Tết Nguyên Tiêu (còn gọi là Tết Thượng Nguyên, Tết Trạng Nguyên, Lễ hội Đèn lồng) diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch là một lễ hội truyền thống quan trọng ở Trung Quốc. Trên thực tế, ý nghĩa văn hóa và giá trị xã hội của Tết Nguyên Tiêu đối với người Hoa vượt trội hơn các lễ hội khác trong năm.
Người xưa đọc chữ đêm là "Tiêu" mà ngày 15 tháng lại là đêm đầu tiên trăng tròn trong năm, chính vì thế họ đã gọi đêm 15 tháng Giêng là Tết Nguyên Tiêu.
Tết Nguyên Tiêu được ăn món "Nguyên Tiêu" (Sủi dìn, bánh trôi tàu) với ý nghĩa gia đình đoàn viên, một năm mới hạnh phúc bên nhau, vạn sự như ý.
Vào Tết Nguyên Tiêu, lồng đèn được treo khắp ngõ ngách nơi người Hoa sinh sống.
Lễ hội Đèn lồng từ xưa đến hiện tại vẫn dịp tốt để những "nam thanh nữ tú" độc thân gặp gỡ nhau. Thời phong kiến, những cô gái trẻ không được tự do dạo chơi bên ngoài, do đó họ chỉ có thể cùng nhau ra ngoài trong dịp lễ hội. Vì vậy có thể nói, Lễ hội Đèn lồng là ngày Valentine của Trung Quốc.
Tết Nguyên Tiêu hay Lễ hội Đèn lồng có một quá trình lịch sử lâu đời. Ngày 15 tháng Giêng được người Tây Hán cực kỳ xem trọng, nhưng mãi đến thời Hán - Ngụy mới trở thành ngày lễ dân gian. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ thời Đông Hán có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình Lễ hội Đèn lồng. Hán Minh Đế ủng hộ Phật pháp đã ra lệnh "thắp đèn soi Phật" vào mỗi ngày 15 tháng Giêng hàng năm. Từ đó, hoạt động thắp đèn lồng dần lan rộng khắp Trung Quốc cùng sự lan tỏa của Phật giáo. Ngày nay, dù có nhiều thay đổi nhưng truyền thống cổ xưa vẫn nguyên vẹn.
Thả thiên đăng,... là những hoạt động chính trong Tết Nguyên Tiêu của người Hoa.
Có rất nhiều điển tích dân gian xung quanh Tết Nguyên Tiêu, mỗi câu chuyện mang màu sắc rất khác nhau.
Cách đây rất lâu, khi các loài mãnh thú vẫn còn rất nhiều, liên tiếp làm hại đến loài người và gia súc và con người thường tập hợp chống lại chúng. Đến một ngày, một con chim thần lạc đường bay xuống nhân gian, vô tình bị một thợ săn bắn chết. Lúc này, biết được sự tình đó, Thiên đế cực kì tức giận bèn sai Thiên binh xuống nhân gian "thiêu rụi" mọi thứ vào ngày 15 tháng Giêng.
Tuy nhiên, cô con gái thiện lương của Thiên đế lại hoàn toàn phản đối điều này. Nàng vô cùng xót xa khi chứng kiến con người chìm trong đau đớn. Vì thế, nàng bí mật cưỡi mây xuống nhân gian báo tin. Ai nấy đều hoang mang khi biết tai họa sắp ập xuống.
May mắn thay, một cụ ông đã đưa ra giải pháp: Vào ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng, mỗi gia đình đều phải thắp sáng nến, thắp đèn lồng và đốt pháo hoa để Thiên đế nghĩ rằng loài người đang bị thiêu cháy. Nghĩ là làm, đêm 15 tháng Giêng khi Thiên đế nhìn xuống nhân gian chỉ thấy một màu đỏ rực trong 3 đêm liên tiếp, ngài rất mãn nguyện. Từ đó trở đi, để kỷ niệm thành công đó, con người thường treo đèn lồng và đốt pháo hoa rước nhà.
