Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" (2 tập)
Đây là bộ sách mà tác giả, nhà báo Cù Mai Công viết riêng cho vùng đất Ông Tạ - nơi bà con Bắc di cư 54 tới lập làng xóm, sống giữa Sài Gòn, với nhiều câu chuyện văn hoá, lịch sử rất đặc biệt.
Trong 2 tập sách, Cù Mai Công đưa chúng ta bước vào một thế giới thú vị, đầy màu sắc và niềm hoài niệm. Hai tập sách bao gồm những câu chuyện về ẩm thực, những văn nghệ sĩ nổi tiếng, Tết ở Ông Tạ, những mái trường xưa cũ và cả những người lao động bình thường…
Qua những trang sách, ta thấy chan chứa niềm hoài niệm về nếp nhà của những cư dân Ông Tạ nói riêng, và rộng hơn là nếp sống của người miền Nam khi xưa.
Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương (2 tập)
“Sài Gòn” và “Gia Định”, cả hai cái tên thân thương này đều đã không còn được sử dụng như tên chính thức của vùng đất mà ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, mỗi tên gọi đều gợi lên những ký ức, hoài niệm khác nhau đối với mỗi người dân thành phố này.
Bộ sách “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” của nhà báo Cù Mai Công vừa như một thước phim để cùng bạn tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ, vừa như một chuyến du hành ngược thời gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu.
Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng
Năm 2004, báo Thanh Niên đăng loạt ký sự 36 kỳ với tựa đề “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”, kể về một vị tướng tình báo “hiền như bụt” nằm vùng trong cơ quan mật vụ tối cao của địch, người đã có đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ông chính là Thiếu tướng Đặng Trần Đức, hay còn gọi là ông Ba Quốc. Ông cũng là người thầy lỗi lạc đã dìu dắt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Các bài báo này đã được hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú tập hợp và biên soạn, kèm theo một số thông tin mới cùng những suy ngẫm của họ qua 20 năm nhìn lại.
Với văn phong báo chí đầy kịch tích và cách dẫn chuyện tài tình khéo léo, “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” lôi cuốn bạn đọc ngay từ những trang sách đầu tiên, thông qua từng câu chuyện tình báo hấp dẫn diễn ra trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt.
Cuốn sách chứa đựng nhiều bài học quý báu không chỉ về nghiệp vụ tình báo mà còn về cách đối nhân xử thế, những quan điểm và thái độ sống mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi.
Xoay chuyển tình hình Biển Đông
Trong “Xoay chuyển tình hình Biển Đông”, nhà báo Mỹ James Borton đưa người đọc đến gặp những con người đã gắn cuộc đời mình với Biển Đông, như những ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng kiên cường bám biển bất chấp sự sách nhiễu và quấy rối của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sách cũng chia sẻ góc nhìn của những giáo sư, tiến sĩ đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về hệ sinh thái ở Biển Đông và làm thế nào để bảo vệ sinh kế của các cộng đồng sống dựa vào biển.
Được chia thành ba phần: Ghi chép thực địa, Chính trị sinh thái và Ngoại giao khoa học, cuốn sách truyền tải đến người đọc quan điểm rằng, mối quan tâm chung về môi trường Biển Đông có thể là đóng vai trò giải pháp cho những xung đột trên khu vực này.