Trong bài viết lần trước, chúng tôi đã giải mã 3 báu vật khá điển hình giúp người Israel thành công trong hành trình vĩ đại khởi nghiệp kiến quốc. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giải mã một chủ nghĩa đặc biệt - chủ nghĩa Bitzu'ist với 2 con người độc đáo đã góp phần giúp quốc gia chỉ có diện tích 20.000km2 (bằng 1/16 Việt Nam), lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm (tức bằng 1/30 Việt Nam) đã vươn lên và phát triển vượt bậc so với chúng ta.
David Ben-Gurion và Shimon Peres
Chủ nghĩa Bitzu'ist là trung tâm của những đặc tính tiên phong và là động lực của tinh thần khởi nghiệp Israel.
“Gọi một người Israel là Bitzu'ist tức là khen ngợi người đó một cách sâu sắc”, tác giả kiêm biên tập viên huyền thoại của tờ New Republic - Leon Wieseltier viết.
Thuật ngữ mà Wieseltier sử dụng rất phù hợp để nói về bất cứ ai dám mạo hiểm để thành lập những công ty “khởi nghiệp”. Ngoài ra, khái niệm này cũng bao hàm tất cả những con người dũng cảm, từ người đối mặt với cướp bóc và tát cạn đầm lầy cho đến những doanh nhân tin rằng họ có thể bất chấp những điều kỳ quặc và nòng súng để biến ước mơ thành hiện thực.
Tinh thần khởi nghiệp này cũng chính là lý do giúp Israel đã tái thiết lại hệ sinh thái quốc gia, biến một đất nước 60% diện tích sa mạc trở thành mảnh đất đáng sống nhất hành tinh.
Trong khi điều kiện tài nguyên thiện nhiên chỉ có khí tự nhiên, mỏ đồng, đá phốt phát, magie bromua, kali cabonat, đất sét, cát, Israel lại được mệnh danh là thung lũng silicon của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.
Đất nước này chỉ có 1,7% dân số làm nông nghiệp nhưng lại là một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới. Dù điều kiện tự nhiên không hề ưu ái nông nghiệp nhưng ngay từ khi lập quốc, Israel đã coi nông nghiệp là gốc rễ của nền kinh tế. Năm 1995, một nông dân Israel nuôi được 15 người, đến năm 2014, con số này đã tăng lên 100 người. Sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm nước và chắm sóc hợp lý, áp dụng công nghệ khoa học tự chế tạo đã giúp Israel trở thành ốc đảo, là vườn rau của châu Âu trong mùa Đông với nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao nhất thế giới.
Bạn biết chưa?
Chỉ 1,7% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm xuất khẩu trên dưới 3,5 tỉ USD nông sản, đưa quốc gia này trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Ở Israel, người ta gọi nông dân là công nhân nông nghiệp.
Nhà máy khử mặn nước biển Sorek mỗi ngày cung cấp 600.000m3 nước sinh hoạt, đáp ứng 20% tổng nước sinh hoạt cho cả nước, kể cả việc tưới tiêu. Họ tái sử dụng đến 70% nguồn nước.
Vậy, chủ nghĩa Bitzu'ist thực chất là gì và nó đã đóng góp như thế nào trong những bước tiến, sự phát triển diệu kỳ này. Chân dung của David Ben-Gurion, Shimon Peres và những đóng góp to lớn của họ trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp Israel sẽ là ví dụ tiêu biểu làm rõ vấn đề này.
David Ben-Gurion: "Vị Vua" một tay điều khiển bản đồ dân số Israel
Ben-Gurion là một hình mẫu bitzu’ist cổ điển - "thực dụng", nhưng dám làm đến cùng và có thêm nhiều phẩm chất của một nhà hoạt động.
