Millennials là thế hệ được sinh ra từ năm 1981 đến năm 1996. Thế hệ này còn được gọi với một cái tên khác "lost generation" (dịch tạm: thế hệ lạc lõng). Theo thống kê từ một nghiên cứu, trung bình những người thuộc thế hệ này sẽ có ít tài sản hơn so với các thế hệ như gen Z hoặc gen X.
Báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cũng chỉ ra, Millennials (đặc biệt là thế hệ sinh vào những năm 1980) có xu hướng làm việc vất vả hơn suốt các giai đoạn cuộc đời song lại mang lại giá trị tài sản thấp nhất so với các thế hệ gần như gen X hay gen Z.
Dự báo này xuất phát từ những quan sát trên cơ sở xu hướng kinh tế vĩ mô đầy biến động mà Millennials phải trải qua. Vì vậy, những người đang rơi vào độ tuổi từ 26 đến 40 hiện nay thường khó tìm được cơ hội kinh doanh hơn hẳn các thế hệ khác.
Đa số những người thuộc thế hệ Millennials tốt nghiệp đại học vào thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và kèm theo đó là những hậu quả nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế ngay khi họ vừa bước vào thị trường lao động. Thập kỷ vừa qua cũng chứng kiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, trong khi lực lượng lao động trẻ có kỹ năng ngày càng nhiều, khiến cho áp lực cạnh tranh trên thị trường lao động ngày một tăng cao.
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 một lần nữa khiến nhiều gen Y vốn đã vấp phải vô số khó khăn hơn về tài chính nay phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng khác - sự ngày càng gia tăng dẫn đến cái mà nhiều người gọi là "đại khủng hoảng nhân lực". Sự kiện này đe dọa tạo ra nhiều thách thức hơn cả đối với thế hệ này.
Nhưng vẫn còn thời gian để bắt kịp. Millennials đã dần dần bắt đầu phục hồi từ những hậu quả kéo dài hàng thập kỷ sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Vào đầu năm 2018, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã chỉ ra rằng: Thu nhập trung bình của người đang trong độ tuổi lao động của thế hệ này cao hơn các hộ gia đình trẻ (young adult households) trong 50 năm qua. Một lý do giải thích cho sự gia tăng thu nhập hộ gia đình này là do phụ nữ trẻ hiện nay đi làm nhiều hơn và được trả lương cao hơn so với phụ nữ thuộc những thế hệ trước.
Mặc dù thế hệ Millennials đã phải đối mặt với một thách thức khác, phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng thực tế đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi và bắt nhịp trở lại.
Mặc cho những trở ngại và thử thách xuyên suốt cuộc đời, thế hệ Millennials vẫn đảm bảo chi tiêu và xây dựng những quỹ hưu trí riêng cho bản thân mình. Số liệu từ các báo cáo cho thấy những người lớn tuổi đầu tiên của gen Y đang có mức chi tiêu tương đối lớn trong nền kinh tế và có khối lượng tài sản tích lũy ở mức đáng kể.
Nhưng sự giàu có ở đây được hiểu là gì và nó đóng vai trò như thế nào trong vấn đề đảm bảo an toàn tài chính cá nhân? Nói một cách đơn giản, mức độ giàu có (hay giá trị ròng) là tổng trị giá tài sản (bao gồm bất động sản, tiền mặt, cổ phiếu…) thuộc sở hữu của một người, trừ đi bất kỳ khoản nợ hoặc hay các nghĩa vụ phát sinh nào (ví dụ các khoản vay sinh viên, thế chấp...). Mức độ giàu có cho thấy chất lượng cuộc sống của bạn trong hiện tại và cả giai đoạn hưu trí. Để có mức độ giàu có mong muốn đòi hỏi con người phải đầu tư nhiều công sức và thời gian trong suốt cuộc đời.
Đối với các thế hệ trẻ, sau khi trừ đi các khoản chi phí như tiền thuê nhà và tiền vay sinh viên, thu nhập rất ít, nếu có, được để dành để tiết kiệm hoặc đầu tư. Nhưng đó không phải tất cả. Ngay cả khi chỉ còn một lượng nhỏ tiền mặt cho chi tiêu, Millennials vẫn tìm ra cách để có thể bắt đầu gây dựng tài sản tích lũy của mình và lên kế hoạch nghỉ hưu bền vững.
Những người trẻ hơn có một lợi thế rất lớn, đó chính là thời gian. Với thời gian, họ có thể khai thác sức mạnh của lãi kép.
Công thức cơ bản cho lãi kép là cộng lãi trên số tiền gốc cộng với bất kỳ khoản lãi nào đã phát sinh từ đó. Bằng cách đặt tiền vào một tài khoản hợp nhất, bạn đã để tiền làm việc hộ bạn. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra ngân hàng nào sẽ trả cho bạn lãi suất 5%, nhưng nếu bạn đầu tư vào thị trường, bạn có thể tìm thấy lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, ý tưởng là hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ và làm cho số tiền của bạn tăng lên theo thời gian.
