Nhưng điều gì đã giữ cho những niềm tin này vẫn sống động trong tâm trí con người từ đời này sang đời khác? Để giải đáp câu hỏi này, các nhà tâm lý học đã đưa ra nhiều góc nhìn, giúp làm sáng tỏ cơ chế tâm lý đằng sau niềm tin vào thế giới siêu nhiên này.
Niềm tin vào ma quỷ không phải là hiện tượng gì mới mẻ. Trên thực tế, đã có rất nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng một tỉ lệ lớn người trưởng thành tin vào sự tồn tại của các linh hồn. Năm 2020, khảo sát của YouGov cho thấy 46% người Mỹ tin vào sự tồn tại của ma quỷ, và một cuộc thăm dò vào năm 2021 ghi nhận 20% người tham gia cho biết họ từng trải nghiệm gặp gỡ với một linh hồn. Tại Anh, con số này là 34% vào năm 2014, và niềm tin này dường như ngày càng tăng lên nhờ vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông và sự phát triển của internet.
Sự lan truyền mạnh mẽ của nội dung về thế giới huyền bí trong các bộ phim, trò chơi, podcast, và mạng xã hội đã góp phần không nhỏ làm gia tăng niềm tin vào ma quỷ. Những video ghi lại cảnh những hình bóng mờ ảo, những tiếng động kỳ lạ hay các vật thể tự di chuyển không chỉ trở thành đề tài thảo luận mà còn khiến nhiều người tin rằng họ thực sự tồn tại.
Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng niềm tin sự huyền bí có thể gia tăng trong thời gian khủng hoảng. Khi đối mặt với những bất an trong cuộc sống, như thời điểm của Đại dịch COVID-19, con người có xu hướng tìm kiếm những yếu tố siêu nhiên để giải thích và tạo nên sự ổn định trong tư duy. Trong khi đó, những câu chuyện ma quái mang lại cảm giác về một thế giới có quy luật và giúp con người đối phó với những điều không chắc chắn hay những điều chưa thể giải thích được.
Giáo sư danh dự Chris French thuộc Đơn vị Nghiên cứu Dị thường tại Goldsmiths, Đại học London, đã giải thích rằng cơ chế sinh tồn tiến hóa của con người cũng góp phần vào việc hình thành những niềm tin siêu nhiên này. Bộ não con người có xu hướng dễ tin vào các hiện tượng kỳ bí để nhanh chóng phát hiện và đối phó với nguy hiểm, từ thời mà những mối đe dọa sinh tồn thực sự có thể đến từ động vật hoang dã hoặc các kẻ thù. Theo French, chúng ta có xu hướng kết nối những hiện tượng xảy ra ngẫu nhiên hoặc không giải thích được với những lý do có chủ ý, dẫn đến việc cho rằng chúng ta đang bị tác động bởi các thế lực siêu nhiên.
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng không chỉ những người tin vào ma quỷ mới trải nghiệm các hiện tượng ma quái. Đôi khi, ngay cả những người hoài nghi cũng có thể gặp phải những cảm giác kỳ lạ mà chính họ khó có thể lý giải. Hai yếu tố chính thường góp phần làm cho con người có những trải nghiệm “ma quái” là: bối cảnh và niềm tin trước đó.
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thí nghiệm để kiểm tra cách mà bối cảnh ảnh hưởng đến trải nghiệm của con người. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 1997, những người tham gia được yêu cầu khám phá một rạp chiếu phim cũ. Một nửa được cho biết rằng rạp hát này đang được sửa chữa, trong khi nửa còn lại được thông báo rằng nó bị ma ám. Kết quả cho thấy, những người được thông báo rằng nơi này có ma đã báo cáo nhiều trải nghiệm kỳ lạ hơn so với nhóm còn lại, điều này minh chứng cho sức ảnh hưởng của bối cảnh và niềm tin lên trải nghiệm của chúng ta.
Thêm vào đó, các trải nghiệm như tê liệt khi ngủ cũng góp phần làm gia tăng niềm tin vào ma quỷ và các thực thể siêu nhiên. Tình trạng này khiến cho người bị tê liệt không thể cử động được trong vài giây hoặc vài phút sau khi tỉnh dậy, trong khi vẫn cảm thấy có sự hiện diện đáng sợ lơ lửng gần mình. Trải nghiệm này rất phổ biến trên khắp thế giới và thường đi kèm với các ảo giác, dẫn đến nhiều hình tượng khác nhau như niềm tin về sư tồn tại của phù thủy ở Tây Âu, ma cà rồng ở Trung và Đông Âu, hay thậm chí là pháp sư ác độc trong văn hóa Inuit.
Một trong những lý do mạnh mẽ nhất khiến con người tin vào ma quỷ chính là yếu tố cảm xúc. Nỗi sợ về cái chết và nỗi đau mất đi người thân là những cảm xúc rất con người và luôn hiện diện. Ý tưởng rằng chúng ta hoặc người thân có thể “tiếp tục tồn tại” dưới một hình thức khác sau khi chết giúp chúng ta vơi đi nỗi sợ và an ủi tâm hồn. Nhà tâm lý học French nói rằng dù ông không tin vào các yếu tố siêu nhiên, nhưng ông cũng không ngăn cản người khác duy trì niềm tin của họ nếu nó mang lại sự an tâm và tích cực trong cuộc sống.
Bên cạnh các yếu tố văn hóa và cảm xúc, bộ não con người đôi khi cũng khiến chúng ta hiểu lầm về các hiện tượng tự nhiên. Những tiếng động nhỏ hay những sự việc ngẫu nhiên có thể nhanh chóng được não bộ liên kết với các thế lực huyền bí. Bộ não của chúng ta vốn được “lập trình” để tự lý giải các hiện tượng không quen thuộc và có thể dễ dàng làm cho chúng ta tin rằng chúng ta không hề đơn độc.
Một câu chuyện điển hình về sự nhầm lẫn này là của Rodney Holbrook, một người đưa thư đã nghỉ hưu. Holbrook cho biết có ai đó dọn dẹp bàn làm việc của ông mỗi đêm khi ông để đồ vật không đúng chỗ. Ông quyết định gắn camera để bắt quả tang “vị khách bí ẩn” đó, và điều mà ông phát hiện ra khiến ông kinh ngạc. Thủ phạm không phải là một hồn ma, mà là một chú chuột nhỏ đang tự thu xếp không gian của mình.
Như vậy, dù niềm tin vào ma đã và đang hiện diện từ rất lâu trong văn hóa nhân loại, nhưng rất nhiều các yếu tố tâm lý, sinh học và xã hội góp phần giữ cho niềm tin ấy sống mãi. Trong khi khoa học vẫn đang tìm cách giải thích các hiện tượng siêu nhiên, có lẽ niềm tin vào thế giới huyền bí sẽ không dễ gì tan biến, nhất là khi con người vẫn còn tìm thấy ở đó một lời giải thích đầy mê hoặc và an ủi cho những điều chưa biết trong cuộc sống.