Với ngoại hình có vẻ hiền lành, nước da bánh mật và giọng nói miền Nam, sự nghi ngờ thường thấy đối với những video dạy làm giàu trên mạng dần nhường chỗ cho sự thú vị và tò mò về câu chuyện của chàng trai trẻ này.
Vương Phạm tên thật là Phạm Đình Quốc Vương, sinh năm 1991, quê hương tại huyện Củ Chi, TP.HCM, nhưng hiện đang sống tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Mỹ. Chàng trai 30 tuổi đã có gia đình và 2 con, sở hữu một trang trại lớn hơn 300 acre cùng với một căn nhà triệu đô.
Vương Phạm hiện là CEO của công ty Fastboy Marketing, nằm trong top 800 công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ năm 2019.
Vương Phạm, CEO của Fastboy Marketing
Khởi nghiệp từ cuốn băng chơi game Pokémon 36 USD và bài học từ cơ quan thuế
Qua cuộc trao đổi ngắn vào lúc 0h30' giờ Mỹ, Vương Phạm cho biết, anh xuất thân là một du học sinh, học hết lớp 10 ở Việt Nam thì được gia đình chu cấp sang Mỹ du học. Họ hàng bên nội của anh đều ở bên Mỹ, người bố cũng mới qua Mỹ được 2 năm nay, còn mẹ vẫn đang ở Việt Nam.
Ban đầu, Vương theo học lớp 11 tại tiểu bang Minnesota và sống trong nhà người chú. Tiếp đó, Vương theo học kỹ thuật 2 năm tại trường Normandale Community College, một trường cao đẳng cộng đồng có chi phí phải chăng với du học sinh. Vương chỉ phải chi trả 15.000 USD cho cả năm ăn học thay vì tiêu tốn tới 50 - 80.000 USD nếu học ở nơi khác.
Khởi nghiệp từ việc bán những cuốn băng chơi game Pokémon
Vừa qua Mỹ ít lâu, người em họ nhờ Vương Phạm lên Ebay bán giúp mấy cuốn băng chơi game Pokémon, bán bao nhiêu cũng được và chỉ cần đưa lại cho người em 5 USD/cuốn. Nhưng Vương Phạm rất có duyên, bán được 36 USD/cuốn. Chính bản thân Vương cũng rất bất ngờ vì có thể kiếm tiền tương đối dễ dàng như vậy.
Sau đó, Vương nhờ các em gom thêm băng từ bạn bè về bán và thu được gần 5000 USD chỉ trong 1 dịp Giáng sinh. Bẵng đi một thời gian, không còn gì để bán, thì tình cờ một hôm người chú lại nhờ anh bán giúp 2 chai mỹ phẩm, một lọ mọc lông mi và một lọ mọc lông mày. Vốn 2 sản phẩm đó có giá 60 USD nhưng Vương bán lên được 120 USD.
Lúc đó Vương đã phát hiện ra có thể kiếm sống từ nghề bán hàng online bằng nhiều sản phẩm khác nhau và khi không còn đồ cũ để bán nữa Vương chuyển qua bán mỹ phẩm.
Vương phát hiện ra có thể kiếm sống bằng nghề bán hàng online bằng nhiều sản phẩm khác nhau. Nguồn: Youtube Fastboy Marketing
Tuy nhiên, Vương non nớt không biết mình phải khai thuế dù chỉ bán đồ trên mạng. Thực tế, số tiền Vương Phạm kiếm được đến năm 19 tuổi không hề nhỏ vì mỗi ngày thu về 300 USD từ công việc bán hàng online.
Bán đồ trên mạng được 2 năm thì Vương bị truy thu số tiền thuế lên tới cả triệu đô, tài khoản ngân hàng bị đóng băng trong 1 năm trời. Đó cũng là thời gian Vương tìm hiểu, nghiên cứu làm website. Từ tất cả những kinh nghiệm đó và nhìn thấy nhiều cơ hội cũng như thị trường rộng mở, anh quyết định thành lập công ty chuyên làm marketing cho tiệm nail vào năm 2012.
"Đế chế" quảng cáo cho các tiệm nail của người Việt tại Mỹ
Vương Phạm cho biết, thời điểm đó chưa có tiệm nail nào quan tâm đến quảng cáo online cũng như website, hay kể cả có website nhưng truy cập vào cũng không được giới thiệu trên google. Từ đó, Vương đã áp dụng những kiến thức học được từ quá trình bán hàng online để làm marketing cho những tiệm nail xung quanh. Mới đầu cũng kiếm được hơn 10 khách hàng.