Ông là một người nhập cư từ Ba Lan đến Israel khi mới 20 tuổi vào năm 1906. Khi đến nơi, ông đổi sang tên Do Thái là Ben-Gurion - tên một vị tướng Do Thái từ thời đế chế La Mã vào năm 70 sau Công Nguyên - và nhanh chóng nổi lên, trở thành lãnh đạo quan trọng của cộng đồng Yishuv (một cộng đồng người Do Thái thời trước khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948 - PV).
Bạn biết chưa?
Tác giả người Israel Amos Oz nhận xét về Ben-Gurion: "Trong những năm đầu của nhà nước mới, nhiều người Israel xem ông như sự kết hợp của Moses, George Washington, Garibaldi và Chúa Toàn Năng".
Ben-Gurion chính là người tổ chức chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Để hiểu hết về vai trò của Ben-Gurion, có lẽ phải bắt đầu từ chính sách tiếp nhận làn sóng nhập cư của ông.
Thực tế, từ những năm 1930 cho đến khi kết thúc nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust), hàng triệu người châu Âu gốc Do Thái bị chuyển đến các trại tập trung, một số đã tìm cách đào tẩu đến Palestine.
Tuy nhiên, những người trốn thoát lại bị nhiều nước từ chối cho tị nạn và buộc phải sống chui lủi, thường là trong những điều kiện khủng khiếp. Sau năm 1939, chính phủ Anh khi đó, vốn là siêu cường thuộc địa phụ trách Palestine, đã ban hành lệnh cấm hà khắc lên làn sóng nhập cư với một chính sách được biết đến với tên gọi “Bạch Thư” (White Paper).
David Ben-Gurion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel năm 1948 tại Tel Aviv - Nguồn: State of Israel proclaimed, History.com
Để giải quyết quốc nạn này, Ben-Gurion đã phát động hai chiến dịch tưởng chừng trái ngược nhau. Đầu tiên, ông thuyết phục và thu xếp cho khoảng 18.000 người Do Thái đang sống ở Palestine quay về châu Âu để gia nhập quân đội Anh trong "Tiểu đoàn Do Thái" chống Đức Quốc xã. Cùng lúc đó, ông tạo ra một cơ quan ngầm để bí mật vận chuyển người tị nạn Do Thái từ châu Âu sang Palestine, thách thức chính sách nhập cư của Anh. Ben-Gurion, một mặt cùng chiến tuyến với người Anh ở châu Âu; mặt khác chống lại người Anh ở Palestine.
Ben-Gurion tập trung một cách khác thường vào việc xây dựng nhà nước, bằng mọi phương tiện. Trong quan điểm của ông, mọi chính sách - kinh tế, chính trị, quân sự hoặc xã hội - đều phải phục vụ cho mục tiêu xây dựng quốc gia.
Tiếp theo chính sách nhập cư là các chính sách về vấn đề định cư. Ông tin rằng, những khu vực không có hoặc ít người ở sẽ bị kẻ thù đoạt mất trong khi đó, sự tập trung dày đặc ở các đô thị như Jerusalem, Tiberias và Safed sẽ biến những nơi này thành mục tiêu cho lực lượng không quân thù địch.
Mootjn nông trang - kibbutz của Israel nhìn từ trên cao.
Công nghệ nông nghiệp hiện đại ở Israel.
Bài toán định cư sau khi tiếp nhận luồng dân nhập cư và thành lập nhà nước Israel là sự ra đời của Nông trang (kibbutz). Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, song những nông trang viên sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước.
Theo thống kê, vào năm 1944 chỉ có 16.000 người sống trong các nông trang. Trong suốt 20 năm tiếp theo, con số này tăng lên thành 80.000 người, chiếm 4% dân số Israel phân bố đều trong 250 nông trang.
Tuy không nhiều nhưng các nông trang trở thành các cộng đồng nằm rải rác trên toàn quốc và trở thành tấm lá chắn mạnh mẽ. Họ đóng góp 15% thành viên của Quốc hội Israel, lực lượng sĩ quan và phi công của quân đội Israel. 800 lính Israel hy sinh trong Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967 là các kibbutznik (nông trang viên) - gấp 6 lần so với tỉ lệ của họ trong tổng dân số.
