NSƯT Diệu Hiền: “Tôi vẫn mơ ước mình là một nghệ sĩ”

Nguyễn Huy10/12/2021 10:30
NSƯT Diệu Hiền: “Tôi vẫn mơ ước mình là một nghệ sĩ”

Nhà nước đang tiến hành xét duyệt phong tặng danh hiệu NSND đợt mới nhất. Một lần nữa NSƯT Diệu Hiền lỗi hẹn. Tuy nhiên, người nghệ sĩ lão thành này vẫn bình tâm và an tĩnh trong những ngày tháng cuối đời tại viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Trong giới nghệ thuật cải lương nói riêng, có rất nhiều ngôi sao lúc đương thời sống trên đỉnh cao danh vọng, nhưng tuổi xế chiều phải trải qua những tháng ngày khó khăn. NSƯT Diệu Hiền là một trong số đó. Có thế nói hơn 50 năm hành trình nghệ thuật của bà, cô đọng lại rất đúng với 4 câu thơ của thi sĩ Hoàng Ngọc Liên: “Khi bức màn buông danh vọng hết/người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/nhận cả vinh quang lẫn đoạn trường”.

Dầu được khán giả ái mộ tôn xưng là đệ nhất đào võ, nhưng khi cải lương xuống dốc, cộng với tuổi cao và sức yếu, NSƯT Diệu Hiền ít xuất hiện trên sân khấu. Năm 2015, bà bị bệnh tim nặng. Con cái không thể cưu mang nên bà được nuôi dưỡng tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM cho đến ngày nay. Tại đây, thi thoảng, tiếng hát mùi mẫn của bà vẫn vút lên trong sự tán thưởng của những mạnh thường quân và anh chị em cùng cảnh ngộ.

nsut-1-.jpg
Nghệ sĩ Diệu Hiền (thứ 2) từ bên trái qua

Được khán giả đặt nghệ danh

NSƯT Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền. Sinh năm 1945 tại Bạc Liêu. Ngày còn nhỏ, bà có sức khỏe hơn các cô gái bình thường, lại được học võ, nhưng lại rất mê hát cải lương. Mẹ bà ngăn cấm, nhưng bà đã trốn nhà đi theo đoàn hát. Đó là năm bà 14 tuổi. Trong một tuồng hát bà đóng vai ni cô Diệu Hiền. Vở tuồng kết thúc, khán giả chen vô hậu trường tìm gặp bà, nhưng vì không biết tên, nên họ gọi bà là diễn viên Diệu Hiền.

Ông bầu của gánh hát thấy điều này quá đặc biệt, khuyên bà nên lấy luôn nghệ danh Diệu Hiền. Về sau, bà về hát cho đoàn Thống Nhất của danh ca Út Trà Ôn. Bà vinh dự được đóng đào chính cùng với kép chánh là bậc tiền bối Út Trà Ôn mà bà ngưỡng mộ. Tại đây, vai Ngọc Hà trong vở Mắt em là bể oan cừu đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đó là một vai bi. Nghệ danh Diệu Hiền từ đó bay cao trên bầu trời nghệ thuật cải lương.

Tại đoàn cải lương Thống Nhất, Diệu Hiền đã yêu nghệ sĩ Út Hậu – đệ tử ruột của danh ca Út Trà Ôn. Họ đã lấy nhau và có 4 người con. Nghệ sĩ Út Hậu qua đời, bà vẫn ở vậy cho đến già. Trở lại thời xuân sắc của Diệu Hiền. Sau thành công ở đoàn Thống Nhất, bà được săn đón ở các đại bang cải lương khác như Kim Chung, Phước Chung, Hoa Sen, Hoa Lan – Xuân Liễu. Vào buổi đầu vinh quang của sự nghiệp, Diệu Hiền không chỉ hát hay, diễn giỏi mà còn nổi bật bởi biết cách lồng hò Huế một cách ngọt ngào vào cải lương. Chính những đồng nghiệp đàn em cùng thời như “nữ hoàng sầu muộn Mỹ Châu” cũng phải thọ giáo bà về lối hát độc đáo này.

