Staycation là sự kết hợp giữa hai từ tiếng Anh stay (ở tại chỗ) và vacation (kỳ nghỉ). Thuật ngữ này thực ra đã xuất hiện từ lâu trước thời kì dịch bệnh. Theo tờ Time Out New York vào năm 2006, staycation là kỳ nghỉ trong thành phố New York.
Còn với tờ Washington Post năm 2005, staycation được hiểu như một kỳ nghỉ tại nhà với sự êm ái của chăn gối, lò sưởi ấm áp và tủ lạnh chứa đầy đồ ăn.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều công ty du lịch đã đem staycation (tạm dịch: kỳ nghỉ gần nhà) quay trở lại, quảng bá những kỳ nghỉ không cần đi xa, vừa đảm bảo được an toàn sức khỏe mà vẫn tận hưởng được các tiện ích như một chuyến du lịch xa. Không nằm ngoài trào lưu này, nhiều bạn trẻ đã thay đổi từ các kỳ nghỉ bằng máy bay để chuyển sang các homestay nội thành, cắm trại ngoại thành làm nơi nghỉ dưỡng.
Ưu điểm vượt trội của homestay - nhanh gọn và tiện lợi
Từ Tuệ Sa (20 tuổi) là một bạn trẻ đã quen thuộc với hình thức homestay. Bạn chia sẻ: "Trước khi có dịch Covid-19, gia đình mình rất hay đi du lịch, mỗi năm khoảng 2-3 lần. Nhưng từ khi bùng phát dịch vào đầu năm 2020, thuê homestay tại Hà Nội với bạn bè, người thân là một sự lựa chọn tiện lợi hơn đối với mình".
So với du lịch xa cần lên kế hoạch trước hàng tháng, việc đặt homestay trong thành phố chỉ cần giữ chỗ trước 1-2 ngày. Tuệ Sa nhận thấy các bạn của mình cũng yêu thích sự nhanh chóng và tiện lợi này: "Nếu muốn một ngày nghỉ ngơi nhẹ nhàng thì chắc chắn có thể tin chọn homestay nội thành".
Thủ tục đăng ký homestay hiện nay được đơn giản hóa, phù hợp với mọi đối tượng. Khách hàng liên hệ đến những đầu mối homestay, lựa chọn căn mình muốn, giờ nhận phòng và hoàn thành thủ tục chuyển khoản là ngày hôm sau đã có thể nhận phòng. Thậm chí, một số homestay, người đặt có thể tự lấy khóa mở cửa mà không cần chủ nhà.
Homestay là một lựa chọn được Tuệ Sa tin tưởng vào những dịp quan trọng như sinh nhật, kỷ niệm, hoặc những ngày cuối tuần muốn thư giãn, tụ tập bạn bè. "Thay vì phải lựa chọn nhà hàng đông đúc, khu vui chơi ồn ã với chi phí lớn thì chỉ cần thuê một căn homestay là đã có thể cùng nhau nấu ăn, xem phim, chơi trò chơi tập thể như boardgame", Sa cho biết.
Một số người cho rằng homestay nội thành không khác nhiều so với ở nhà của mình nhưng Sa lại thích homestay vì sự thay đổi trong không gian. Cô bạn cho biết ở nhà không có phòng riêng nên muốn đến các địa điểm như thế này để có thêm thời gian cá nhân. Tuệ Sa bộc bạch: "Từng có dạo mình nghiện đi homestay nội thành, cứ 2-3 tuần lại đi một lần".
Hình thức du lịch phù hợp với việc đi học, đi làm
Hiện nay, số lượng các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch ở khu vực ngoại thành ngày càng tăng. Ở Hà Nội, Sóc Sơn, Ba Vì thường là địa điểm được nhiều bạn lựa chọn lui tới. Minh Khánh (20 tuổi) cùng các bạn của mình vừa có một chuyến đi tới khu cắm trại tại hồ Đồng Đò (Sóc Sơn).
