Tống cựu nghinh tân - tản văn của nhạc sĩ Trần Tiến

11/02/2021 23:30
Tống cựu nghinh tân - tản văn của nhạc sĩ Trần Tiến

Cuộc đời mà lại xấu xa / Thì sao cây táo nở hoa / Sao rãnh nước trong veo đến thế... Nhớ Lưu Quang Vũ quá. Tôi đã hát câu thơ này của anh trong bài Con chim sẻ tóc xù của tôi, ngày anh ra đi, bỏ cuộc rượu dở dang với bạn bè...

Tống cựu nghinh tân - tản văn của nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh 1.

Tác giả - nhạc sĩ Trần Tiến thời trẻ - Ảnh tư liệu

1 Tôi không giỏi nghĩa mấy từ cổ này lắm. Nhưng chắc là tống khứ cái cũ để đón cái mới. Cuối năm, "cà kê dê ngỗng" về "tống cựu nghinh tân" cũng vui. Tại sao không? Tôi có thói quen mỗi tối "tống cựu nghinh tân" một lần cái điện thoại của mình, từ tin nhắn công việc, bạn bè, khán giả đến quảng cáo rác.

Luôn luôn không giận hờn vì quảng cáo rác và những tin nhắn dẫu chân thành hay xã giao. Nhưng rất cẩn thận khi bấm nút xóa, đã có lần tôi bỏ phí tương lai vì cái nút ấy. Chợt nghĩ rồi đến một ngày không còn ai gọi đến mình nữa, kể cả quảng cáo (có khi họ tưởng mình lìa đời rồi, không gọi nữa thì buồn lắm).

Một ngày không tiếng điện thoại réo, một ngày đứng ngoài cuộc sống. Một ngày không có tiếng con người. Chắc khó sống lắm. Dù sao thì bạn cứ nên "tống cựu" mà, không cần đợi đến cuối năm: cái điện thoại của bạn, máy tính, căn phòng, cái xe đi làm, bộ quần áo mấy ngày không thay, những quan hệ rối rắm... Và cả trái tim bạn nữa. Bẩn và đầy quá, hãy dọn đi, để sống tiếp và "nghinh tân".

Lưu ý bạn, đừng vô tình, xóa bỏ. Những người, những địa chỉ tưởng như không cần giữ, một ngày mai, có khi chính họ sẽ ở lại với mình mà không là ai khác.

2 Chiều nay, biển lại đổi màu gì, kỳ lạ. Tôi ngồi ngắm biển bỗng "cựu" đâu ùa về.

Cuộc đời mà lại xấu xa / Thì sao cây táo nở hoa / Sao rãnh nước trong veo đến thế... Nhớ Lưu Quang Vũ quá. Tôi đã hát câu thơ này của anh trong bài Con chim sẻ tóc xù của tôi, ngày anh ra đi, bỏ cuộc rượu dở dang với bạn bè. 

Tôi ở lại, học cách yêu của anh. Thì vẫn là cây táo trước nhà, rãnh nước chảy men hè phố phiêu bạt. Có gì mới đâu, nhưng khi tình yêu đến thì hoa bỗng nở, nước cống bỗng trong vắt tuổi thơ. “Nghinh tân” đấy.

Nhớ những người bạn thân không còn nữa. Phạm Tiến Duật nhà thơ. Tuân "bạch tạng" họa sĩ. Hưng "đói" gã bụi đời vô gia cư. Anh Hoàng Cầm bậc hiền nhân. Thi sĩ chân tình hào sảng Thu Bồn. 

Những năm 1980, có một ngày anh Thu Bồn và Thịnh "gạo" khệ nệ vác bao gạo lên lầu ba nơi tôi ở vì: "Thằng Tiến hết gạo. Nó ra khỏi nhà thì bao người giàu đưa đón, nhưng nó ở lì trong nhà nhịn đói". Gặp anh, tôi ngượng vì không còn rượu đãi anh. 

Anh thò cút rượu giấu trong túi ra và đọc thơ. Không bao giờ anh đọc thơ mình, tôi thích anh vì vậy. Hôm đó anh đọc thơ Hoàng Cầm: Lá diêu bông.

Đói, mà nghe thơ sang. Quên đói thật. Vài năm sau, nhận viết cho Ban dân số bài Sao em nỡ vội lấy chồng, tự nhiên đến cuối bài thì "lá diêu bông" ở đâu trong trí nhớ lù lù xuất hiện. Chả dính gì đến yêu cầu của Trung ương Đoàn. 