Ngoài ra, dân gian Trung Quốc còn truyền tai nhau một sự tích khác về Tết Nguyên Tiêu liên quan đến một nàng cung nữ hiếu thảo.
Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, rất lương thiện lại còn vui tính. Vào một ngày mùa đông, tuyết rơi trong nhiều ngày liền, Đông Phương Sóc đến Ngự hoa viên thưởng thức hoa mai cùng Hoàng đế. Vừa đến cổng hoa viên, Đông Phương Sóc đã thấy một cung nữ khóc nức nở và chuẩn bị nhảy xuống giếng sâu.
Đông Phương Sóc vội ngăn cản và tìm hiểu nguyên do. Nàng cung nữ tên là Nguyên Tiêu và, từ khi nhập cung, nàng chưa một lần được về nhà thăm gia đình. Nỗi nhớ người thân ngày càng chồng chất khiến nàng cảm thấy mình rất bất hiếu, thà chết còn hơn. Đông Phương Sóc nghe xong câu chuyện liền rất cảm động và hứa sẽ giúp nàng đoàn tụ với gia đình.
Một ngày nọ, thành Trường An xảy ra điều kì dị, rất cả mọi người khi xem quẻ đều bốc được là: "Rằm tháng Giêng, lửa bén vào thân". Hoàng đế kinh hãi, cho mời Đông Phương Sóc đến hội ý. Đông Phương Sóc bèn trả lời: "Nghe bảo Hỏa thần rất thích ăn bánh trôi, cung nữ Nguyên Tiêu cũng không phải thường làm bánh trôi cho Người ăn sao? Tối ngày 15 hãy để Nguyên Tiêu làm bánh trôi và Hoàng thượng hãy thắp hương dâng cúng. Truyền lệnh cho nhà nhà làm bánh trôi và dâng cúng Hỏa thần như Người.
Sau đó, truyền dụ cho thần dân treo đèn lồng vào đêm 15 tháng Giêng, đốt pháo khắp thành, nổi lửa lên như vậy sẽ giống như cả thành đang chìm vào biển lửa, có thể qua mặt được Thượng đế. Ngoài ra, hãy thông báo cho bách tính ở ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, có thể tiêu trừ tai họa". Hán Vũ Đế nghe xong rất phấn khởi, quyết định làm theo ý của Đông Phương Sóc.
Đêm 15 tháng Giêng, khi cả thành Trường An được thắp sáng bởi hàng nghìn ngọn đèn, không khí náo nhiệt. Gia đình cung nữ Nguyên Tiêu vào thành xem hoa đăng đã rất sửng sốt và hét lớn khi nhìn thấy chiếc đèn cỡ lớn có hai chữ "Nguyên Tiêu". Nàng cung nữ nghe thấy bèn tìm đến gặp người thân. Thế là sau nhiều năm, nàng cũng đã có thể đoàn tụ với gia đình.
Bánh trôi tàu là món ăn không thể thiếu trong Tết Nguyên Tiêu.
Vào đêm 15 tháng Giêng, đèn lồng thắp sáng khắp các đường phố, ngõ ngách nơi người Hoa sinh sống. Ở một số nơi khác, người ta còn thả thiên đăng (đèn trời, đèn Khổng Minh) cùng những mong ước của mình lên bầu trời.
Trong lịch sử, sau các cuộc lẩn trốn bọn đạo tặc thổ phỉ và nhiều người đã chạy tứ tán khắp nơi, họ đã thả thiên đăng lên bầu trời nhằm báo hiệu an toàn cho nhau. Do đó, thiên đăng còn được gọi là "Đèn chúc phúc" hay "Đèn bình an". Hoạt động này dần phát triển thành một phong tục dân gian, những đèn lồng trên trời cao mang theo nhiều ước mong khác nhau.
Nguồn: Baidu - Thế giới trẻ