Cảm nghiệm về một nỗi đau rất nhanh, ai cũng có nên sợ đau sợ khổ. Nhưng sợ chỉ để… sợ. Phần lớn sợ là để trốn tránh chứ không biết sợ để tìm cách dứt lìa nỗi khổ ấy.
Cuốn sách luận về nhân quả và luân hồi, nếu ai tin vào điều đó, thì sẽ ý thức về sự đau khổ mà mình phải nếm trải, ý thức về những việc mình làm, lời của mình nói để biết rằng, tất cả những điều đó về sau là chính mình gánh lấy, không có ai thay thế được bản thân mình để nhận lấy kết quả, không có ai trừng phạt mình ngoài mình cũng không có ai ban thưởng cho mình ngoài mình.
Cuốn sách giải đáp câu hỏi: Ta là ai? Có thượng đế hay không? Tại sao ta lại gặp toàn chuyện không may, xui xẻo trong cuộc sống? Tại sao ta lại may mắn có hình tướng đẹp và toàn người giúp đỡ, thương yêu?
Cuốn sách lý giải bề sâu của Phật giáo thông qua những cơ duyên “như đã được sắp đặt trước” của chính nhân duyên doanh nhân triệu phú Thomas- người kể chuyện tiền kiếp của mình và vị khách Kris, mang hình ảnh của những “cây cầu” kết nối quá khứ và hiện tại – đã đem lại những thông tin thú vị cho mọi nghi ngờ về nhân quả và luân hồi.
Tác giả Nguyên Phong không xa lạ với người Việt bởi những cuốn sách vừa khoa học vừa tâm linh hài hòa các triết thuyết phương Đông và phương Tây của ông: Hành trình về Phương Đông, Trở về từ cõi sáng, Đường mây qua cõi tuyết…
Muôn kiếp nhân sinh, tác giả Nguyên Phong, NXB Tổng hợp TP.HCM và Công ty sách First News ấn hành tháng 5/2020.
“Một là tất cả và tất cả cũng là một”
Mở đầu cuốn sách, ông viết về những cơ duyên của chính mình để gặp ông Thomas. Cơ duyên ấy đến từ những nhà khoa học ngồi lại với nhau cùng với hòa thượng Thích Thánh Nghiêm (1930-2009) để nghe và luận về một “chứng ngộ” của phi hành gia Edgar Mitchell- một trong những phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng trên phi thuyền Apollo 14. Ông kể lại trải nghiệm của mình khi trở về trái đất: “Là một nhà khoa học, tôi biết rằng tất cả những tế bào, những nguyên tử trong cơ thể tôi, hay cơ thể của những người bạn tôi trong phi thuyền và ngay cả những nguyên tử cấu tạo nên phi thuyền, đều phát xuất từ hành tinh của chúng ta hay chính là khởi nguồn trong vũ trụ. Mọi hiện tượng đều xuất phát từ vũ trụ này. Từ đó, tôi ý thức rằng thân thể của tôi và tất cả mọi vật trong vũ trụ không có gì sai biệt. Thay vì là một cá thể độc lập, một thành phần riêng rẽ, tôi ý thức rằng tất cả cùng chung một nguồn gốc.
Ngay lúc đó toàn thân tôi rung động mãnh liệt, một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả… […] Trong trải nghiệm bình yên đặc biệt đó, tôi tự hỏi: Tôi thực sự là ai? Tôi từ đâu tới đây? Rồi tôi sẽ đi về đâu? Vũ trụ được hình thành và có mối liên hệ như thế nào với trái đất cùng những ocn người sống ở đó?… Từ ý niệm này, tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc phải tìm cách thay đổi các quan niệm định kiến chật hẹp đã giam cầm bao nhiêu thế hệ từ trước đến nay bằng một quan niệm mới về sự tương quan giữa con người và vũ trụ. Có lẽ các định luật khoa học, các kiến thức được xây dựng từ ngàn xưa sẽ phải thay đổi khi chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã làm trên trái đất này, sau khi chứng kiến sự nhỏ bé của chúng ta so với vũ trụ bao la”.
Từ sự chứng nghiệm “đắc quả” bình an của một nhà khoa học đã được sư Thánh Nghiêm giải thích bằng triết lý Phật giáo, xin trích đoạn và mong đọc giả hãy tìm đọc toàn bộ cuộc trao đổi này để hiểu được những lý giải về triết lý sâu xa của Phật Giáo nhưng trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu vô cùng.
“Như ông cũng biết, năng lượng là khối lượng và khối lượng cũng là năng lượng, hay tinh thần là vật chất và vật chất cũng là tinh thần. Đó chính là lời đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước. “Tâm là vật và vật cũng là tâm- vạn vật vận động nhất thể, đó chính là nguyên lý “sự tự vô ngại pháp giới”. Muốn tiếp thông với cảnh giới Hoa Nghiêm này, ông phải đi vào bằng cánh cửa tâm linh chứ những cảm giác phân biệt hay luận ký dựa trên sự suy ngẫm của “thức” thì không thể được. Chỉ có cánh cửa tâm linh mới có thể tổng hợp được thời gian và không gian, đưa ông vào cuộc sống “hằng mà chuyển” thôi”… […]
Chủ trương của kinh Hoa Nghiêm là “pháp giới duyên khởi”, nghĩa là mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, tất cả đều nương vào nhau, nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung thông, có khi đối chọi, ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh ra, không một cái gì có thể tự tồn, tự lập riêng rẽ. Cái này có là nhớ cái kia, cái kia có là nhờ cái này. Lớp lớp trùng trùng không cùng tận nên gọi là “trùng trùng duyên khởi”.
