Hà Nội và Sài Gòn vốn là hai thành phố lớn nhất của Việt Nam, mỗi nơi mỗi vẻ, ra đời vào thời gian khác nhau, gánh chịu những định mệnh khác nhau. Nhà báo Jean Lacouture từng gọi Hà Nội là thành phố “anh hùng và chung tình”, còn Sài Gòn là cô gái “kiều diễm và quyến rũ”. Vậy dù chưa quen hay đã biết, qua tuyển tập Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn bạn đọc sẽ cùng khám phá những nét đặc sắc của cả hai. Mỗi thành phố, mỗi vùng miền có một màu sắc riêng phản ánh sở thích, thói quen và tập tục của dân cư nơi ấy.
Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn là tập tản văn gồm hai phần chính, viết về những nỗi nhớ Hà Nội, niềm thương Sài Gòn. Đó là một Hà Nội nghìn năm văn hiến, luôn cố gắng gìn giữ những điều son sắt, nhưng vẫn không từ chối thu nạp cách sống mới, thời đại mới; và một Sài Gòn hiện đại, cởi mở, dẫu có qua bao nốt lặng vẫn luôn lấy thương đổi thương.
Tuyển tập quy tụ gần 50 cây bút, từ những tác giả kỳ cựu có tiếng như Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Hoàng Ánh, Phạm Công Luận, Phúc Tiến, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoài Hương, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo, Lưu Đình Long,… đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Vũ Thị Huyền Trang, Hoài Sa, Trang Ps, Gari Nguyễn, Lê Ngọc, Liêu Hà Trinh, Khúc Cẩm Huyên, Nguyễn Anh Vũ… và Lê Nguyễn Minh Khuê, chỉ 14 tuổi.
Viết về Hà Nội không thời thượng hoặc cổ lỗ mà là một chủ đề lớn và hấp dẫn, sự khác biệt là Hà Nội có những đặc điểm riêng không một địa phương nào có được. Hà Nội sở hữu một nền văn hóa lâu đời, là Thủ đô bền vững ngàn năm lịch sử cùng với rất nhiều biến cố, thăng trầm. Hà Nội cũng là nơi tập trung đông người, một đô thị lớn có rất nhiều danh nhân, văn nghệ sĩ sinh sống. Một quần thể đa dạng, phức tạp, tập trung nhiều nguồn lực và tinh hoa là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo về chính mảnh đất mình đang sống hoặc hướng về.
Về Sài Gòn, có nhiều điều cuốn hút mà phải từ góc nhìn của người ngoài mới nhận ra được. Trong đó, có những điều dửng dưng lâu nay, thật bình thường. Như là: món cà phê vớ (hay còn gọi là cà phê vợt); quán nước bán bánh mì xíu mại, há cảo, mì sủi cảo đầy tiếng hô ồn ào; thói quen nhắc nhau xếp chống chân khi đi xe máy; cho người lạ mua thiếu; chỉ đường tận tình; vá xe miễn phí cho người khuyết tật; tặng thuốc chữa bệnh thông thường cho người nghèo... và nhiều điều khác.
Những ngày giáp Tết, không khí hối hả với nhiều cuộc trở về sum vầy dọc chiều bắc nam. Trên hành trình đoàn viên ấy nỗi nhớ niềm thương như một sự thôi thúc để bất cứ đứa con xa quê bôn ba vì cuộc mưu sinh, dù vạn trùng xa thẳm cũng dao dác tìm về. Ở hai chiều của cuộc thiên di đó, Hà Nội – Sài Gòn luôn là hai điểm cầu khiến người ta kẻ mong người nhớ, kẻ đợi người thương.