Những cái tên đặc biệt
Gần 30 năm làm nghề chăm sóc thú dữ, anh Nguyễn Quang Phúc (Tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ) thừa nhận đây là một nghề luôn phải đối mặt với nguy hiểm và sự vất vả. Nhưng với tình yêu dành cho những con vật và quấn quýt với chúng mỗi ngày đã tạo cho anh một tình cảm đặc biệt với chúng.
8 giờ sáng mỗi ngày, các nhân viên của tổ chăn nuôi thú dữ (Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1) lại bắt đầu trang bị quần áo, dụng cụ bảo hộ để làm vệ sinh, khử khuẩn, sát trùng chuồng trại cho thú dữ. Dạo một vòng khắp các khu chuồng, những con vật to xác, hung dữ như hóa thành thú cưng khi được các anh chị gọi tên đầy thân thương và dễ mến bé Cúc, bé Phương, bé Chăm, bé Bống, bé Bi,…
" Con trai ơi!...", đó là cách mà chị Trần Thị Ngọc gọi một chú sư tử trưởng thành. Chú sư tử được các anh chị đặt tên là Chăm, Chăm trong từ "chăm chỉ". Chị là một trong những người trực tiếp nuôi dưỡng Chăm từ khi "chưa mở mắt" cho đến lúc trưởng thành như hiện tại. Sư tử mẹ đẻ ra Chăm đã không may qua đời từ khi vừa sinh.
Chị Ngọc còn nhớ cả ngày sinh của Chăm là mùng 4/1/2018. Từ khi Chăm ra đời, trong vòng 4 tháng liên tục, các "bảo mẫu" đã phải túc trực 24/24 thậm chí còn ngủ cùng, để cho bú bình, kích thích đi vệ sinh và theo dõi sức khỏe của chú sư tử con. Nay đã to lớn nhưng mỗi khi được các anh chị gọi tên, chú sư tử lại nũng nịu như một đứa trẻ, ghé sát chiếc bờm ra khung cửa để được vuốt ve.
Không chỉ chú sư tử này mới được gọi bằng tên riêng. Một cặp hổ được Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội tiếp nhận từ Công an tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hai cá thể hổ được công an thu giữ từ vụ triệt phá đường dây buôn lậu động vật hoang dã tại tỉnh. Chúng được các anh các chị đặt tên là bé Cúc, bé Phương hay còn gọi bằng biệt danh "ở nhà" là Bống và Bi. Chỉ cần thấy chị Ngọc đi ngang qua, hai chú sư tử lại chồm lên hàng rào đến khi chị quay lại trò chuyện âu yếm mới thôi.
Chăm thú dữ như chăm con nhỏ
Anh Nguyễn Quang Phúc cho biết: "Thú ăn thịt rất thông minh và cũng rất tình cảm. Gắn bó với chúng lâu năm thành ra mình cũng có tình cảm rất lớn dành cho chúng. Thực ra, để nói về công việc chăm sóc thú dữ thì đây là công việc rất nguy hiểm, vất vả, phải có độ cảnh giác cực cao và thật tỉnh táo khi vào chuồng và chăm sóc con thú.
Vất vả là thế nhưng chúng tôi đã chọn nghề này thì chúng tôi phải thực sự là người yêu quý động vật, xác định gắn bó với nghề đến khi không còn khả năng làm việc. Không chỉ là chăm sóc thú mà còn là người truyền lại kinh nghiệm cho lớp công nhân kế cận.
Bất kể là nam hãy nữ ở trong đội chăn nuôi thú dữ cũng đều là "bảo mẫu" của những con thú này. Bởi vì chúng tôi đã nuôi nấng chúng từ khi còn bú sữa, chia nhỏ thức ăn, bón từng miếng khi chúng tập ăn dặm. Chị em phụ nữ cũng là "bảo mẫu" mà đàn ông chúng tôi cũng là "bảo mẫu" hết. Bởi vì chúng tôi đã quý những con thú hơn chính bản thân mình, chăm sóc chúng hàng ngày như con của mình ở nhà".
Những ngày mưa lạnh, các anh chị cũng phải đảm bảo các thiết bị sưởi ấm để tăng nhiệt độ. Vào mùa thời tiết nắng nóng phải bổ sung quạt đá hơi lạnh để giúp các con vật không bị khó chịu. Giữa những người công nhân và những con thú dữ đã hình thành nên tình cảm đặc biệt, khăng khít và gắn bó.
Mắc màn ngủ cùng chăm hổ ốm
Không chỉ chứng kiến những con vật lớn lên, các công nhân, bác sĩ thú y cũng là người đồng hành cùng chúng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Chị Lê Thu Hà, bác sĩ thú y làm việc tại vườn thú gần 20 năm, bản thân chị luôn là người theo dõi tình hình sức khỏe của thú dữ hàng ngày.
"Công tác chăm sóc sức khỏe cho thú cũng rất nguy hiểm, mình phải có sự chia sẻ, dành tình cảm chân thành với chúng, tạo niềm tin cho chúng để tiếp cận thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm,…
Tôi nhớ nhất một "bạn" hổ tên là My. My sống trong vườn thú được 17 năm, đối với tuổi thọ trung bình của hổ trong môi trường nuôi nhốt cũng được coi là sống rất già và thọ. Trong quá trình nuôi, nhiều lần My bị bệnh nặng, đội ngũ bác sĩ thú y hết sức tận tâm chăm sóc.
Chúng tôi phải xay "sinh tố" thịt, bơm từng xi lanh vào miệng để cho hổ ăn. Thậm chí các công nhân còn mắc màn, kê phản nằm cạnh cũi nhốt hổ để theo dõi sức khỏe cả đêm lẫn ngày. Mỗi khi My ăn lại được, anh em trong tổ, kể cả cán bộ quản lý cũng mừng chảy nước mắt.
Nhưng đến đợt ốm cuối cùng vào năm 2020, dù đã được thăm khám và điều trị từ đầu hết sức tích cực của tập thể bác sĩ và nhân viên, nhưng do lớn tuổi, bệnh của hổ thuộc nhóm u ác tính nên My đã không qua khỏi. Dù biết là không có gì tồn tại mãi mãi, nhưng hổ My chết đi qua rất nhiều ngày sau chúng tôi vẫn luôn cảm thấy hụt hẫng và đau lòng.
Khi khỏe mạnh "chúa sơn lâm" hung bạo là thế, nhưng đến giây phút biết không thể sống ánh mắt của chúng thực sự rất ám ảnh, nó nhìn hết mọi người trong tổ chăm sóc như cầu cứu, những biểu cảm rất cảm xúc như có nhân tính".
Làm việc trong môi trường tiếp xúc với các loài thú dữ, các công nhân cũng hết sức thận trọng và luôn phải đảm bảo an toàn. Chị Hà Thu Phương (Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1) cho biết: "Tất cả các công nhân tham gia chăm sóc thú dữ đều phải đảm bảo 100% các nội quy đảm bảo an toàn khi làm việc, không lơ là mất cảnh giác. Các công nhân cũng luôn được bố trí làm việc theo cặp để kiểm tra chốt cửa và đảm bảo an toàn. Không chỉ vậy, hàng năm các công nhân cũng trải qua các đợt tập huấn, thi sát hạch và nâng cao nghiệp vụ chăm sóc thú dữ".
Có thể thấy rằng, người làm công việc chăm sóc thú dữ không chỉ cần sự can đảm, khéo léo mà điều quan trọng hơn cả là tâm huyết, tình yêu thương đối với động vật để gần gũi và chăm sóc chúng.
Ngọc Linh