Hãy tưởng tượng rằng bạn được chia cặp với một người lạ trong trò chơi sau: Bạn nhận một chiếc phong bì rỗng màu đỏ, người kia nhận chiếc phong bì rỗng màu xanh; người hướng dẫn đề nghị hai bạn bí mật bỏ tờ 100 đô-la vào phong bì hoặc không bỏ gì cả, sau đó anh ta sẽ nhân đôi số tiền trong hai chiếc phong bì, và trả chúng lại cho mỗi người sau khi đã hoán đổi để bạn nhận phong bì màu xanh và người cùng chơi nhận phong bì màu đỏ.
Bạn sẽ bỏ tờ 100 đô-la vào phong bì màu đỏ chứ? Đó là một câu hỏi đơn giản cho một câu trả lời phức tạp - một trong những câu hỏi có sức mạnh nhất trong việc nghiên cứu về hành vi con người. Câu hỏi rõ ràng minh họa cho vấn đề niềm tin. Câu trả lời của bạn sẽ thể hiện tầm quan trọng của người mà bạn xem là cộng sự.
Tình huống trên sẽ cho bốn kết quả sau:
Tin tưởng nhau: Nếu cả hai cùng mạo hiểm, thì đều được nhân đôi số tiền ban đầu. Bạn kiếm được 100 đô-la, và đồng đội của bạn cũng thế. Đây là cách duy nhất cả hai cùng thu về lợi nhuận.
Cộng sự phản bội bạn: Nếu chỉ có bạn bỏ tiền vào phong bì, còn người kia thì không, bạn sẽ mất 100 đô-la và người ấy có được 200 đô-la. Niềm tin của bạn bị lợi dụng, và bạn nhận lấy phần thua thiệt.
Bạn phản bội cộng sự: Nếu chỉ có người kia bỏ tiền vào phong bì, còn bạn thì không, thì bạn sẽ có được 200 đô-la. Đây là chiến lược ngắn hạn có lợi nhất, và vì thế, nó thật sự có sức cám dỗ, bạn sẽ có được tiền bằng việc lợi dụng lòng tin của người cộng sự.
Phản bội lẫn nhau: Nếu không ai chịu mạo hiểm, thì chẳng ai mất gì. Nhưng cũng chính vì tính cạnh tranh đó, cả hai sẽ mất cơ hội nhân đôi số tiền của mình.
Trong thực tế, sự hợp tác chỉ xuất hiện khi cả hai tin tưởng lẫn nhau và chứng minh bản thân là người đáng tin cậy. Đây là một việc làm mạo hiểm, bởi niềm tin có thể dẫn đến trường hợp người còn lại “lật kèo” khi thỏa thuận đi đến giai đoạn cuối.
Hơn 350 năm trước, triết gia Thomas Hobbes đã kết luận rằng trong mối giao tiếp với người khác, tính ích kỷ trong bạn sẽ trỗi lên mạnh mẽ đến mức khó cưỡng. Gặp những trường hợp như vừa nói ở trên, ông hẳn sẽ khuyên bạn không bỏ gì vào trong phong bì vì người kia gần như chắc chắn sẽ làm như thế.
Những động cơ thúc đẩy trong cuộc sống, theo lẽ tự nhiên, sẽ kéo con người theo hướng đối đầu trong “cuộc chiến của con người chống lại con người”. Khi mỗi người đều theo đuổi những mục tiêu cá nhân thì sự tồn tại của con người, theo ông, tất sẽ trở nên “cô độc, đáng khinh, thô tục, tàn bạo và ngắn ngủi”.
John Nash, nhà toán học người Mỹ đoạt giải Nobel được khắc họa chân dung trong bộ phim A Beautiful Mind (Trí tuệ siêu việt), đã ứng dụng mẫu hành vi này vào trò chơi lòng tin, trong đó mỗi người chơi đều làm điều tốt nhất cho bản thân. Thuyết “Cân bằng Nash” của ông cũng đề cập đến cuộc thử nghiệm phong bì dành cho cả hai người giữ lại tiền của họ mọi lúc.
Hobbes và Nash đều đúng trong trường hợp niềm tin được đáp trả bằng sự bất tín. Mỗi cộng sự trải qua vụ việc ấy đều tuyệt giao với mối quan hệ.
Giữa những lời chỉ trích, nhà khoa học chính trị - giáo sư Robert Axelrod người Mỹ đã tổ chức một cuộc thi gây chú ý. Vào năm 1979, Axelrod sử dụng máy tính để tìm chiến thuật tối ưu khi muốn mở rộng và chấm dứt sự tín nhiệm của người khác.
Mười bốn người tham gia vòng thi đấu đều là những chuyên gia đến từ các ngành tâm lý, kinh tế học, khoa học chính trị, toán học và xã hội học. Họ nêu ra một nhóm chiến thuật khác nhau. Rốt cuộc, người chiến thắng cuộc thi hóa ra là người đưa ra chiến thuật đơn giản nhất suốt các vòng đấu.
Đó là chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng” do nhà tâm lý học Anatol Rapoport nghĩ ra. Theo đó, lần đầu sẽ hợp tác, còn những lần sau chỉ làm theo đối thủ trong vòng trước, nghĩa là bắt chước chiến thuật của bạn chơi, bất kể họ phản bội hay hợp tác. “Ăn miếng, trả miếng” là một giải pháp khéo léo đối với vấn đề niềm tin.