Vì thế, “một là tất cả, tất cả cũng là một”, mọi sự, mọi vật đều có liên quan mật thiết với nhau, đều tuân theo định luật vũ trụ như vô thường, vô ngã. Điểm đặc biệt của kinh Hoa Nghiêm là nói về cái thể “động” của vụ trụ mà đặc tính của nó là biến hóa, thay đổi không ngừng”.
Vì sao chỉ có yêu thương mới mang lại hạnh phúc?
Tiếp theo những luận giải về sự bình an, hợp nhất của con người với vạn vật qua kinh Hoa Nghiêm được tác giả Nguyên Phong tường thuật lại một cách mạch lạc, minh triết, tác giả bắt đầu thuật lại câu chuyện của nhà triệu phú Thomas với những trải nghiệm các tiền kiếp của mình. Để đọc giả có thể tự cảm nghiệm khi đọc sách, tôi chỉ xin giới thiệu một vài đoạn mang tính cốt lõi của câu chuyện.
Thomas kể hành trình khi đi vào kiếp của một Pharaoh không biết sợ hãi là gì, chỉ chinh phạt và chinh phục, vơ vét tài sản và xây các đền đài nguy nga… cho đến một ngày ông lang thang vào sa mạc và nhận ra sự trống rỗng vô vàn của mình. Ông đã đứng trên bục cao nhất của danh vọng và quyền lực đời người nhưng đến một ý niệm về hạnh phúc cũng không có. Ký ức về tình yêu thương của ông là vào lúc lên 4 tuổi, ông còn nhớ vòng tay ấm áp của bà trước khi lìa xa mãi mãi vì bạo lực và lòng tham đã cướp đi người mẹ của ông. Từ đó ông cũng đã bạo lực hơn, tham lam hơn để trả thù sự đứt lìa yêu thương đó. “Lấy oán báo oán- Oán oán chất chồng”, một câu tóm lược cũng của giáo lý Phật Giáo để lại.
Sống trong sự oán giận, vị Pharaoh này không bao giờ còn biết đến tình thương nữa cho đến khi ông gặp người phụ nữ Cihone hiền hậu từ thần thái đến dáng vẻ thanh tao trong sáng hiếm có giữa thế giới của những kẻ chỉ biết chiếm đoạt và cưỡng bức – Cihone nổi tiếng là một người phụ nữ chữa lành bệnh cho trẻ nhỏ bằng tình thương. Và chính sự thuần khiết này đã khiến cho Pharaoh chợt hồi cố lại hình ảnh yêu thương ông nhận được duy nhất từ người mẹ quá cố.
Giữa sa mạc mênh mông đó, ông gào lên: “Thái Dương thần, người ở đâu?”- “Ta chính là tình thương”, đó là tiếng nói vô thanh trong ông vang lên, là gương mặt của người mẹ năm xưa, là gương mặt của Cihone hiền hậu và là bao nỗi đau khổ oán hận đang rã nát trong ông tan thành mây khói bay đi.
Rồi ông nghe được đoạn đối thoại của Cihone với hoàng hậu của mình về tình thương:
– Cha mẹ người đã dạy ngươi những gì?
Cihone thưa:
– Cha mẹ tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: lòng tham và tình thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết. Mẹ nuôi tôi cũng dạy rằng cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì để bù lại những hy sinh của họ. Bổn phận của họ là thương yêu con cái, có thế thôi. Từ đó, tôi biết trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế.
Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đến đáp điều gì. Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lường gạt cả tram lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không muốn thuộc về mình- và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì hạnh phúc thực sự.
Câu chuyện của Thomas vô cùng lý thú và bất ngờ đầy những trải nghiệm các kiếp luân hồi khiến ta phải suy ngẫm về cuộc đời, điều mà tôi học được qua câu chuyện của ông chỉ là hai chữ Tình Thương.
Đúng vậy, dù bài học đau khổ mà chúng ta phải ý thức học hàng ngày thế nào, thì cuối cùng, để có thể học một cách sâu sách về kiếp nhân sinh, để con người vượt qua được quy luật “Thành- Trụ- Hoại- Diệt”, để con người đạt đến hạnh phúc chân như, chắc chắn chỉ bằng: Tình Thương.
Đó chẳng phải là mệnh lệnh tối thượng của lương tri con người để duy trì cõi sống vĩnh hằng này hay sao?
Muôn kiếp nhân sinh, tác giả Nguyên Phong, NXB Tổng hợp TP.HCM và Công ty sách First News ấn hành tháng 5/2020. Sách dày 388 trang lầu đầu in 5000 bản. Ngoài ra còn có 555 bản đặc biệt bìa cứng làm thủ công bằng da Microfiber bao gồm 5 bản ký hiệu là: Nguyên Phong, Thomas, Nguyễn Văn Phước, First News, Đông A và 550 bản đánh số từ FĐ-001 đến FĐ-550 dành cho người sưu tầm và chơi sách.
Ngân Hà (theo TGHN)
Bạn có thể nhập mã TIKITD để giảm thêm 5% khi mua sách Muôn Kiếp Nhân Sinh do Tiki Trading phân phối tại: https://bit.ly/MuonKiepNhanSinhTiki | Nhập mã FNSFHST6 để giảm thêm 5% khi mua tại Fahasha: https://bit.ly/muonkiepnhansinh-fhs