Trong tự truyện Nhắm mắt nhìn sao, chàng nhạc sĩ tài hoa Hà Chương không ngại ngần khắc họa tình yêu của những người khiếm thị vừa trần trụi thực tế, vừa cũng đầy dư vị ngọt ngào, lãng mạn. Được sự đồng ý của First News - đơn vị nắm bản quyền sách - Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Chuyện rằng có anh học trò nghèo lấy vợ là một con cóc xấu xí. Hôn lễ của anh làm đề tài cho xóm làng đàm tiếu và ái ngại. Thế rồi trải qua các thử thách, cô vợ cóc hóa thành giai nhân tuyệt sắc. Tôi nhớ mãi câu chuyện cổ tích này từ khi còn nhỏ xíu.
Tôi thích cô cóc với khả năng thay đổi số phận. Nhưng nhân vật tôi thích nhất chính là anh chồng đầy bao dung, yêu thương vợ hết mực, dẫu hình hài nàng trong kiếp cóc xù xì. Tôi thường nghĩ, các bậc cha mẹ có đứa con khuyết tật, họ rất vĩ đại. Và, những người vợ, người chồng dám yêu rồi cưới người khuyết tật, họ cũng vĩ đại không kém.
Sách Nhắm mắt nhìn sao - Tự truyện của Hà Chương. |
Người khiếm thị yêu đơn giản nhưng rất nồng nàn. Đầu tiên, họ cảm nhận nhau qua giọng nói. Người xinh có giọng nhẹ nhàng, trầm ấm. Sau nữa là quan tâm, chăm sóc cho nhau từ việc nhỏ như giặt giùm cái áo, hay việc lớn hơn là mua thuốc và túc trực bên giường bệnh mỗi khi người còn lại ốm đau.
Nhìn chung, người nữ khuyết tật bao giờ cũng thiệt thòi hơn người nam đồng cảnh ngộ. Họ rất khó lấy chồng. Với người nữ khiếm thị, tìm được nửa kia của đời mình còn gian truân gấp bội.
Áp lực gia đình là rào cản rất lớn cho chuyện tình yêu. Ở nhà nào cũng vậy, người ta đều đòi con dâu phải biết nấu ăn, lo đám giỗ, đám tiệc và chăm sóc con cái chu đáo. Bạn nữ khiếm thị không thể đáp ứng những việc này một cách tốt nhất.
Khó khăn trong việc kiếm người yêu nên khi tìm được một nửa đời mình, các bạn nữ khiếm thị đều yêu hết mình, rất say đắm, yêu đến bất chấp mọi thứ. Những mối tình nồng nàn đó thường dẫn đến một kết quả, đó là cô gái khiếm thị mang bầu!
Trường Nguyễn Đình Chiểu chia rõ rệt hai ký túc xá, một cho nam và một cho nữ, được ngăn cách bằng bức tường có cổng khóa. Buổi tối, có anh chị yêu nhau sờ soạng trong đêm, leo tường gặp nhau bằng được.
Cũng có không ít bạn nữ khiếm thị vì khát khao tình yêu như người thường mà không được, họ nhờ một người đàn ông rồi xin một đứa con để có người đỡ đần về sau.
Nhạc sĩ Hà Chương. |
Tuy vậy, vượt qua hết mọi rào cản khắt khe ở trường, có không ít đôi bạn thành duyên, sống hạnh phúc như trong cổ tích. Trường hợp của Thủy và Lợi là một ví dụ điển hình. Thủy hát hay, Lợi lanh lẹ trong kinh doanh. Ra trường, hai bạn cưới nhau và hiện có hai đứa con trai. Vợ chồng Thủy và Lợi kinh doanh cơ sở massage, cho thuê dàn nhạc, tổ chức sân khấu ở Đà Nẵng… Mỗi tháng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trai khiếm thị dễ lấy được vợ hơn và thường là lấy được vợ sáng mắt rồi có cuộc sống hạnh phúc như thầy Văn Vượng, như tôi và nhiều người khác.
Tuy vậy cũng có nhiều hoàn cảnh éo le, cười ra nước mắt. Ở trường có anh Long khiếm thị, yêu chị Tâm sáng mắt bên ngoài. Yêu nhau mấy năm, anh chị quyết định cưới nhau. Để né sự cấm cản của gia đình, anh trai của anh Long đóng giả vị hôn phu đi hỏi vợ.
Ngày cưới được ấn định, anh Long cùng nhà trai qua rước dâu. Ba mẹ cô dâu thấy chú rể khác, mò đường trong lối đi nên đã cho người xách cây ra đuổi đánh, báo hại nhà trai chạy tán loạn phố phường.
Sau lần đó, chị Tâm bỏ nhà theo anh Long. Hai người sống hạnh phúc với cửa hiệu buôn đồ mỹ nghệ ở Non Nước. Gia đình chị Tâm sau này nghĩ lại, chấp nhận anh Long là rể.
Nhạc sĩ Hà Chương (Tên thật: Hà Văn Chương, sinh năm 1982, tại Quảng Ngãi)
Thành tựu đạt được:
- Năm 1995-2003: 9 huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu tài năng trẻ Đà Nẵng, toàn Quốc và bằng khen Thủ Tướng.
- Năm 2004: Thi đỗ Thủ khoa vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chuyên ngành Đàn Bầu.
- Năm 2006: Thi vượt rào thành công lên hệ Đại học.
- Năm 2008: Kết nạp Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng.
- Năm 2010: Tốt nghiệp Thủ khoa chuyên ngành đàn bầu học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và ghi danh vào sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Phát hành hơn 10 album, MV tại Việt Nam, 2 album tại Mỹ. Thực hiện nhiều liveshow, chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, ...
- Khả năng trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ: Đàn bầu, guitar, đàn sến, trống...