Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 đã khép lại vào tối 20.11, ngôi vị hoa hậu được trao cho Đỗ Thị Hà, cô gái đến từ Thanh Hóa, nhưng dư âm của cuộc thi này đang tiếp tục lan tỏa theo nhiều nghĩa khác nhau.
Bên cạnh những lời khen ngợi dành cho cuộc thi thì trên các trang báo chính thống, mạng xã hội cũng bắt đầu xuất hiện nhiều ý tiêu cực dành cho cuộc thi này.
Đáng chú ý, có nhiều ý kiến cho rằng đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 như một “chương trình tạp kỹ” bởi quá nhiều tiết mục ca múa nhạc thời trang và sự xuất hiện liên tục của các nhà tài trợ trên sân khấu khiến cho tính nghệ thuật và ý nghĩa của đêm tôn vinh nhan sắc của phụ nữ trở thành đêm "tôn vinh các nhà tài trợ".
Bên cạnh đó khán giản cũng có nhiều bình luận về phần thi ứng xử, thí sinh phải gặp các câu hỏi rập khuôn, sáo rỗng khi BTC tổ chức buộc thí sinh phải chọn cái này cái kia, có hay không chứ không cho họ thể hiện khả năng tư duy và lập luận. Nghi vấn rapper Binz đọc ráp “nhép" cũng được dân mạng mang ra "mổ xẻ phân tích"...
Nổi bật trong các ý kiến trái chiều đó là việc nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) đã chính thức lên tiếng, cho rằng bộ sưu tập áo dài Tinh hoa đờn ca Việt của nhà thiết kế Vũ Lan Anh (thương hiệu Áo dài La Sen Vũ) do Hoa hậu Kỳ Duyên và 7 thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 trình diễn trong đêm chung kết là “đạo nhái” từ bộ sưu tập Đờn ca tài tử của mình.
Sau khi phát hiện, nhà thiết kế Huệ Thi cũng đã bày tỏ sự bức xúc của mình trên trang cá nhân. Ý kiến của cô đã được cộng đồng mạng chia sẻ, nhận xét bàn tán lời ra tiếng vào trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Để làm rõ “nghi vấn” nói trên phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Huệ Thi về bộ sưu tập mà chị cho rằng nhà thiết kế Vũ Lan Anh đã “đạo nhái” từ bộ áo dài Đờn ca tài tử của mình.
- Chị có thể nói rõ hơn về phát hiện mà chị cho là bộ áo dài Đờn ca tài tử của mình bị Lan Sen Vũ “đạo nhái” từ ý tưởng của chị?
- Tối 20.11 tôi theo dõi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trên sóng truyền hình, đến phần giới thiệu bộ sưu tập áo dài Tinh hoa Đờn ca Việt do Hoa hậu Kỳ Duyên cùng 7 thí sinh khác trình diễn, tôi đã giật mình nhận thấy nó có quá nhiều điểm giống với bộ áo dài Đờn ca tài tử do tôi thiết kế. Kiểm tra kỹ lại bằng cách xem lại các đoạn video vừa phát, sau đó tôi lên các báo để xem ảnh chụp thì nhận thấy điều tôi nghi vấn là chính xác.
Tôi thấy bất ngờ và quá hụt hẫng khi đứa con tinh thần của mình bị bóp méo bởi sự hời hợt chắp vá trong sáng tạo. Tôi cũng rất thất vọng khi thấy đêm chung Hoa hậu Việt Nam lại dính đến điều này, đây là sự kiện lớn đòi hỏi những người tham gia, nhất là các nhà thiết kế phải đầu tư kỹ lưỡng sáng tạo ra những ý tường mới lạ riêng biệt thay vì đi vay mượn ý tưởng của người khác.
- Căn cứ nào để chị khẳng định bộ sưu tập "Tinh hoa đờn ca Việt' của nhà thiết kế Vũ Lan Anh là “đạo nhái” từ bộ sưu tập "Đờn ca tài tử" của chị?
- Trước hết là bộ sưu tập đều mang chủ đề đờn ca tài tử. Bộ sưu tập của Vũ Lan Anh có tên là Tinh hoa đờn ca Việt trong khi đó bộ sưu tập của tôi là Đờn ca tài tử. Cả hai cái tên này đều liên quan mật thiết với nhau về dòng nhạc đặc trưng cổ truyền của vùng đất Nam bộ.
Thứ hai, áo dài của La Sen Vũ cũng sử dụng chất liệu chủ đạo mà tôi dùng cho bộ sưu tập của mình gồm vải Lãnh Mỹ A, Tân Châu An Giang và khăn rằn Nam bộ. Về kiểu dáng và bản phối có rất nhiều nét tương đồng như các vị trí đặt cây đàn, hoa sen, cách điệu vạt áo, thân khăn đứt đoạn trở đầu ở vai, dùng khăn rằn làm tay áo.
- Vậy theo chị bộ áo dài của La Sen Vũ giống bộ áo dài Đờn ca tài tử của chị bao nhiêu phần trăm?