Thông qua một video review trên TikTok, Khánh và các bạn của mình đã biết tới địa điểm trên và lập nhóm để cùng nhau trải nghiệm. Theo bạn trẻ, hình thức trải nghiệm này phù hợp để đi trong ngày.
Khánh kể lại chuyến đi của mình: "Chúng mình đã cắm trại, nướng thịt, vui nhất chính là chèo thuyền. Một số bạn nam còn mặc áo phao để xuống hồ bơi".
Sau khi được giới thiệu, một người quen của Khánh cũng đặt chỗ tới nơi cắm trại vào ngày hôm sau.
Bạn trẻ cảm thấy hình thức du lịch ngắn ngày phù hợp với lối sống hối hả của giới trẻ ngày nay. Ngoài ra, theo Minh Khánh, kỳ nghỉ gần nhà cũng năng động hơn so với hình thức đi chơi xa truyền thống.
"Khi đi chơi xa, di chuyển lâu nên mọi người có vẻ lười hơn. Đặc biệt, nếu đi với người lớn thì còn cần nghỉ ngơi, ngủ trưa", Khánh cho biết, "Ngoài ra, đi chơi trong ngày cũng dễ được bố mẹ cho phép hơn".
Trong chuyến đi chơi tới Sóc Sơn, nhóm của Khánh có 9 người, chia chi phí khoảng 360.000 đồng/người. Với thời gian di chuyển chỉ khoảng 1-1,5 tiếng, Khánh thấy đây là một địa điểm trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.
Staycation vẫn không thể thay thế du lịch truyền thống
Nhân dịp Giáng Sinh năm nay, Thảo Linh (23 tuổi) đã cùng nhóm bạn của mình thuê một căn homestay tại Sóc Sơn để ăn mừng ngày lễ. Cả nhóm có 4 người, chia phi phí bao gồm ăn uống, nghỉ ngơi và đi lại hết 900.000 đồng/người trong 1 ngày 1 đêm.
Dù thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, nhưng Linh cùng các bạn của mình cũng đã có nhiều hoạt động khác nhau như xem phim, chụp ảnh, nấu ăn. Đặc biệt, vì là Giáng Sinh nên cả nhóm đã chơi trò chơi "Ông già Noel bí mật" (Secret Santa).
Nhìn chung, Thảo Linh nhận xét chuyến đi diễn ra suôn sẻ vì thời tiết thuận lợi, đường đi dễ dàng. Homestay nhóm chọn cũng xinh xắn nên mọi người đều có ảnh đẹp kỷ niệm. Bên cạnh đó, các dịch vụ đón tiếp, dọn dẹp được phục vụ chu đáo, không thua kém so với các khách sạn.
Nhận thấy xu hướng staycation ngày càng nổi lên trong giới trẻ, Linh cho rằng có nhiều lí do khác nhau khiến cho hình thức này trở nên hấp dẫn, như tiết kiệm thời gian di chuyển, giá cả hợp lý, phong cảnh đẹp, không khí thoáng đãng…
Tuy vậy, nếu được lựa chọn, thì Thảo Linh vẫn ưu tiên hình thức du lịch xa nhà, dài ngày vì trải nghiệm mới mẻ và tận hưởng được nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Đối với bạn trẻ, về lâu dài, staycation khó có thể thay thế được hình thức du lịch truyền thống.
"Trong bối cảnh dịch bệnh cũng như tính chất công việc bận rộn, không thể phủ nhận rằng staycation vẫn là một lựa chọn hợp lý để dành thời gian với người thân, bạn bè và xả stress cho bản thân", Linh nhận xét.
Yếu tố nhanh - gọn - thuận tiện của staycation đã trở thành điểm thu hút nhiều người trẻ năng động. Một chuyến đi ngắn, vừa tiết kiệm vừa giúp nạp lại năng lượng mà không ảnh hưởng tới công việc và học tập. Tuy nhiên, so sánh với du lịch truyền thống, staycation vẫn chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trẻ.
Hà Mi
Ảnh: NVCC