Sống hạnh phúc như người Đan Mạch, chỉ nhờ một câu 'thần chú'

05/04/2019 11:54
Sống hạnh phúc như người Đan Mạch, chỉ nhờ một câu 'thần chú'

Người Đan Mạch vốn được biết tới là những người hạnh phúc nhất trên thế giới. Bởi lẽ, họ có rất nhiều từ ngữ thú vị để biểu lộ niềm vui của mình.

Mỗi khi người Đan Mạch bực dọc, họ sẽ chỉ nói 1 từ duy nhất: “pyt”.

Có thể bạn đã nghe thấy từ “hygge - thường được hiểu là “sống ấm cúng và thân mật”. Đây là lối sống đã từng “làm mưa làm gió” ở khu vực Bắc Âu, chú trọng vào việc làm ít hiệu quả nhiều, hưởng thụ cuộc sống một cách tối đa.

Nhưng giờ đây, “pyt” mới là từ ngữ phổ biến nhất ở Đan Mạch. Người dân ở quốc gia này đã bầu chọn “pyt” là từ ngữ yêu thích nhất của họ, đánh bại từ “dvæle” (nấn ná, chần chừ” và từ “krænkelsesparat” (sẵn sàng phật lòng).

Rất khó để tìm một từ tương đương hoàn toàn để giải thích ý nghĩa của “pyt”. Mặc dù vậy, nó vẫn là một lối sống lành mạnh mà người dân Đan Mạch vẫn sử dụng hàng ngày để đối mặt với stress.

Một cách để bước tiếp

“Pyt” thường được sử dụng để đối mặt và phản ứng trước những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Nó có thể được hiểu là “Đừng lo lắng về điều đó”, “Chuyện như vậy vẫn xảy ra mà”, hay “Hãy quên nó đi”.

Làm vỡ một cái cốc trong bếp, nhún vai và nói: “pyt”. Thấy vé phạt đỗ xe kẹp dưới cần gạt nước ô tô, bạn tức giận, lắc đầu và lẩm bẩm: “pyt”.

Về bản chất, “pyt” chính là học cách chấp nhận và làm lại. Người ta dùng từ này như một lời nhắc nhở bản thân lùi lại và tập trung, hơn là phản ứng dữ dội với mọi thứ. Thay vì đổ lỗi, “pyt” khiến chúng ta cho qua mọi chuyện và tiến lên.

Bạn có thể nói “pyt” để phàn nàn về hành động mình đã làm - “Pyt, mình đã nói một điều ngu ngốc” hoặc để cổ vũ người khác - “Cứ pyt nó đi, đừng khó chịu vì sự thiếu tinh tế của đồng nghiệp cậu”.

“Pyt” có thể giúp chúng ta giảm stress, bởi lẽ nó khuyến khích bạn và những khác không bị bận tâm bởi những rắc rối vụn vặt trong cuộc sống. Một doanh nhân thành đạt ở Đan Mạch từng cho phép nhân viên nói “pyt” ở cơ quan để làm việc hiệu quả hơn.

Học cách ngừng trách móc

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chúng ta hạnh phúc và sống thọ hơn nếu có ít điều phiền toái trong cuộc sống. Trong một số trường hợp, những rắc rối cỏn con ấy lại tác động lên cách chúng ta nhìn nhận về thế giới xung quanh mình.

“Pyt” có thể giúp chúng ta tránh được thói được thói quen đổ lỗi cho người khác. Bạn đang tới chỗ một cuộc hẹn và bị muộn, nhưng người ở phía trước mặt bạn lái xe rất chậm. Bạn bực mình và đổ lỗi cho người đó.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra, bạn sẽ chỉ càng bực mình hơn nếu quy trách nhiệm cho sự yếu kém, sai lầm của một ai đó.

Bằng cách nói “pyt”, bạn quyết định rằng, những điều phiền toái nằm ngoài tầm kiểm soát kia không đáng để khiến bạn bực dọc. Mọi thứ chỉ đều “nước đổ lá khoai”. Bạn cũng có thể dùng các chiến lược khác, ví dụ như nghĩ về các hạn chế về mặt tình huống (người lái xe có thể đang ốm) để xem xét liệu sự khó chịu này sẽ tiếp tục trong 2 giờ, 2 ngày hay 2 tuần.

Dĩ nhiên là, bạn sẽ không dùng từ “pyt” đối với những trường hợp bị đối xử bất công, quá đáng. Từ này cũng không nên được dùng khi bạn phải chịu trách nhiệm, hay lấy để làm cớ cho sự thờ ơ, ì ạch.

Người Đan Mạch - vốn nổi tiếng với tinh thần tích cực - cho biết, việc áp dụng từ “pyt” vào quá nhiều khía cạnh của cuộc sống là không hề lành mạnh chút nào, nhất là khi xét đến những nhu cầu và giá trị cốt lõi.

Ấn nút “pyt”

Để buông bỏ mọi bực dọc, bạn có thể đi dạo, hòa mình vào thiên nhiên, tập yoga hoặc thiền, tập thể thao, ghi chép, và tham gia các hoạt động mang tính sáng tạo.

Hoặc không, bạn có thể ấn nút “pyt” để trút bỏ mọi phiền muộn. Những chiếc nút có màu đỏ và trắng này cũng giống như nút ấn trả lời câu hỏi của các thí sinh trong chương trình trò chơi truyền hình. Khi ấn nút, một tiếng “pyt” sẽ phát ra, nhắc nhở mọi người quên đi những điều bực mình trong cuộc sống.

Các giáo viên Đan Mạch cũng dùng chiếc nút này để dạy học sinh cách buông bỏ và chấp nhận. Nó giúp các em bỏ qua những bực bội hàng ngày, kiểu như “Mình thua trò chơi này rồi” hoặc “Mình không thấy chiếc bút chì yêu thích đâu cả”. Nhờ đó, những đứa trẻ sẽ hiểu rằng, mọi thứ không phải lúc nào cũng cần hoàn hảo.

Đây là những kỹ năng hết sức cần thiết trong cuộc sống mỗi người. Theo nhiều nghiên cứu, cầu toàn có thể dẫn tới lo lắng và trầm cảm. Trong khi đó, lòng khoan dung đối với bản thân và sự ủng hộ từ xã hội có thể giúp ngăn chặn những hậu quả tiêu cực do sự cầu toàn gây ra.

Trong những năm gần đây, nút “pyt” đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Đan Mạch. Họ tự làm những chiếc nút này hoặc mua nó ngoài cửa hàng. Để rồi, mỗi khi bực dọc, họ sẽ ấn nút, nghe những tiếng “pyt pyt pyt” phát ra với ý nghĩa: “Thở thật sâu, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!”

Đó chính là chiếc nút để làm lại từ đầu.

Theo Tri Thức Trẻ/ CafeF


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024