Chân dung Ben-Gurion.
Những nông trang viên là biểu tượng của sức chịu đựng gian khổ và loại bỏ tính lễ nghi. Mô hình nông trang có tính chất tập trung và dân chủ cao độ. Mỗi câu hỏi của vấn đề tự quản, như trồng cây gì hay thành viên có nên sở hữu tivi đều được đưa ra thảo luận không dứt.
Ngoài những chính sách và định hướng khôn ngoan của Ben-Gurion, sự trỗi dậy của nông trang một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học của Israel thực hiện.
Ở Israel người ta có thể kể ra rất nhiều nông trang hoành tráng đã có đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế quốc gia. Ở đó, mỗi nông trang viên đều không ngừng sáng tạo. Giáo sư Ricardo Hausmann đứng đầu Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard, và là nguyên Bộ trưởng Phát triển trong chính phủ Venezuela từng nhận định, mọi quốc gia đều có khó khăn và hạn chế nhưng điều gây kinh ngạc của Israel chính là thiên hướng tiếp nhận các vấn đề - như sự thiếu nước - và biến chúng thành tài sản - như trong trường hợp này là dẫn đầu trong các lĩnh vực nông nghiệp vùng hoang mạc, tưới nhỏ giọt và khử mặn.
Mô hình nông trang luôn ở vị trí tiền tuyến của quá trình sáng tạo, đổi mới này từ khi bắt đầu. Tất nhiên, trước khi kể đến những yếu tố khác về khoa học công nghệ thì đóng góp của Ben-Gurion là vô cùng quan trọng. Đó chính là người đã không ngại dồn toàn tâm sức để tái thiết đất nước, đưa ra những quyết sách quan trọng nhưng đầy mạo hiểm trong vấn đề nhập và định cư.
Shimon Peres - Người "đá cặp" cùng Ben-Gurion trên sân bóng công nghệ ở Israel
Bạn biết chưa?
Nhìn vào Israel hôm nay, hầu hết du các khách sẽ ngạc nhiên khi biết 95% diện tích của đất nước bị xếp vào nhóm bán khô hạn, khô hoặc rất khô hạn, dựa vào lượng mưa hằng năm.
Một thế kỷ trước, Israel đã được Mark Twain và nhiều du khách khác miêu tả là vùng đất đa phần cằn cỗi. Giờ đây nơi này có khoảng 240 triệu cây xanh do hàng triệu người cùng trồng. Rừng cây được trồng trên khắp đất nước, nhưng lớn nhất và có lẽ cũng là phi thường hơn cả chính là rừng Yatir chỉ sống bằng lượng mưa rất ít ỏi hàng năm. Nó cũng chính là nguyên nhân giúp Israel trở thành quốc gia duy nhất đẩy lùi được sa mạc - Trích Quốc gia khởi nghiệp.
Người bạn vong niên (người bạn thân dù chênh lệch lớn về tuổi tác - PV) của ông - Shimon Peres sau này cũng là người đã đóng góp rất nhiều cho đất nước Israel.
Được biết đến ít hơn Ben-Gurion nhưng Shimon Peres đóng vai trò quan trọng như một doanh nhân khởi nghiệp hàng loạt theo kiểu rất độc đáo - người sáng lập của hàng loạt các ngành công nghiệp.
Trên thực tế, ông chưa từng kinh doanh ngày nào, thậm chí cả ông lẫn Ben-Gurion đều không biết gì về kinh tế. Song cách tiếp cận của Peres đến chính phủ là vai trò một doanh nhân thành lập những công ty khởi nghiệp.
Peres lớn lên trong một nông trang trước khi nhà nước này được thành lập. Điều đó dường như đã nuôi dưỡng một sự đại khởi hành trong con đường sự nghiệp của ông sau này. Cũng chính vì xuất thân như vậy nên Peres luôn coi nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế mang tính nền tảng và có tính cách mạng hơn công nghiệp.