- Tôi khẳng định là giống đến hơn 70%. Phần không giống bộ thiết kế của tôi lại chính là cái mộc mạc mang chất tài tử Nam bộ - thứ truyền cảm hứng để tôi làm nên bộ sưu tập của mình. Có lẽ họ chưa thấu cảm hết nên phối màu hồng xanh cho khăn rằn, do đó bộ sưu tập trở nên lòe loẹt thôi chứ chủ đề và tổng thể thì rất giống của tôi.
- Sau đó chị có liên hệ với nhà thiết kế La Sen Vũ và BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 để báo cho họ về việc này chưa?
- Tôi chưa liên hệ được, nhưng tôi nghĩ những tuyên bố trên trang cá nhân là đồng nghĩa với việc tôi đã báo cho nhà thiết kế La Sen Vũ và ban tổ chức. Tôi đang chờ câu trả lời từ các bên có liên quan.
- Chị có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về quá trình thiết kế ra bộ áo dài "Đờn ca tài tử"?
- Cuối năm 2019, nhà thiết kế Minh Hạnh về miền Tây tìm kiếm một nhà thiết kế để tham gia sự kiện chuỗi áo dài di sản Việt Nam. Sự kiện này dự kiến sẽ diễn ra ở Cần Thơ trong Festival Đờn ca tài tử. Tôi là nhà thiết kế duy nhất của miền Tây được chị Minh Hạnh chọn. Sau đó chị giao cho tôi đề tài “Đờn ca tài tử” để tiến hành lên ý tưởng thiết kế.
Vinh dự khi được một nhà thiết kế nổi tiếng trực tiếp giao đề tài cho chuỗi sự kiện Áo dài di sản Việt Nam nên tôi tập trung rất nhiều cho việc tìm ra ý định tưởng độc đáo này. Tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cũng như cảm xúc về đờn ca tài tử Nam bộ để bắt tay vẽ những mẫu đầu tiên. Tính cách mộc mạc, trang phục giản dị của người Nam bộ đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng để hoàn thành những mẫu vẽ đầu tiên.
Để chuyển tải được hồn cốt và nét văn hóa của trang phục Nam bộ, đó là sự giản dị, gần gũi nhưng vẫn lung linh tỏa sáng, tôi quyết định chọn những chất liệu có xuất xứ từ đây. Đó là chiếc khăn rằn từ xứ sở sen hồng Đồng Tháp, được phối khéo léo để làm nổi bật thêm nét dịu dàng, sang trọng của Lãnh Mỹ A. Sự phối hợp này nhằm cân bằng cho áo dài trở nên nhẹ nhàng, không gồng mình, không xa cách, đẹp nền nã và ngọt ngào như con người sông nước miền Tây.
Bộ thiết kế của tôi từ ý tưởng, bản vẽ cho đến mẫu khi ra đời đều được nhà thiết kế Minh Hạnh xét duyệt và chấp nhận. Tuy nhiên, do thời điểm đó gặp đại dịch COVID- 19 nên Festival Đờn ca tài tử ở Cần Thơ không diễn ra được, nên bộ trang phục của tôi không được trình diễn ở đây.
Điều may mắn là sau khi đại dịch lắng xuống, bộ áo dài Đờn ca tài tử của tôi được tham gia rất nhiều sự kiện áo dài do nhà thiết kế Minh Hạnh tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020 như Lễ hội áo dài Hội An - Danh thắng Việt Nam vào ngày 13.6 tại Hội An, Quảng Nam; Lễ hội Áo dài di sản Việt Nam tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 28.6; Kết nối du lịch ĐBSCL tại Cần Thơ vào ngày 3.7; Áo bà ba từ truyền thống đến hiện đại - Nét duyên áo dài tỉnh Hậu Giang vào ngày 17.10…
- Nếu chị vẫn khẳng định bộ sưu tập "Tinh hoa đờn ca Việt" của nhà thiết kế Vũ Lan Anh là “đạo nhái” từ bộ sưu tập "Đờn ca tài tử" của mình thì bước tiếp theo chị sẽ làm gì bảo vệ đứa con tinh thần của mình ?
- Tôi vẫn giữ quan điểm của mình và bảo lưu tác phẩm của tôi bằng các bằng chứng cụ thể có cơ sở rõ ràng. Tôi sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng áo dài Đờn ca tài tử ở nhiều hình thức khác. Sáng tạo cũng là cách để tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam góp phần bảo tồn di sản áo dài cho các thế hệ tiếp kế tiếp và mãi mãi. Giá trị của áo dài không chỉ là xuất hiện ở một sự kiện nào đó rồi biến mất, nó phải được đi vào đời sống của phụ nữ Việt Nam từ đời thường cho đến các lễ hội.
Tôi tin các nhà thiết kế chân chính và công luận sẽ lên tiếng cùng tôi để bảo vệ áo dài góp phần tạo ra một môi trường thiết kế thời trang đầy sáng tạo và trong sạch.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!