CEO của Fastboy Marketing xuất thân là một du học sinh
Giờ đây, nhắc đến cái tên Fastboy Marketing của Vương Phạm, các chủ tiệm nail, tiệm tóc, nhà hàng người Việt sẽ nhận ra ngay thương hiệu đã trở nên rất quen thuộc với họ. Công ty nhỏ ngày xưa đã có hơn 10.000 khách hàng trải rộng khắp nước Mỹ, Canada, Úc.
Lý giải về tên công ty, Vương Phạm cho biết thời ấy cũng chỉ là một cậu nhóc choai choai, "boy boy" nên đặt tên là Fastboy.
"Lúc đầu công ty này được lập ra ở Minnesota chỉ có một mình Vương làm thôi. Sau khi công ty phát triển lên, Vương cần rất nhiều nhân viên để làm mà khi đó ở Minnesota có rất ít người Việt, nên Vương phải quyết định dọn về Houston. Ban đầu thuê một căn chung cư, sau đó chuyển ra một căn nhà được khoảng 2 năm rưỡi thì số lượng khách hàng cũng như nhân viên bắt đầu tăng lên nên Vương đã thuê văn phòng như bây giờ", CEO Fastboy chia sẻ.
Fastboy Marketing đã tạo nên thành công của rất nhiều tiệm nail của người Việt tại Mỹ
Với trên 200 nhân viên, trong đó 90% là người Việt cùng hơn 10.000 khách hàng, công ty này cũng tạo ra một phần mềm có tên Go check in tạo được tiếng vang trong cộng đồng nail Việt.
Vương Phạm cho rằng không nên có suy nghĩ quá phức tạp về quảng cáo. Chỉ cần làm sao khi người ta tìm trên google mà tên tiệm nail được hiện lên trước, hiện lên đầu tiên, vậy là được rồi. Thêm nữa, tiệm nail đó phải được khách hàng tin tưởng bằng cách cho thật nhiều hình ảnh sản phẩm thực tế lên website. Cuối cùng, có thật nhiều review, đánh giá tốt, tạo lòng tin cho khách hàng.
Vương tiết lộ, ngày trước đã từng làm trong tiệm nail, nên anh biết được khách hàng sẽ phải khai thông tin vào một tờ giấy, việc này khá mất thời gian. Anh mới nghĩ ra ý tưởng dùng thông tin đó để ứng dụng làm marketing bằng phần mềm Go check in, mà trong đó sẽ lưu tất cả thông tin của khách hàng.
Fastboy Marketing của Vương Phạm hiện có trên 200 nhân viên, trong đó 90% là người Việt cùng hơn 10.000 khách hàng
Đó là cách theo anh vừa tăng được review lại vừa marketing được cho họ, hơn nữa khi cửa hàng gặp vấn đề sẽ ngay lập tức liên lạc được với người khách đó và nhân viên làm nail cho họ để kịp thời điều chỉnh giúp tiệm nail ngày một tốt lên.
Đây cũng là sản phẩm mang lại doanh thu chủ yếu cho Fastboy Marketing. Vương chia sẻ, mỗi tháng Fastboy thu về khoảng 800.000 USD - 1 triệu USD.
Sau thành công đó, năm 2019, Fastboy đã lọt top 800 công ty phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Đó hoàn toàn không phải là việc dễ dàng khi hiện nay nước Mỹ đã và đang có hàng triệu doanh nghiệp cạnh tranh sôi động nhất toàn cầu.
Một trong những video chia sẻ về bất động sản được nhiều người quan tâm trên kênh Youtube Vuong Pham
Gần đây Vương Phạm còn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh địa ốc tại Houston. Do đó, trên kênh Youtube Vuong Pham đang có hơn 30.000 lượt đăng ký, rất nhiều video chia sẻ về bất động sản thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người.
CEO trẻ thông tin, dù có nhiều người muốn cùng đầu tư kinh doanh nhưng hiện tại Vương chưa dám hợp tác với ai vì những rủi ro trong kinh doanh buộc anh cần rèn luyện thêm bản lĩnh và đào sâu trong lĩnh vực này thêm một thời gian nữa.
Nói về những dự định trong tương lai, gần nhất Vương đang ấp ủ kế hoạch bán phần mềm ứng dụng cho người Mỹ sau 4 lần thất bại. Đồng thời, mở thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam là đại diện hợp pháp của Mỹ, ngoài 4 cơ sở tại TP.HCM và 1 cơ sở ở quê nhà Củ Chi.
Doanh nghiệp và tiếp thị