Bất kỳ cá nhân nào có ảnh hưởng sâu sắc đối với người khác, đối với các tổ chức hoặc xã hội, bất kỳ bậc phụ huynh nào có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trong gia đình, bất kỳ ai tạo ra được sự khác biệt thực sự thì khả năng ảnh hưởng của họ đều có ba thuộc tính chung: tầm nhìn, kỷ luật và sự đam mê.
George Washington có một tầm nhìn xây dựng một quốc gia mới, thống nhất và độc lập, không chịu sự can thiệp hay phụ thuộc của nước ngoài. Ông tự thiết lập kỷ luật sắt cho chính mình trong việc tuyển mộ, tiếp tế quân nhu và giữ cho binh lính không đào ngũ khỏi quân đội.
Mohandas K. Gandhi, người có công đem lại nền độc lập cho Ấn Độ, mặc dù ông chưa bao giờ giữ một chức vụ nào trong chính phủ qua bầu cử hay được bổ nhiệm. Ông không hề có một địa vị chính thức, không chút quyền hành trong tay nhưng chính sức mạnh tinh thần của ông đã tạo ra những chuẩn mực văn hóa xã hội mạnh mẽ đến mức cuối cùng nó định hình các ý chí chính trị quan trọng. Ông đã làm chủ cuộc đời mình bằng một ý thức về lương tâm phổ quát luôn tồn tại trong lòng mọi người, trong cộng đồng quốc tế và cả bản thân người Anh.
Margaret Thatcher, nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của một nước công nghiệp lớn. Bà đã làm Thủ tướng nước Anh qua 3 nhiệm kỳ, trở thành người nắm quyền thủ tướng liên tục dài nhất trong thế kỷ 20. Bà luôn nhiệt tình cổ vũ mọi người xây dựng tính kỷ luật, trách nhiệm cá nhân, tính tự cường và là người đã cổ vũ mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh, bà đã đưa nước Anh vượt qua khủng hoảng và suy thoái kinh tế.
Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, người đã đấu tranh gần 27 năm trong nhà tù để chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Mandela được thôi thúc bởi tầm nhìn hơn là bởi ký ức của mình. Ông có thể hình dung ra một thế giới vượt khỏi mọi giới hạn của những trải nghiệm và ký ức đau thương của mình: đó là sự tù đày, bất công, chiến tranh và chia rẽ sắc tộc. Từ sâu thẳm tâm hồn ông luôn vang vọng một niềm tin bất tận về giá trị của mỗi công dân Nam Phi.
Mẹ Teresa, người đã toàn tâm toàn ý hiến dâng cả cuộc đời mình phục vụ vô điều kiện cho những người bất hạnh. Bà đã di chúc lại cho tổ chức của bà lời nguyện cầu bà đã hết lòng thực hiện trong suốt cuộc đời mình là sự trong sạch và cống hiến, tổ chức này dã không ngừng lớn mạnh và phát triển.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà lãnh đạo có cả 3 phẩm chất: tầm nhìn, kỷ luật và đam mê nhưng lại tạo ra một hậu quả đáng sợ. Adolf Hiler là một trong số đó. Ông ta đã say mê tuyên truyền cho tầm nhìn ngàn năm thống trị của Đệ tam Quốc xã và sự siêu việt của chủng tộc Aryan.
Ông ta đã dựng lên một trong số những cỗ máy công nghiệp chiến tranh kỷ luật nhất trong lịch sử thế giới. Ông ta đã minh chứng cho sức mạnh của năng lực cảm xúc qua tài hùng biện có sức thuyết phục cao, có thể biến đám đông cử tọa thành những kẻ cuồng tín đáng sợ mang tư tưởng hận thù và hủy diệt.
Hiler có tầm nhìn, tính kỷ luật và sự đam mê nhưng ông lại bị thúc đẩy bởi cái tôi ích kỷ. Do thiếu lương tâm nên ông ta đã thất bại. Tầm nhìn, tính kỷ luật và sự đam mê của Gandhi được thúc đẩy bởi lương tâm và trách nhiệm nên ông đã trở thành người đầy tớ phục vụ nhân dân và đất nước của ông. Ông chỉ có sức mạnh đạo lý nhưng ông lại là người cha và là người sáng lập ra đất nước có dân số lớn thứ hai trên thế giới.
Khi tầm nhìn, kỷ luật và sự đam mê được chi phối bởi quyền lực chính thống nhưng vô lương tâm và thiếu sức mạnh đạo lý thì thế giới có thể bị thay đổi, nhưng theo một chiều hướng sai lệch và xấu xa. Nó hủy hoại thế giới và tự đi đến chỗ diệt vong.
Như vậy, tầm nhìn (IQ), kỷ luật (PQ) và đam mê (EQ) thôi chưa đủ, 3 điều này phải được đặt lên bàn cân lương tâm (SQ) mới đủ sức tạo nên giá trị vĩ đại.
Thói quen thứ 8 - Tìm ra tiếng nói của bản thân và truyền cảm hứng cho người khác để họ tìm ra tiếng nói của họ chính là tư tưởng chủ đạo của Thói quen thứ 8. Nó bao gồm một hệ thống các ý tưởng có sức tác động mạnh mẽ nhằm tạo động lực và gặt hái thành công cho nhân viên, nhà quản lý và tổ chức.