Muôn kiếp nhân sinh 2 - Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: 'Kẻ ngông cuồng' không thoát khỏi báo ứng!

09/09/2021 08:30
Muôn kiếp nhân sinh 2 - Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: 'Kẻ ngông cuồng' không thoát khỏi báo ứng!

Alexander Đại đế muốn thống nhất thế giới nhưng lại quên đi rằng ước mơ không nên được viết bằng những cuộc chiến đẫm máu.

Loạt câu chuyện đặc biệt này về Alexander Đại đế trích từ sách "Muôn kiếp nhân sinh" (phần 2). Người xưng "tôi" trong bài là nhân vật chính, có nhiều dịp cận kề và dõi theo hành trình chinh phục thế giới của Alexander Đại đế.

Ba Tư có phải là xứ man rợ để Hy Lạp khai phóng?

Trong cuộc nói chuyện của tôi với Thomas, ông cho biết ngày nay gần như tất cả tài liệu về Alexander đều do người Hy Lạp thời cổ viết nên có nhiều định kiến. Phần lớn đều ca tụng Alexander như một anh hùng vĩ đại và coi việc chinh phục Ba Tư là sự chiến thắng của người Châu Âu đối với các quốc gia Châu Á.

Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: Kẻ ngông cuồng không thoát khỏi báo ứng! - Ảnh 2.

Alexander coi việc chinh phục Ba Tư là chiến thắng của Châu Âu với Châu Á. (Ảnh: Pinterest)

Phần lớn sử liệu thường đề cao nền văn minh của Hy Lạp và coi Ba Tư là xứ man rợ, hung ác, lạc hậu và thiếu văn minh. Điều này cũng tạo ảnh hưởng cho các thế kỷ về sau khi các quốc gia Châu Âu tự coi mình là trung tâm văn minh của thế giới và coi thường các nền văn minh khác. Khi xâm lăng các quốc gia Châu Á và Châu Phi, họ đã gọi cuộc chiến này là sự khai phóng các dân tộc thiếu văn minh.

Thomas kể rằng mặc dù văn minh Hy Lạp đã tiến bộ rất cao với sự có mặt của các triết gia như Pythagore, Plato, Socrates, Aristotle... nhưng Đế quốc Ba Tư lúc đó cũng đã phát triển rất mạnh về kinh tế, canh nông và thương mại. Trong khi Hy Lạp còn là một tập hợp nhiều thành bang nhỏ thì Đế quốc Ba Tư đã bành trướng khắp nơi, chạy dài từ Ai Cập đến Ấn Độ. Từ xưa, người Ba Tư đã đi khắp nơi buôn bán, qua con đường tơ lụa (Silk Road), sang đến tận Trung Hoa. Văn chương, thơ phú, âm nhạc của Ba Tư cũng đạt vị trí quan trọng và phổ biến khắp Trung Đông nên không thể kết luận rằng Đế quốc Ba Tư là thiếu văn minh được.

Một dữ kiện khác cho thấy lúc đó luật pháp Hy Lạp chỉ giới hạn trong việc phân chia giai cấp, quyền sở hữu đất đai để thu thuế. Các việc khác đều do triều đình quyết định, trong đó, nhà vua có quyền hành tuyệt đối. Trong khi đó, Ba Tư đã có hệ thống pháp trị với các bộ luật được ghi chép rõ ràng chứ không tập trung quyền hành vào cá nhân vua chúa. Tôn giáo của Ba Tư (Bái Hỏa giáo) phân biệt rất rõ về quan niệm thiện, ác, đúng sai.

Kinh Avesta mở đầu với câu: "Chỉ nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm điều thiện vì mọi hành động sẽ được đấng Ahura Mazda phán xét". Tôn chỉ không nói dối, luôn nói lời thật đã được ghi rõ vào bộ luật của Vua Cyrus. Bái Hỏa giáo phân chia mọi việc rất rõ ràng, không chấp nhận chế độ nô lệ, không kỳ thị các tôn giáo khác như Do Thái giáo hay tôn giáo của Ai Cập và Assyria.

Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: Kẻ ngông cuồng không thoát khỏi báo ứng! - Ảnh 3.

Alexander mải mê chinh phục thế giới mà quên đi rằng đó chỉ là ước mơ viển vông của mình ông. (Ảnh: Pinterest)

Hầu hết các sử gia viết rằng Alexander mải mê chinh phục thế giới, không trở về Hy Lạp và chết sớm nên giấc mộng chưa hoàn thành. Thomas nói rõ với tôi rằng Alexander không hề có ý trở về Hy Lạp, ngài đã thành lập một triều đình mới tại Babylon để cai trị đế quốc rộng lớn mà mình chinh phục được nên không cần trở về Pella làm gì.

