Tiểu thuyết đoạt giải mang tên Tokyo-to Dojo-to, lấy bối cảnh Tokyo tương lai. Nội dung truyện xoay quanh một tòa tháp nhà tù và sự không khoan dung của kiến trúc sư đối với tội phạm, chủ đề lặp đi lặp lại trong tác phẩm là trí tuệ nhân tạo (AI).
Ban giám khảo khen ngợi Tokyo-to Dojo-to “gần như hoàn hảo” và rất thú vị. Nhà văn Kudan công khai thừa nhận AI có ảnh hưởng lớn đến quá trình sáng tác. Cô phát biểu sau lễ trao giải: “Tôi đã tích cực sử dụng AI tạo sinh như ChatGPT để viết tác phẩm này. Khoảng 5% nội dung tiểu thuyết trích dẫn nguyên văn các câu do AI tạo ra”.
Ngoài quá trình sáng tác, Kudan còn thường xuyên tâm sự cùng AI. Đôi lúc phản hồi từ ChatGPT truyền cảm hứng cho nhiều đoạn đối thoại trong tác phẩm cô viết ra. Nữ nhà văn mong muốn giữ quan hệ tốt với AI và giải phóng sức sáng tạo khi cùng tồn tại với công nghệ mới.
Hiệp hội Xúc tiến văn học Nhật - đơn vị tổ chức giải văn học Akutagawa - từ chối bình luận về thông tin tác phẩm đoạt giải có một phần nội dung được viết bởi ChatGPT. Cách sáng tác phi truyền thống của nhà văn Kudan cũng nhận phải ý kiến trái chiều, một số người chỉ trích làm vậy không phù hợp sáng tác nên không xứng đáng với giải thưởng danh giá, nhưng nhiều người khác phản bác rằng cô chỉ lấy cảm hứng từ AI và sử dụng ChatGPT chỉ nhằm giải phóng sức sáng tạo chứ không phải lười biếng.
Thời gian gần đây đã bắt đầu có sách có một phần nội dung do AI viết ra, tuy nhiên đa số bị đánh giá chất lượng kém.
Công nghệ mới cũng làm nảy sinh vấn đề pháp lý. Năm ngoái Hiệp hội Nhà văn Mỹ cùng 17 nhà văn nổi tiếng đệ đơn kiện ChatGPT vi phạm bản quyền.