn vũ đạo ballet” của người, xe và động vật này đôi khi cũng có thể khiến những người nước ngoài cảm thấy choáng ngợp do những khác biệt về văn hóa và thói quen sinh hoạt. Một trong số những khác biệt rõ ràng nhất là thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam - cụ thể là xe máy , so với thói quen di chuyển bằng các phương tiện công cộng ở nước ngoài, đặc biệt là phương Tây.

Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam. Một bài viết được đăng tải năm 2012 trên trang thetruthaboutcars.com bình luận: “Xe máy là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Những người nông dân đi xe máy ra đồng, các bậc cha mẹ dùng xe máy đưa con đến trường, các cửa hàng nội thất chở đồ bằng xe máy…”

Quả thật, xe máy ở Việt Nam xuất hiện khắp nơi: từ thành phố về nông thôn, từ ngõ nhỏ ra đường lớn... Tính đến cuối năm 2019, số xe máy đang lưu thông ở Việt Nam theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải đã gần chạm ngưỡng 60 triệu xe và con số này vẫn tiếp tục tăng.

Nhưng không chỉ gây ấn tượng về con số khổng lồ, “văn hóa xe máy” của Việt Nam còn khiến nhiều du khách nước ngoài thích thú nhờ một nét đặc biệt: những chiếc xe hai bánh có thể “chở cả thế giới”.

 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 3.

Những chiếc xe máy “thách thức định luật vật lý”

“Kỳ lạ, dị thường, đáng kinh ngạc” - đây là những từ ngữ thường được các du khách nước ngoài sử dụng khi nói về những chiếc xe máy chở hàng ở Việt Nam.

Đối với những du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam, có lẽ họ sẽ thắc mắc rằng “người Việt Nam có thể chở được những gì trên chiếc yên xe máy của họ?” - và câu trả lời họ nhận được là hàng loạt những bất ngờ nối tiếp bất ngờ.

Ryan Gargiulo, chủ blog pausethemoment.com, cho biết: “Điều tôi sẽ không bao giờ quên về Việt Nam là những thứ mà người dân nơi đây có thể chở phía sau chiếc xe máy của họ.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến những chiếc xe máy chở tủ lạnh mini, động vật sống, cả một cửa hàng hoa di động, rất nhiều trái cây tươi, hàng trăm quả bóng bay, thùng dầu, bình gas, nệm cỡ lớn, tác phẩm nghệ thuật và hơn thế nữa.

Nhưng có vẻ người dân Việt Nam thậm chí còn chẳng quan tâm, vì đây là điều quá đỗi bình thường ở nước họ”.

Trong loạt ảnh về những chiếc xe hai bánh chở đồ ở Việt Nam được blog neverendingfootsteps.com đăng tải, tác giả Lauren Juliff đã nói rằng cô “không hiểu người lái xe làm thế nào để có thể giữ mọi thứ cân bằng” khi chở đồ nặng đến vậy; thậm chí một số trường hợp khiến cô cảm thấy “hơi mất thăng bằng”, nhưng những chiếc xe máy này vẫn tiếp tục chạy bon bon trên đường.

Juliff nói rằng những hình ảnh đặc biệt này đã giúp cô vui vẻ trong suốt hành trình “du ngoạn” bằng xe máy ở miền Tây Nam Bộ.

Trong khi đó, Casie Tennin, chủ blog awanderingcasiedilla.com, lại có bình luận khá hài hước về những chiếc xe máy “chở cả thế giới” rằng người Việt Nam “biến điều tưởng chừng không thể thành có thể. Họ đã thách thức trọng lực, thách thức các định luật vật lý, khiến Newton phải vò đầu bứt tai”.