"Trong 25 năm, sản lượng nông nghiệp của Israel tăng 27 lần. Thật kỳ diệu. Người ta không nhận ra điều này nhưng nông nghiệp là một công việc trong đó 95% khoa học, 5% lao động", Peres nói.
Dường như Peres nhìn thấy công nghệ ở bất cứ đâu, từ lâu trước khi người Israel cũng nghĩ được như thế. Điều này rất hợp với Ben-Gurion - người đã tin rằng tương lai chính là khoa học. Ông ấy luôn nói rằng, quân đội không chỉ cần cập nhật công nghệ mới nhất, mà phải tiên đoán được công nghệ của ngày mai.
Trong "sân bóng" công nghệ ở Israel, Ben-Gurion và Peres trở thành một cặp bài trùng, một cặp chân sút cực ăn ý.
Trở lại với chuyện Israel muốn sản xuất máy bay vào những năm 1950 khi điều kiện đất nước vô cùng khó khăn không thể không nhắc đến góp quan trọng của Peres và Ben-Gurion.
Thời điểm đó, Al Schwimmer cùng Peres bắt đầu mơ mộng về ngành công nghiệp hàng không khi họ bay qua Bắc cực năm 1951. Nhưng khi trở về Israel, họ vấp phải sự chống đối gay gắt. "Chúng ta thậm chí còn không làm được chiếc xe đạp," các bộ trưởng nói với Peres vào những ngày ngành sản xuất xe đạp non trẻ đã thực sự thất bại, dân tị nạn tiếp tục đổ vào đất nước, và những lương thực căn bản vẫn còn được phân phối.
Song Ben-Gurion tin Peres. Ông nhìn nhận, việc sản xuất máy bay đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế, nâng cao vị thế đất nước mà còn giúp ích lớn cho lĩnh vực quốc phòng, quân sự.
Chân dung nhà lãnh đạo Shimon Peres
Lúc đó, Peres đã thuyết phục Ben-Gurion rằng Israel có thể sửa chữa máy bay còn lại từ Thế chiến II. Họ thành lập một doanh nghiệp lớn nhất ở Israel khi đó là Bedek. Ngày nay, doanh nghiệp này trở thành Israel Aircaft Industries và dẫn đầu thế giới về ngành hàng không.
Một ý tưởng khác cũng được cặp bài trùng Peres và Ben-Gurion khởi động thành công chính là ngành công nghiệp hạt nhân. Ý tưởng này được Peres đưa ra và nhanh chóng bị chính quyền xóa sổ. Khi Peres đến gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Peres đã nhận được lời từ chối khá ê chề rằng: "Thật may anh đã đến gặp tôi, hãy yên tâm là anh sẽ chẳng thể nhận được bất cứ một xu nào".
Theo các chính khách cũng như chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học hàng đầu Israel, ý tưởng của Peres là quá tham vọng. Cuối cùng, Peres vẫn chỉ có một người đồng minh thân thiết nhất, sẵn sàng cùng ông lao vào mọi chận chiến mạo hiểm, người ấy không ai khác chính là Ben-Gurion.
Bạn biết chưa?
Cha mẹ người Do Thái luôn dạy con từ khi còn nhỏ; “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương”… Họ không chỉ coi trọng trí tuệ, mà còn có nhiều phương pháp để tích lũy trí tuệ, bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ, vận dung nhiều biện pháp giúp trẻ học tập hiệu quả.
Vì quá tin tưởng chân sút đá cặp với mình trong lĩnh vực công nghệ, Ben-Gurion đã tự tài trợ cho dự án bằng tiền ngoài ngân sách. Peres đã chọn cách bỏ qua những nhà khoa học đã thành danh, chuyển hướng sang các sinh viên ở Technion, một số trong đó từng được ông gửi sang Pháp học.
