Gần đây, câu chuyện về Ding Zheng (37 tuổi) và mẹ anh - bà Zou Hongyan (62 tuổi) - sống tại tỉnh Hồ Bắc, được truyền thông Trung Quốc đề cập, khiến nhiều người xúc động.
Theo đó, Ding được chẩn đoán mắc chứng bại não khi chào đời năm 1988. Lúc ấy, bác sĩ và bố Ding đều khuyên mẹ anh từ bỏ đứa trẻ nhưng bà kiên quyết từ chối. Bà kể đã hạnh phúc biết bao khi cảm nhận đôi chân nhỏ bé của Ding chạm vào bụng, thấy tim con đập hòa nhịp với mình.
“Tôi là mẹ của con tôi. Tôi đã chăm sóc rất tốt cho nó khi còn mang thai. Tôi không bao giờ từ bỏ con”, bà Zou nhớ lại, khẳng định khi đó mình đã quyết tâm “chiến đấu đến cùng” để giữ lại Ding.
Khi Ding chưa đầy 3 tháng tuổi, bà Zou đưa con đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hồ Bắc để kiểm tra trí tuệ. Sau một thời gian điều trị liên tục, bác sĩ xác nhận trí tuệ của Ding hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, do các tế bào thần kinh vận động ở tiểu não bị tổn thương, Ding gặp khó khăn về vận động, nửa người bên trái bị liệt.
Bà kể câu nói mà Ding hay nói nhất là: "Con không làm được", bà luôn đáp lại rằng "cứ thử đi con". Là giảng viên đại học, bà kiên trì rèn luyện cho con tại nhà.
Ví dụ như việc dùng đũa, dù là kỹ năng đơn giản với nhiều trẻ em, nhưng là thử thách lớn với Ding. Trên bàn ăn, nếu Ding là người duy nhất không dùng đũa, mọi người sẽ tò mò và cậu phải giải thích rằng mình bị bại não. Không muốn con bị tổn thương, bà Zou dành một năm để dạy con dùng đũa thành thạo.
Bà cũng dạy con vẽ bằng bút to, cầm tay con luyện nét, rồi từ từ chuyển sang bút nhỏ. Từ lúc một tuổi, Ding bắt đầu học đọc cùng mẹ và trước 2 tuổi đã biết hơn 100 chữ Hán.
Ngoài việc tự tập luyện cho con tại nhà, bà Zou cũng dành toàn bộ số tiền mà mình tích cóp được để đưa con trai đến các trung tâm trị liệu.
Song, ngày đó bà Zou chỉ kiếm được 100 Nhân dân tệ (hơn 361.000 đồng) mỗi tháng, trong khi mỗi buổi phục hồi chức năng của Ding tốn 5 Nhân dân tệ (18.000 đồng), tức chỉ đủ cho 20 buổi phục hồi chức năng của Ding nhưng bà vẫn quyết tâm đến cùng. Để trang trải, bà làm thêm nhiều việc như dạy kỹ năng giao tiếp và bán bảo hiểm, ngoài công việc chính là một giảng viên đại học.
Bà Zou kể mỗi lần trị liệu thì con trai đều vật lộn, đau đớn rất nhiều. Nhưng bà không bao giờ khóc hay nản chí. “Vì nếu tôi khóc hoặc có ý chùn bước, con tôi sẽ khóc nhiều hơn và sẽ sớm bỏ cuộc”, bà chia sẻ.
Bác sĩ Xiao Daiqi, người từng điều trị cho Ding nhìn nhận, nhờ bà Zou đưa con đi điều trị sớm và kiên trì, Ding mới hồi phục được đến mức ấy: “Với bệnh bại não, điều trị sớm và liên tục là vô cùng quan trọng”.
Khi Ding 10 tuổi, bà Zou quyết định ly hôn với chồng, vì chồng bà luôn lạnh nhạt với người con bệnh tật. Sau khi hai người ly hôn, bà nội của Ding chuyển tới sống cùng hai mẹ con.
Ding học giỏi từ thời tiểu học và duy trì phong độ học tập ổn định. Năm 2007, Ding đỗ nhiều trường đại học hàng đầu Trung Quốc, anh chọn Đại học Bắc Kinh. Sau đó, anh tiếp tục học cao học tại Trường Luật Quốc tế của Đại học Bắc Kinh.
Nhờ sự động viên của thầy cô, Ding nộp hồ sơ và trúng tuyển chương trình đào tạo thạc sĩ luật tại Đại học Harvard (Mỹ). Anh không chỉ hoàn thành chương trình học mà vượt qua kỳ thi luật sư bang New York. Hiện anh đã trở về Trung Quốc và làm cố vấn pháp lý cho một công ty tại quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Zou từng chia sẻ: “Chứng kiến con thành công trong cuộc sống, tôi luôn nhớ đến đứa trẻ sơ sinh suýt bị tháo ống thở, nếu tôi không kiên quyết bảo vệ đến cùng. Đứa trẻ ấy cũng từng bị bạn bè bắt nạt rất nhiều khi đi học. Nhưng đêm dài nào rồi cũng sẽ qua”.
Câu chuyện của hai mẹ con bà Zou đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Một cư dân mạng bình luận: “Bà Zou là một người mẹ vĩ đại, trao cho con tất cả tình yêu thương và sự đồng hành bền bỉ. Sau cùng, mẹ và bà nội vẫn ở lại với Ding Zheng, còn cha thì bỏ đi. Phụ nữ có lẽ mới chính là trụ cột của gia đình”.
Nhiều người khác ngưỡng mộ nghị lực, tình yêu thương và trí tuệ của bà Zou, khi bà biết cách dạy con vượt lên hoàn cảnh, trở thành một người có tri thức, phẩm giá, kỹ năng sống và sự tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Theo SCMP