Rồi công chúng thích, rồi được hai triệu đồng giải thưởng. Tôi mời nhà thơ Hoàng Cầm lên sân khấu nhận quà chia đôi. Ông anh khảng khái, cầm micro định cải chính "Trần Tiến không phổ thơ tôi, chẳng qua anh lấy có hai chữ "diêu bông" thôi". Tôi giật micro nói lảng chuyện khác và thế là ông anh có một triệu uống rượu cả tháng.

Mỗi bài hát có bao số phận đi qua, mỗi nốt nhạc có bao bóng hình cố nhân. Nhiều khi hình như tôi viết hộ ai đó những nốt nhạc, những câu thơ mà cuộc đời đã cho tôi. Tôi thường lấy tên "Ngẫu hứng" hoặc "Tùy hứng" để đặt cho những cách cấu trúc câu nhạc của mình là vì vậy.

Bài hát Tùy hứng Lý qua cầu là một kỷ niệm. Ngày gặp nhà thơ trẻ hiền lành Bế Kiến Quốc ở tòa soạn báo Văn Nghệ ngoài Hà Nội, anh chép tặng tôi bài thơ Điệu Lý qua cầu anh mới viết, thật dễ thương.

"Bằng lòng đi em, nhưng má anh đã mất...". Lời thơ dịu dàng mà buồn ngơ ngẩn.

Chỉ khi xuống miền Tây, được nghe trẻ con hát đồng dao: "Bằng lòng đi em, anh về quê rước má lên liền", tôi mới hiểu, anh cũng tùy hứng điệu dân ca Lý qua cầu của Đồng bằng sông Cửu Long một cách rất riêng. 

Nhất là câu kết của bài thơ anh thật đẹp: Mỗi khi nhớ em, buồn muốn khóc / Mình anh ca điệu Lý qua cầu. Tôi đã dùng duy nhất câu thơ này để kết thúc bài hát của tôi. Tôi hàm ơn anh vô cùng.

Tuy vậy, đêm qua nhậu, có người nhắc: Sao không đề tên Bế Kiến Quốc là đồng tác giả bài hát? Ừ nhỉ. Tôi thật có lỗi, nhất là anh đã không còn ở với chúng ta. Nhưng biết nói sao đây. Đề tên anh vào đâu, khi thời nhiễu nhương này, nhạc in không bán được vì có mấy người đọc được nhạc, kể cả ca sĩ nổi tiếng. 

Mọi người đều nghe và hát theo Google - YouTube. Người ta làm karaoke cũng đâu cần hỏi mình, quên trả bản quyền, thậm chí quên tên tác giả. Như bài Mặt trời bé con của tôi, có anh ca sĩ hát và ghi ngoài bìa CD là "Lời: Bùi Hoàng Cầm". 

Bản thân anh đoạt giải thưởng lớn qua bài Chiếc vòng cầu hôn với lời hát karaoke nhố nhăng nào đó, cực kỳ phản cảm, chẳng cần hỏi tác giả để có lời hát cho tử tế.

3 Tôi sẽ tìm cách tạ lỗi với anh Bế Kiến Quốc, Lưu Quang Vũ... Chắc phải tự bỏ tiền ra in nhạc, để công bố với mọi người bản quyền thơ của các anh. Mặc dù cả cuộc đời tôi viết nhạc đâu để nổi tiếng và để bán. Thì đấy, cho đến giờ vẫn chưa có một tập nhạc của riêng mình.

Dù sao, tôi thật hạnh phúc khi được gặp những người tài và hiền lành. Như các anh Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp và những người bạn, người em như các anh. 

Chỉ tiếc mọi người đi cùng tôi qua mặt đất thân yêu này giờ đều đã bỏ tôi qua thế giới khác. Đành uống rượu một mình. Chào mùa lá rụng lần thứ bảy mươi ba và ngồi viết bài "Tống cựu nghinh tân" để nhớ các anh.

Cũng chẳng buồn bã gì. Đôi khi tôi cứ mơ màng tự hỏi thế giới nơi các anh ấy tới chắc vui lắm. Bởi sao thấy các anh ra đi nào có ai quay lại nữa đâu! Mẹ tôi thì khác. Gần như đêm nào bà cũng về... đắp mền cho con.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025