“Xe máy ở Việt Nam không chỉ là một phương tiện giao thông. Nó là bất cứ thứ gì bạn muốn - với bánh xe. Nó kỳ lạ, thú vị và cũng vô cùng hữu dụng. Bạn cần có kỹ năng, tính sáng tạo và sự khéo léo để điều khiển phương tiện này. Đây cũng là một trong nhiều nét riêng lạ kỳ và đáng mến, khiến Việt Nam trở nên vô cùng dễ thương. Đừng thay đổi nhé, Việt Nam, đừng bao giờ thay đổi” - Casie Tennin bình luận.

"Tí hon" và "khổng lồ"

Đối với nhiều người Việt Nam, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là công cụ mưu sinh, là nguồn sống của họ.

Cho dù những đồ vật, hàng hóa xuất hiện trên những chiếc xe máy “thách thức định luật vật lý” nói trên là gì, nhưng tựu trung lại thì chúng đều thuộc về một tầng lớp lao động mà theo ông Rick Ellis là những người không có thời gian ngơi nghỉ, mơ mộng, phải nỗ lực làm việc, kiếm tiền mỗi ngày, hoặc là không có gì để ăn.

“Cẩn thận!” - ông Ellis đã thốt lên như vậy khi tận mắt chứng kiến một “cô đồng nát” nhỏ bé - cao “chưa đến 3 mét bẻ đôi và gầy như que củi” - vật lộn với núi đồ trên chiếc xe máy cà tàng:

“Cô ấy đi một chiếc xe máy cũ ọp ẹp, và đang phải cố hết sức để giữ những túi lon rỗng trên yên xe và chỗ để chân. Nhưng đối thủ khó khăn nhất trong cuộc giao tranh này là một chiếc túi khổng lồ - với kích thước và hình dạng giống như một chiếc ghế sofa nhỏ - rộng khoảng 2 mét, đường kính 1 mét. [...]

Cô ấy còn cố gắng treo thêm những chiếc túi khác có kích thước lớn bằng những chiếc túi đựng rác màu xanh thường được nhiều gia đình sử dụng - thậm chí chúng cũng to gần bằng người cô ấy” - Ellis viết trong bài bình luận được đăng tải trên báo Tuổi trẻ News.

Là một người ngoài, có lẽ Ellis cảm thấy người phụ nữ này đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ, hoặc có lẽ ông cảm thấy sự nguy hiểm từ những chiếc túi khổng lồ chất đầy trên chiếc xe máy cũ kỹ ấy. Thế nhưng “cô đồng nát” nhỏ bé chỉ đáp lại Ellis bằng một ánh nhìn đầy kiên quyết: “Cô ấy rõ ràng muốn nói với tôi rằng: ‘Mọi người hãy tránh đường ra cho tôi - tôi đang đem những chiếc lon này về bán, và tôi cần tiền cho gia đình mình’.”

Đối với Ellis, cảnh tượng này giống như cuộc đối đầu của chàng tí hon David và gã khổng lồ Goliath - khi “cô đồng nát” này đang làm “một nhiệm vụ tầm cỡ dành cho những người đàn ông”. “Mặc dù tôi đã thấy phụ nữ làm đủ mọi công việc ở đây, nhưng chắc chắn đó không phải là công việc dành cho một người phụ nữ nhỏ bé như cô ấy”, Ellis viết.

Giống như “cô đồng nát” trong câu chuyện của Ellis, nhiều người lao động thu nhập thấp tại Việt Nam cũng đang phải kiếm sống hàng ngày, hàng giờ, với chiếc xe máy là công cụ mưu sinh quan trọng của họ. Mặc dù vậy, một điều không thể phủ nhận là những chiếc xe chở hàng quá tải này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro đối với chính chủ nhân của chúng và những người tham gia giao thông khác.

 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 4.

Nét đẹp từ những điều bình dị

Những chiếc xe máy chở hàng ở Việt Nam cũng đã trở thành đề tài của nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài. Dưới con mắt và ống kính của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những chiếc xe chở hàng và chủ nhân của chúng hiện lên đầy chân thực nhưng cũng rất nghệ thuật: Đằng sau những gương mặt lam lũ, khắc khổ vì cuộc sống mưu sinh là ước mơ và hy vọng của người lao động trên chiếc yên xe của họ.

Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hans Kemp đã đến thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1991, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam. Theo lời kể của Kemp, ông đã ngay lập tức bị choáng ngợp trước dòng người hối hả, vội vã và khẩn trương để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lớn nhất trong năm: “Tôi không thể tin vào mắt mình. Trước mắt tôi là một dòng xe máy di chuyển không ngừng nghỉ”.

Bản hòa âm của mùi hương (mùi xăng xe, hương nước hoa, mùi thức ăn tỏa ra từ các quán xá), âm thanh (của xe cộ và con người), màu sắc và chuyển động của phố phường đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Kemp.

Sau khi trở lại Việt Nam thêm một vài lần nữa, nhiếp ảnh gia người Hà Lan này đã quyết định chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995, và đến năm 2000, ông đã quyết định thực hiện một bộ ảnh về những chiếc xe máy chở hàng trong thành phố.

Năm 2020, bức ảnh mang tên A Fish Seller Displays His Goods (tạm dịch: Người bán cá cảnh) đã giúp Jon Enoch, một nhiếp ảnh gia người Anh, vượt qua 36.000 tác phẩm, giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi ảnh Smithsonian Photo Contest (Mỹ) năm 2020.

Bức ảnh được nhận xét là “dấu ấn kết tinh của vẻ đẹp truyền thống” nói trên nằm trong bộ ảnh mang tên “Bikes of Hanoi” (Những chiếc xe ở Hà Nội) của nhiếp ảnh gia Enoch, được thực hiện trong lần anh đến Việt Nam du lịch.

 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 5.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 6.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 7.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 8.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 9.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 10.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 11.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 12.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 13.
 Xe máy Việt Nam quá đỉnh: Chuyện cô đồng nát cao 3 mét bẻ đôi khiến ông Tây thót tim - Ảnh 14.

Bộ ảnh “Bikes of Hanoi” (Những chiếc xe ở Hà Nội) của nhiếp ảnh gia Jon Enoch

Chia sẻ về bộ ảnh này, Enoch cho biết:

"15 năm trước, khi tôi lần đầu tiên du lịch vòng quanh Đông Nam Á, số lượng xe máy trên đường phố đã khiến tôi choáng ngợp. Những chiếc xe cứ nối tiếp nhau lao vun vút trên đường, vượt qua mọi khả năng nắm bắt của các giác quan và khiến bạn phải tự hỏi làm thế nào để sang được bên kia đường. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu bị mê hoặc bởi những người lái xe và cách họ chở hàng hóa.

[...] Tôi đã lên ý tưởng cho bộ ảnh này từ rất lâu rồi, nên khi tôi hay tin xe máy có thể sẽ bị cấm trong tương lai, tôi biết mình cần phải đến đó [Việt Nam] và hoàn thành dự án của mình càng sớm càng tốt”.

Khi được hỏi về thứ kỳ lạ nhất mà nhiếp ảnh gia này từng thấy khi thực hiện bộ ảnh ở Việt Nam, Enoch nói rằng anh không nghĩ điều đó có điểm dừng, bởi “khi chúng tôi vừa sắp xếp xong xuôi để chụp một người, thì lại có người chở hàng ‘kỳ lạ’ hơn đi ngang qua”.

Theo My Modern Met, những hình ảnh này có thể sẽ không còn tồn tại trong tương lai khi Hà Nội dự kiến cấm xe máy vào năm 2030 để cắt giảm khí thải gây ô nhiễm. "Thật khó có thể tưởng tượng ra thành phố sẽ trông như thế nào nếu không có những chiếc xe máy này” - John Enoch nói về bộ ảnh của mình./.

https://soha.vn/xe-may-viet-nam-qua-dinh-chuyen-co-dong-nat-cao-3-met-be-doi-khien-ong-tay-thot-tim-20200916101342943.htm

Trí thức trẻ

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025