Sau năm 1975, nghệ sĩ Diệu Hiền vẫn tiếp tục là một trong những ngôi sao cải lương hàng đầu. Bà đầu quân cho đoàn Sài Gòn 2 và Hương Tràm. Lúc này, bà bắt đầu nổi bật với vai đào võ bởi khí chất mạnh mẽ toát lên trong ánh mắt, lối diễn uy phong, vũ đạo đẹp mắt, và cả đánh võ có nghề. Trong giai đoạn này, chính bà đã phát hiện ra một viên ngọc quý khác của cải lương là Vũ Linh. Bà kể: “Vũ Linh là một tài năng nhưng đầy cá tính. Những ngày đầu vào nghề, cậu ấy chưa biết được thế mạnh của mình là gì. Tôi quan sát một thời gian, xác định cậu ta phải theo phong cách tuồng cổ Hồ Quảng. Tôi đã chỉ dẫn và chăm sóc Vũ Linh như ruột rà. Vũ Linh đã thành công rực rỡ. Vì vậy, trong một ý nghĩa nào đó, cậu ấy xem tôi như mẹ nuôi vậy”.

nsut-2-.jpg
Nghệ sĩ Diệu Hiền và Vũ Linh 

Rời xa ánh hào quang

Năm 1977, bà theo đoàn cải lương lưu diễn ở một xã vùng xa thuộc Cà Mau. Miền Tây Nam Bộ sông nước chằng chịt nên đoàn hát phải di chuyển bằng ghe. Một buổi tối, chiếc ghe mà Diệu Hiền đang ngụ dưới bến sông bị bốc cháy. Lý do, người phụ lái ghe sơ ý làm rớt chiếc đèn dầu vào thùng đựng xăng dầu. Ngọn lửa trùm kín không lối thoát.

Diệu Hiền định nhắm mắt xuôi tay cho định mệnh. Nhưng bà nghe tiếng gọi của đồng nghiệp. Họ nhắc đến mẹ và con của bà. Bản năng sinh tồn bật dậy, bà lấy hết sức bình sinh tung cửa và lao xuống nước. Bà bơi sát bờ thì ngất xỉu. Đồng nghiệp đưa bà lên bờ thì da bà bị lột từng mảng. Bà phải nằm điều trị tại bệnh viện xã nghèo suốt mấy ngày. Vũ Linh nghe tin dữ, bất chấp đường xá xa xôi đi từ Sài Gòn xuống để chăm sóc bà. Dẫu vậy, bà bị thương nặng ở nửa người bên phải, gân và cơ bị co rút. Lúc ấy, bà đã nghĩ đến viễn cảnh chia tay vĩnh viễn với nghiệp tổ cải lương.

Rồi bà được chữa trị theo lối đông y cổ truyền. Vị thầy thuốc kiêm võ sư, đã tranh thủ dạy thêm cho bà đường roi và đường kiếm. Nhờ luyện tập mỗi ngày mà sức khỏe Diệu Hiền bình phục. Đoàn cải lương Tháp Mười đã tìm đến bà với mong muốn bà tiếp tục nghề hát. Diệu Hiền trở lại và thành công rực rỡ trong hàng loạt vai đào võ như Nhụy Kiều trong tuồng Nhụy Kiều tướng quân, hay Bùi Thị Xuân trong tuồng Nữ tướng cờ đào.

Trên sân khấu bà toát lên thần thái mạnh mẽ ngút trời của vị nữ tướng hiên ngang, bất khuất. Bên cạnh đó, tiếng hát vừa bi vừa hùng là vũ khí mà bà đã luyện tập công phu khiến gián giả say mê. Đến giờ, bất kỳ ai nghe Diệu Hiền hát bài vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn hay Trụ Vương thiêu mình đều cảm giác sự mùi mẫn len lỏi trong từng tế bào.

Năm 1993, Diệu Hiền được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đó cũng là thời điểm cải lương xuống dốc. Sức khỏe của bà cũng sa sút, vì vậy, bà không còn đứng trên sân khấu. Thỉnh thoảng bà xuất hiện trong các chương trình cải lương truyền hình, hoặc hát trong các lễ tiệc. Về sau nữa, bệnh tim càng nặng khiến bà chỉ còn hát cho chùa với sự tổ chức của cố nghệ sĩ Út Bạch Lan. Lúc hoàng kim, NSƯT Diệu Hiền là người hào sảng, trượng nghĩa. Bà nuôi mẹ, 4 con và lo cho tất cả anh chị em. Vậy nên lúc nghỉ hát, bà không còn tài sản gì. Con bà cũng khó khăn, nên cuối cùng, bà phải nương nhờ vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Ở đây, bà có những người bạn nghệ sĩ đồng tuổi và cùng cảnh ngộ. Lâu lâu, mọi người hát với nhau để đỡ nhớ nghề. Khi mạnh thường quân ghé thăm, họ rất muốn được nghe Diệu Hiền hát lại những bài đã đi vào tiềm thức khán giả nhiều thế hệ. Bà hát bằng tất cả niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ. Bà kể lại những kỷ niệm đáng nhớ suốt những tháng ngày đi hát, từ mới chập chững vào nghề đến thời điểm huy hoàng nhất. Nhìn tuổi già của bà hiện tại, có người hỏi: “Nếu được chọn lựa lại bà sẽ thế nào” và bà trả lời rằng: “Tôi vẫn mơ ước mình là một nghệ sĩ”.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025