Chiến thuật này làm mọi thứ đi đúng hướng nhờ thể hiện sự tin tưởng ngay từ bước đầu. Theo cách thức đó, điều mà Hobbes hay Nash dự đoán không còn đúng nữa. Khi hai chiến thuật tín nhiệm kết hợp cùng nhau, mối quan hệ sẽ hình thành, và sự cộng tác hầu như sẽ diễn ra suốt trò chơi, theo đó điểm số của mỗi người sẽ được nâng lên.
“Ăn miếng, trả miếng” là chiến thuật thân thiện, nhưng không dại dột. Ngay khi bị phản bội, nó sẽ trả đũa trong lượt đi kế tiếp và sẽ tiếp tục từ chối hợp tác cho tới khi đối thủ dừng thái độ thù địch. Vì có tính mô phỏng nên chiến thuật không bị lợi dụng. Sự chuyển đổi như vậy đóng vai trò then chốt, giúp những người có lòng tốt tồn tại được. Nếu không có sự trả đũa để kìm hãm thì chỉ một vài kẻ ích kỷ cũng có thể nhanh chóng tàn phá cả một tập thể nhân từ. Bất chấp lời kêu gọi lẽ công bằng, một số ít kẻ độc ác sẽ lợi dụng lòng tin của đồng nghiệp nếu không có gì ngăn họ lại.
Một đặc tính chiến thắng khác của chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng” là sự tín nhiệm sẽ quay trở lại khi người cộng sự thể hiện sự tin tưởng. Đó là lòng vị tha. Axelrod đã khám phá ra rằng “trong tất cả quy luật tử tế, người ghi điểm thấp nhất chính là người ít vị tha nhất”.
Vị giáo sư quyết định tiến hành lại cuộc thử nghiệm. Ông muốn biết nếu có nhiều người chơi hơn và chiến thuật đa dạng hơn thì có thể thay đổi kết quả hay không. Axelrod mời những người chơi lần trước tham gia lần nữa. Ông cũng cho đăng quảng cáo trên các tờ tạp chí máy tính. Số lượng phản hồi vượt hơn dự đoán. Có 62 người chơi đến từ Mỹ, Canada, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ và New Zealand. Họ là những giáo sư ngành khoa học máy tính, vật lý học, kinh tế học, tâm lý học, toán học, xã hội học, khoa học chính trị và sinh học tiến hóa.
Có hàng triệu lượt đấu trong vòng thi thứ hai này. Kết quả, người chiến thắng một lần nữa, là người sử dụng quy luật đơn giản của Rapoport. “Chiến thuật ‘Ăn miếng, trả miếng’ đã phát huy hiệu quả tối ưu trong vòng thứ hai của cuộc thi, cũng giống như ở vòng một”, - Axelrod viết. Ông kết luận: “Rõ ràng, đó là chiến thuật rất thành công”.
Nhưng Hobbes đã sai. Cả Nash cũng sai nốt. Con người không hoàn toàn ích kỷ và tính toán; họ sẽ đáp lại theo cả hai hướng, tích cực lẫn tiêu cực. Họ đáp trả điều mà họ nhận được. Sự có qua có lại là một trong những bản tính mạnh nhất của con người.
Theo nhiều cách, cuộc thi của Axelrod đã xác nhận sự thông thái của một đoạn trong sử thi Edda của Na Uy vào thế kỷ 13: “Trao nụ cười, con người sẽ nhận được nụ cười; còn trao sự dối trá, con người sẽ nhận lấy sự dối trá”. Qua đó ta thấy những cảm xúc tích cực, chân thành là chất keo gắn kết một mối quan hệ hợp tác.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành và gìn giữ nhiều mối quan hệ hợp tác bền chặt không nằm ở sự gian xảo, mà ở sự sẵn sàng mạo hiểm đặt niềm tin vào những người cộng sự tiềm năng và đáp trả sự tín nhiệm họ dành cho bạn. Cũng giống như chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng”, trong mối quan hệ, bạn cần háo hức hợp tác; sớm đưa ra những lời đề nghị một cách thân thiện; cương quyết không làm người phản bội trước; và sẵn lòng tha thứ.
Động thái ban đầu của bạn, thân thiện hoặc thù địch, sẽ tác động đến sự cân bằng trong những lần tương tác sau. Khi bạn bày tỏ sự tín nhiệm, bạn sẽ tìm thấy sự tín nhiệm. Khi bạn ích kỷ, bạn sẽ tìm thấy sự ích kỷ. Nếu bạn ganh đua, người khác đành phải ganh đua. Nếu bạn tìm cách để cuộc chơi nghiêng lợi thế về phía bạn thì những nỗ lực hợp tác của bạn quả thực sẽ trở nên “cô độc, đáng khinh, thô tục, tàn bạo và ngắn ngủi”.
Tóm lại, mức độ thành công trong việc hình thành các mối quan hệ hợp tác nằm ở sự tin tưởng, tín nhiệm của hai bên dành cho nhau.
*Theo "Người thông minh không làm việc một mình"
Theo Nhịp Sống Kinh Tế