Một số loại tài khoản tiết kiệm sẽ có lãi suất cao hơn so với các loại khác. Khái niệm về lãi kép cũng được áp dụng tương tự với các khoản đầu tư.
Đối với những người muốn đầu tư nhưng không biết bắt đầu từ đâu, vẫn có thể bắt đầu việc gây dựng tài sản tích lũy bằng cách sử dụng các quỹ đầu tư ETF. Một Exchange-Traded Fund (ETF), tương tự như một quỹ chỉ số, là một tập hợp các cổ phiếu và/hoặc trái phiếu và là một công cụ đầu tư cho phép bạn đầu tư vào thị trường nói chung.
Khi bạn mua một ETF, bạn thường mua một nhóm các công ty lớn. Ví dụ: bạn có thể mua một quỹ ETF theo dõi S&P 500. Nếu bạn đưa 100 USD/tháng (hoặc nhiều hơn nếu bạn có đủ khả năng chi trả) vào một quỹ ETF và không đụng đến nó, thì với mỗi tháng 100 USD sẽ trở thành 1.200 USD/năm, từ đó khiến quỹ chỉ số trở nên cụ thể và hữu hình hơn.
Thêm vào đó, theo thời gian, giá trị của bản thân các quỹ ETF sẽ tăng lên, đặc biệt là các quỹ theo dõi thị trường chứng khoán tổng thể. Thị trường đi lên và đi xuống, nhưng nó sẽ đi lên trong dài hạn. Ví dụ: S&P 500 trong lịch sử đã tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm gần 10% trong nhiều năm liền (chỉ cần nhớ rằng lợi nhuận trong tương lai không bao giờ được đảm bảo một cách chắc chắn).
Theo báo cáo của Gallup, hơn 36% lực lượng lao động Mỹ, tương đương với khoảng 57,3 triệu người, tham gia vào nền kinh tế hợp đồng và thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người lao động theo hợp đồng (42% vào năm 2020). Khi ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Millennials đề cao quyền tự chủ và các công việc toàn thời gian truyền thống với các phúc lợi đang trên đà giảm sút, xu hướng nền kinh tế hợp đồng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.
Làm freelancer có nhiều lợi thế, nhưng nó cũng đi kèm với những hạn chế, một trong số đó là nguồn thu nhập luôn biến động và thiếu các phúc lợi như quỹ hưu trí tư nhân và bảo hiểm y tế. Ngoài ra, nó cũng ít đảm bảo về tài chính hơn đối với những người làm nghề tự do và những người làm hợp đồng.
Để có cơ hội gây dựng tài sản tích lũy, những người hành nghề tự do không chỉ phải làm việc cho bản thân mà còn phải hướng đến xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Nhiều người làm nghề tự do được xem là "solo-preneur" (người làm việc đơn độc) khi phải chủ động xoay xở với những hóa đơn từ chi tiêu và đầu tư cá nhân.
Heather Purcell, một chuyên gia quản lý tài chính làm việc với các công ty sáng tạo, bày tỏ mối lo ngại của mình. "Tôi thường xuyên làm việc với các chủ doanh nghiệp hợp tác với nhiều người làm nghề tự do. Có thể thấy, họ sẽ nhận phần thù lao tính trên từng hợp đồng được xây dựng riêng biệt. Điều tôi nhận thấy là không ai trong số họ tập trung xây dựng một kênh đầu tư lâu dài có thể hoạt động độc lập với bản thân họ và thời gian của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ ngưng bán sức lao động của mình? Tiền ở đâu ra khi bạn nghỉ hưu? "
Chuyên gia cũng khuyên rằng những người làm nghề tự do nên tập trung vào việc tạo dựng các kênh đầu tư cá nhân có thể tạo ra một tương lai ổn định hơn về tài chính, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chi tiêu ít hơn trong hiện tại. "Tôi có một khách hàng gen Y đang lên kế hoạch cho việc xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Họ chấp nhận kiếm được ít hơn trong ngắn hạn để có thể trả lương cho nhân viên và tạo ra dây chuyền kinh doanh hoạt động độc lập", ông nói.
Giảm bớt chi tiêu trong hiện tại và tái đầu tư số tiền đó vào doanh nghiệp của bạn hoặc vào tài khoản đầu tư có thể giúp bạn xây dựng tài sản tích lũy về lâu dài. Số tiền này còn có ích hơn nếu bạn là một người làm việc tự do với thu nhập lớn hoặc nhà thầu độc lập, nhưng nó mang lại hiệu ứng ảo ảnh, gây quan ngại về việc các tài sản sẽ trở nên mất giá trị khi bạn nghỉ hưu. Thế hệ Millennials cần suy nghĩ kĩ lượng và tạo ra các hệ thống và doanh nghiệp có thể hoạt động độc lập với chúng.
Hằng Đoàn
Theo Select