Đó là lý do Alexander ra lệnh chuyển ngân khố về Ba Tư, phát triển một thế hệ công dân mới, hòa hợp hai dòng máu Hy Lạp và Ba Tư cho đế quốc này. Ngài cưới Stateira, con gái của Vua Darius và cưới Parysatis con gái của Vua Ochus, là bằng chứng cho việc muốn kết thân với người xứ này. Thay vì dùng người Hy Lạp trong việc triều chính, ngài vẫn để Mazaeus làm thượng thư, và các quan lại Ba Tư điều hành mọi việc trong nước.

Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm được các đồng tiền vàng được đúc tại Babylon thời đó, có hai mặt, một mặt in hình Alexander, mặt kia in hình Mazaeus như minh chứng lịch sử về việc sáp nhập hai dòng máu, hai nền văn minh này làm một. Đây là dữ kiện lịch sử Hy Lạp mà một số sử gia có lẽ không muốn nhắc đến.

Ước mơ thống nhất thế giới không nên được viết bằng những cuộc chiến đẫm máu

Thomas nói với tôi rằng ước mơ vĩ đại về việc thống nhất thế giới của Alexander Đại đế dường như là điều viển vông, ngông cuồng nhất mà một con người có thể nghĩ ra. Làm sao có thể khiến mọi người trên thế giới không còn khoảng cách, không còn thù hằn và chung sống hòa bình với nhau được? Lịch sử và văn minh nhân loại được viết nên bằng những cuộc chiến đẫm máu và chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt. Đó phải chăng là một lời nguyền không thể hóa giải? Hay đó chính là bản chất của con người - giống loài tiến hóa nhất hành tinh này và ngạo mạn coi mình là chủ nhân địa cầu?

Nếu thế giới này không còn những khoảng cách về sắc tộc, màu da, tôn giáo, chính trị thì liệu con người có chấm dứt sự chia rẽ, thù hằn, xâm chiếm và chém giết lẫn nhau? Liệu có một phép màu nào đó có thể khiến con người ở mọi quốc gia đều coi nhau như người cùng xứ sở và chiến tranh, giết chóc, bạo lực sẽ chấm dứt vĩnh viễn trên hành tinh này? Chẳng phải khi vượt thoát khỏi bầu khí quyển, tiến vào vũ trụ bao la và nhìn về hành tinh trái đất, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta nhỏ bé ra sao giữa vũ trụ này và tất cả đều có chung một quê hương đó sao?

Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: Kẻ ngông cuồng không thoát khỏi báo ứng! - Ảnh 5.

Alexander Đại đế cũng không thoát khỏi luật báo ứng của nhân quả mà nhận về báo ứng từ các cuộc chiến ông đã gây ra. (Ảnh: Pinterest)

Liệu có một phép màu nào có thể khiến cho con người thôi phá hủy sự sống muôn loài, thôi hủy diệt màu xanh trên quê hương địa cầu này không? Liệu có cách nào ngăn không cho hành tinh này đếm ngược về ngày tận thế? Những gì đã và đang xảy ra trên thế giới này là cơn thịnh nộ của Đấng Sáng thế hay chỉ đơn giản là những báo ứng tuần hoàn theo luật Nhân quả của vũ trụ?

Nếu chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ Thành - Trụ - Hoại - Diệt, thì có cách nào để ngăn chặn sự hủy diệt đó không, khi chính chúng ta mới là nguyên nhân cho mọi sự phá hủy khủng khiếp nhất đối với sự sống và tương lai của muôn loài?

Những câu hỏi đó cứ xoay vần trong tâm trí tôi khi nghĩ đến Alexander và những cuộc chiến bất tận của ngài. Con người luôn mơ ước và hướng đến một thế giới hòa bình nhưng cho đến tận ngày hôm nay, khi nhân loại đang tự hào về nền văn minh và sự phát triển khoa học, công nghệ đỉnh cao của mình, thì hành tinh này vẫn chưa ngày nào ngừng xung đột, biến động.

Nếu người ta chỉ chạy theo sự ganh đua, tranh giành quyền lực hòng thống trị nhau thì cái chúng ta gọi là văn minh có thực sự xứng đáng là một nền văn minh không?

* Trích sách Muôn kiếp nhân sinh 2

 

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024