Bí quyết làm bánh canh từ... bà nội
Theo cách làm bánh thông thường ở miền Tây, sau khi nhào bột xong, người thợ sẽ chia bột thành từng miếng nhỏ vừa đủ, rồi dùng cán dẹp miếng bột và dùng dao xắt thành từng sợi cho vào nồi nước sôi, đun cho đến khi bột chín.
Thế nhưng chị Huỳnh Thị Ngọc Ánh (48 tuổi) ngụ phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang lại có phương pháp xắt bánh canh cực kỳ độc đáo.
Bột sau khi bột được nhồi kỹ chị Ánh sẽ cán bột trên tấm gạch rồi dùng 2 thanh tre xắt bột thành từng sợi với tốc độ nhanh hơn cả máy. Cách xắt bánh canh bằng thanh tre là bí quyết do bà nội của chị nghĩ ra và truyền lại cho con cháu.
"Từ trước tới nay, tôi đã quen kiểu xắt bánh canh bằng thanh tre rồi vì đây là kỹ thuật do bà nội truyền cho mẹ, rồi mẹ truyền cho tôi. Chứ làm bằng kiểu khác tôi xắt chậm lắm, bánh không đều và đẹp. Mới đầu khi bột nó dính trên thanh tre với gạch dữ lắm, làm lâu rồi quen tay không thấy khó nữa", chị Ánh chia sẻ.
Kể về nghề làm bánh canh, chị Ánh cho biết: "Trung bình mỗi ngày chị dùng khoảng 7-10 kg bột. Theo đó, gạo được chị ngâm từ ngày hôm trước, ngâm cứ 2 tiếng rồi trút nước/lần. Ngâm đủ thời gian thì đem đi xay nhuyễn rồi để cho ráo nước. Để bột gạo giữ được mùi thơm đặc trưng, không bị chua chị dằn thêm chút muối".
Xắt bánh canh nhanh hay lâu không chỉ phụ thuộc vào tay nghề người thợ mà còn do thời tiết. Chị Ánh lý giải, lúc mưa bột sẽ cứng và dễ chảy nên khó xắt hơn. "Trước dịch, mỗi ngày tôi làm đến 9-10 kg bột. Nhưng hiện tại, tôi chỉ nhồi 7 kg bột thôi. Với 7 kg bột tôi xắt trong khoảng một tiếng nếu trời nắng và một tiếng rưỡi nếu gặp hôm trời mưa", chị Ánh nói thêm.
Nghề mưu sinh của gia đình
Vừa khuấy cho nước đường tan, chị Ánh tâm sự, trước đây, bà nội thường làm cho con cháu trong nhà ăn. Sau đó, mẹ chị đã biến món ăn truyền thống của gia đình thành món nghề mưu sinh.
Ngày trước, chị hay cùng mẹ bán bánh canh bột xắt tại chợ. Mẹ chị ngồi trên lề bán cho khách ăn tại chỗ, còn chị gánh nồi bánh canh đi bán khắp xóm, bữa nào cũng vậy hai mẹ con ráng bán cho hết nồi bánh mới về nhà.
"Hồi ấy làm gì mà có máy móc hiện đại như bây giờ, tôi với mẹ phải thức từ 1h khuya nạo dừa, xắt bánh. Mẹ tôi xắt bánh canh nhanh và đều lắm, tôi xắt như vầy, sợi bánh chưa đẹp bằng mẹ tôi làm đâu.
Nhà có mấy anh chị em nhưng chỉ mỗi tôi theo nghề này, chắc do làm riết thành quen, giờ bà cũng lớn tuổi nên tôi giữ gánh hàng bán luôn đến nay cũng đã ngót nghét 29 năm rồi", cô chủ quán U50 trải lòng.
Từ khi tiếp quản gánh bánh của mẹ, chị Ánh vẫn luôn cố gắng giữ trọn hương vị bánh làm từ bột gạo mà gia đình truyền lại. Chị bảo, bánh canh của chị được mọi người yêu thích do bột bánh đặc trưng, sợi bánh dài do được xắt bằng thanh tre, dai và thơm mùi gạo.
Để bánh canh được ngon, ngoài sợi bánh chất lượng chị Ánh còn cho thêm nước cốt dừa, bánh canh mặn được chị xào nhân với tép, thịt băm còn bánh canh ngọt được chị pha thêm đường thốt nốt để ăn ngon hơn. Ngoài ra, chị Ánh còn làm thêm bánh canh chay với nhân tàu hủ.
Dù khâu chế biến công phu thế nhưng bánh canh của chị Ánh chi bán từ 10.000-15.000 đồng/phần, thậm chí ai mua 5.000-7.000 đồng chị cũng bán. Thu nhập trung bình mỗi ngày khoảng 250.000 đồng/ngày đủ để chị xoay sở.
"Suốt 3 tháng dịch bệnh, tôi không bán được cũng nhớ nghề lắm, lâu lâu cũng nhồi bột làm bánh để gia đình thưởng thức. Con tôi cũng khuyên nghỉ bán đi vì thấy tôi thức khuya, dậy sớm cực quá nhưng tôi vẫn chưa muốn bỏ nghề. Bánh canh như một phần trong cuộc đời tôi, khó bỏ, khó dứt. Còn sức ngày nào tôi vẫn bán bánh ngày đó", chị Ánh bày tỏ.
Bảo Kỳ