Kết quả là lò phản ứng hạt nhân ở gần Dimona được vận hành từ đầu những năm 1960 mà không xảy ra tai nạn nào. Sự thành công ấy đã thúc đẩy Israel từ một đất nước chưa có tiền lệ về năng lượng hạt nhân trở thành một quốc gia đi đầu về lĩnh vực này. Cụ thể, gần 40 năm sau khi lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, năm 2005 Israel là nước đứng thứ 10 thế giới về số lượng bằng sáng chế trong lĩnh vực hạt nhân.
Những đóng góp của Peres trong lĩnh vực công nghệ nhiều không dễ gì kể hết. Thời điểm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã đổ tiền vào R&D trong quốc phòng trước sự bất mãn của giới lãnh đạo quân sự, vốn quan tâm nhiều hơn đến sự thiếu thốn muôn thuở về vũ khí, huấn luyện và quân số.
Ngày nay, Israel dẫn đầu thế giới về phần trăm GDP dành cho nghiên cứu và phát triển, tạo ra lợi thế to lớn về công nghệ cho an ninh quốc gia và khu vực công nghệ dân sự vốn là đầu tàu của nền kinh tế. Tuy vậy, chìa khóa chính là cách xây dựng đất nước theo tinh thần kinh doanh của Peres, Ben-Gurion được khuôn đúc vào trong tinh thần quốc gia.
Quả thực, điều làm nên sức mạnh của đội quân Israel ô hợp ngày hôm nay chính là việc nó là mashup lòng yêu nước của những người lập quốc, là động lực và ý thức không ngừng về sự khan hiếm và nghịch cảnh, là trí tò mò và sự không ngơi nghỉ đã bắt rễ vào người Israel và lịch sử người Do Thái.
"Đóng góp lớn lao nhất của người Do Thái trong lịch sử là sự không hài lòng. Điều đó không may cho chính trị nhưng tốt cho khoa học. Họ muốn thay đổi mọi lúc," Peres nói về người Do Thái lẫn hoàn cảnh của Israel. Mọi công nghệ đến Israel đều từ Mỹ, nó đi vào quân đội, và chỉ trong 5 phút, họ cải tiến nó. Nhưng điều tương tự cũng diễn ra bên ngoài quân đội Israel - một nhu cầu tham lam vô độ để chắp vá, phát minh và thách thức.
Đề tài này có thể truy ngược từ quan điểm sáng lập của Israel. Những người lập nên nhà nước hiện đại này - hay những doanh nhân quốc gia - đã xây dựng một "quốc gia khởi nghiệp" đầu tiên trong lịch sử. Đó là những cá nhân như Peres, Ben-Gurion - họ cũng chính là những con người không thỏa mãn, dám thách thức thất bại và đi đến cùng để hiện thực giấc mơ của đời mình.
Đó cũng chính là 2 nhà lãnh đạo, 2 tấm gương tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa Bitzu'ist. Đối với họ, việc lập một công ty khởi nghiệp hay tham gia vào giới công nghệ cao là điều "bình thường" mà mọi người trẻ tham vọng Israel đều có thể làm. Những gì là ngoại lệ ở hầu hết nước khác lại là con đường chuẩn mực để gây dựng sự nghiệp ở Israel, mặc dù thực tế ai cũng biết rằng, ngay cả ở Israel, cơ hội thành công của các công ty mới khởi nghiệp là không cao. Thành công là tốt nhất, nhưng thất bại cũng không phải là sự nhục nhã; nó là một kinh nghiệm quan trọng trong sơ yếu lý lịch của bạn.
Với những người quan sát từ bên ngoài, điều này đặt ra một câu hỏi: Nếu như "nước sốt bí mật" của người Israel là vũ khí của riêng họ, thì những quốc gia khác có thể học được điều gì? Câu trả lời này sẽ đượcchúng tôi giải đáp trong các bài viết tiếp theo.
* Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" của các tác giả Dan Senor & Saul Singer, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
* Đón đọc bài tiếp theo: Báu vật thứ năm và thứ sáu của người Do Thái là gì?
T.N