Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách, nguyên Trưởng ban biên tập báo Văn Nghệ, vừa qua đời tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ở tuổi 72. Sự ra đi của ông khiến cho nhiều ngươi bùi ngùi thương tiếc.
Suốt cả sự nghiệp hoạt động văn học nghệ thuật của mình, ông đã để lại hàng trăm tác phẩm có giá trị. Tháng 12.2017 ông phải dừng sáng tác một thời gian ngắn do tại biến mạch máu não. Thế nhưng sau khi phục hồi, ông lại tiếp tục hoạt động văn học nghệ thuật. Tháng 8.2018, những người bạn và gia đình đã tổ chức cho ông đêm nhạc với đề Khúc hát sông quê nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 71 tại quê nhà Nghệ An.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chụp tháng 7.2018 - Ảnh: HBN
Những ngày tháng cuối đời, bệnh nan y hành hạ nhưng ông vẫn miệt mài viết, sáng tác âm nhạc cho đến khi không còn viết được nữa…Sau khi ông qua đời, nhiều người đã không khỏi ngậm ngùi khi vào trang Facebook cá nhân của ông để đọc lại dòng trạng thái cuối cùng ông viết về cuộc hội ngộ của mình với nhạc sĩ sĩ Văn Cao - một tài danh của âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thời trẻ và nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: TL của NS Nguyễn Trọng Tạo
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25.8.1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê (nay là Diễn Họa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1969, ông tham gia quân đội, thuộc Đoàn 22, Quân khu 4, rồi làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa Đoàn 22B, Trưởng đoàn Văn công xung kích Sư đoàn 341B.
Tên tuổi của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo gắn liền với những tập thơ, trường ca Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc), và những bài hát mang đậm chất quan họ như Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang ...
Nói về thành tựu âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo không thể không nhắc đến ca khúc Làng quan họ quê tôi (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) là một ca khúc mộc mạc, chân chất mang đậm hồn dân tộc vừa chan chứa tự tình như chính con người của nhạc sĩ. Điều đặc biệt đó không phải là quê nhà của Nguyễn Trọng Tạo nhưng ông luôn nói rằng đó "Làng quan họ của tôi", dù trước khi sáng tác ông cũng chưa từng đến vùng quê này.
Hơn 40 năm trôi, bài hát Làng Quan Họ quê tôi đã đi vào trái tim của hàng triệu nigười yêu nhạc Việt Nam. Về âm nhạc tính, Làng quan họ quê tôi đậm chất trữ tình kết hợp với phần lời đầy chất thơ tương tự các bài dân ca quan họ truyền thống. Cấu trúc của bài hát cũng rất gần gũi với lối diễn xướng dân gian ở bài dân ca quan họ "Nhất quế nhị lan". Đó là sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian, âm nhạc hiện đại một cách tài tình của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát trở nên gần gũi với người nghe theo phong cách mới nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ điển vốn có của dân ca quan họ.
"Thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt... Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi, và, lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt..." - Hoàng Ngọc Hiến
"Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội. Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làm bao xanh. Ngang lưng làng quan họ xanh xanh. Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ. Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao , người ơi .Nón quai thao nói gì người ơi.”
Nghe ca từ và giai điệu như thế, nhiều người cứ nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là người Bắc Ninh, thế nhưng kỳ thực Nguyễn Trọng Tạo sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Bùng thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tuổi thơ của ông đội nắng dong trâu trên những cánh đồng ven đê ngạt ngào hương lúa hương ngô. Tuổi thơ đã tắm mình trong những điệu dân ca ví dặm. Và khi trưởng thành trong chiến tranh khói lửa, Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành người con của mọi làng yêu dấu.
Sinh thời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: "Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến xứ quan họ lần nào mà lại nhận vơ "Làng quan họ quê tôi”? Vâng, đúng vậy, tôi đã coi Làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân lên đất Bắc Ninh. Sự thực là nếu không quen nhà thơ Nguyễn Phan Hách, thì tôi chẳng bao giờ sáng tác ra bài hát Làng quan họ quê tôi”.
Làng Quan họ quê tôi được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc vào năm 1978 sau cuộc gặp gỡ với nhà thơ Nguyễn Phan Hách tại Hà Nội, nhà thơ đưa cho ông bài thơ và nhờ ông phổ nhạc.
Một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Trọng Tạo tình cờ đi ngang qua cái giếng xây bằng gạch ở làng Khương Hạ (Hà Nội). Lúc đó từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ. Những giai điệu của bài hát bắt đầu hình thành. Bản nháp đầu tiên và tiếp đó bài hát hoàn chỉnh ra đời tại đây. Đó la buổi chiều đầu tháng 9.1978.
Người đầu tiên hát “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là ca sĩ Kim Phúc trong một buổi giao lưu giữa các nhà thơ quân đội và trường Âm nhạc Việt Nam. Bài hát đã được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bất ngờ.
Đến tháng 6.1979, bài hát mới được thu thanh lần đầu. Ca sĩ Tuyết Thanh được chọn để lĩnh xướng cùng tốp nữ. Tuy nhiên sau đó vì nhiều lý do nên phần thu thanh này không được thực hiện. Sau đó phần thu thanh được ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ) và được phát sóng trên đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 6.1979.
Bản thảo viết tại làng Khương Hạ (Hà Nội) tháng 9.1978 - Ảnh: Tư liêu
Sau khi lên sóng, Làng quan họ quê tôi của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc Việt Nam.
Bài hát cũng được dàn nhạc giao hưởng Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trinh karaoke của Nhật. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Gần đây nhất là Anh Thơ, Trọng Tấn, Trung Anh… Nhiều biên đạo múa cũng lấy nhạc Làng quan họ quê tôi dàn dựng múa.
Nghe bài hát Làng quan họ quê tôi:
Hơn 40 năm đã trôi qua, ca khúc Làng quan họ quê tôi đã được khán thính giả nhiều thế hệ đón nhận, và là một ca khúc tiêu biểu trong đời sáng tác của nhà thơ-nhạc sĩ tài hoa xứ Nghệ- Nguyễn Trọng Tạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa, nhưng tác phẩm của ông vẫn còn ở lại, những vần thơ ông viết trong khói lửa chiến trường hay trong thời bình vẫn canh cánh trên trang giấy, “Khúc hát sông quê”,“Làng quan họ” của ông vang vọng mãi lời ca:“Tiễn đưa anh đi em hát bài quan họ/ Xin gửi cả ánh trăng quê mình trong lời hát tiễn anh lên đường”.
Tiểu Vũ