Kỳ 3 - Tình yêu luôn tràn ngập trong trái tim Michelle Obama và Barack

01/10/2019 08:00
Kỳ 3 - Tình yêu luôn tràn ngập trong trái tim Michelle Obama và Barack

Vào khoảng giữa tháng tám, trước khi quay về trường luật, Barack thổ lộ là anh yêu tôi.

Tình cảm giữa hai chúng tôi nảy nở nhanh chóng và tự nhiên đến độ bản thân khoảnh khắc đó không có gì đặc biệt đáng nhớ. Tôi không nhớ chính xác chuyện đã xảy ra khi nào và như thế nào. Đó chỉ là lời thể hiện dịu dàng và đầy ý nghĩa của một điều mà cả hai chúng tôi đều ngỡ ngàng khi nhận ra. Dù chỉ mới quen nhau đôi ba tháng, dù có vẻ gì đó không thực tế, nhưng chúng tôi đã yêu nhau.

Tình yêu luôn tràn ngập trong trái tim Michelle và Barack (kỳ 3) - 1

Nhưng lúc này chúng tôi phải ứng phó với khoảng cách gần một ngàn năm trăm cây số chia cắt cả hai. Barack còn học hai năm nữa, và anh nói rằng sau khi tốt nghiệp, anh hy vọng sẽ an cư tại Chicago. Tôi không có ý định rời bỏ cuộc sống của mình tại Chicago trong thời gian này. Vẫn là một luật sư cấp trung non trẻ ở Sidley, tôi biết giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp của mình là cực kỳ quan trọng - thành tích của tôi sẽ quyết định tôi có thể trở thành luật sư cấp cao có cổ phần trong công ty hay không. Vì cũng từng học trường luật nên tôi cũng biết rõ Barack sẽ bận rộn đến mức nào. Anh được chọn làm biên tập viên cho tờ Harvard Law Review, một nguyệt san do sinh viên của trường tổ chức thực hiện và được xem là một trong những ấn bản về luật hàng đầu nước Mỹ. Được chọn vào đội ngũ biên tập là cả một vinh dự, nhưng điều đó cũng như thêm một công việc toàn thời gian vào thời khóa biểu vốn đã nặng nề của một sinh viên luật.

Vậy chúng tôi phải làm sao đây? Chúng tôi đành chọn điện thoại. Hãy nhớ bấy giờ là năm 1989, khi không phải lúc nào trong túi quần cũng sẵn một cái điện thoại cầm tay tiện dụng như bây giờ. Tin nhắn chưa tồn tại; không có emoji nào để thay cho một nụ hôn. Điện thoại đòi hỏi cả hai chúng tôi phải dành thời gian lẫn sự sẵn sàng cho nhau. Những cuộc gọi riêng tư thường diễn ra ở nhà, vào ban đêm, khi chúng tôi đã mệt lả và cần đi ngủ.

Trước khi đi, Barack nói là anh ấy thích viết thư tay hơn. “Anh không phải kiểu người thích nói chuyện qua điện thoại”, anh ấy nói vậy, như thể mọi chuyện đã được quyết định xong. Nhưng không. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau cả mùa hè vừa qua. Tôi sẽ không giao phó tình yêu của chúng tôi cho tốc độ “rùa bò” của bưu điện. Lại thêm một điểm khác biệt nhỏ khác giữa hai chúng tôi: Barack có thể trải lòng mình qua ngòi bút. Anh lớn lên giữa những bức thư, hấp thu thứ dưỡng chất đến từ những phong thư mỏng manh được vận chuyển bằng đường hàng không do mẹ anh gửi sang từ Indonesia. Trong khi đó, tôi là kiểu người thích nói chuyện trực tiếp, người được nuôi lớn trong những bữa tối Chủ nhật ở nhà ông Southside, nơi mà đôi lúc bạn cần phải hét lên thì mọi người mới nghe thấy.

Tình yêu luôn tràn ngập trong trái tim Michelle và Barack (kỳ 3) - 2

Gia đình tôi thích chuyện trò. Cha tôi mới vừa bán chiếc xe của ông để mua một chiếc xe tải đặc dụng phù hợp hơn với tình trạng khuyết tật của ông, và ông vẫn thường xuyên đến thăm các anh chị em họ của mình. Bạn bè, xóm giềng và các anh chị em họ của anh chịem họ vẫn đều đều xuất hiện ở Đại lộ Euclid và cắm rễ trong phòng khách nhà tôi để nghe ông kể chuyện và hỏi xin lời khuyên. Thậm chí David, anh bạn trai cũ của tôi hồi trung học, đôi khi cũng ghé vào để nhờ ông tư vấn. Cha tôi cũng không có vấn đề gì với điện thoại. Suốt nhiều năm, tôi đã chứng kiến ông gọi cho bà nội tôi ở South Carolina gần như mỗi ngày để thăm hỏi.

Tôi thông báo với Barack rằng nếu muốn mối quan hệ giữa hai chúng tôi tiến triển tốt đẹp, tốt hơn hết anh ấy nên thoải mái với việc sử dụng điện thoại. “Nếu em không nói chuyện được với anh thì chắc là em phải tìm một anh chàng khác có thể lắng nghe”, tôi đùa một chút.

Và thế là Barack trở thành anh chàng sử dụng điện thoại. Suốt mùa thu năm đó, chúng tôi nói chuyện với nhau thường xuyên nhất có thể. Cả hai đều bận rộn với thế giới riêng và thời gian biểu riêng của mình, nhưng vẫn chia sẻ với nhau những chi tiết nhỏ hàng ngày, cùng cảm thán về đống tài liệu về thuế doanh nghiệp mà anh ấy phải đọc, hay cùng nhau cười lớn về việc tôi bắt đầu tập trút bỏ những bức bối ở văn phòng vào những bài aerobic sau giờ làm. Nhiều tháng trôi qua, cảm xúc giữa chúng tôi ổn định và đáng tin cậy. Với tôi, tình cảm này đã trở thành một điều mà tôi không còn cần phải thắc mắc nữa.

Ở Sidley & Austin, tôi là một thành viên thuộc nhóm tuyển dụng cho văn phòng Chicago, nhận nhiệm vụ phỏng vấn các sinh viên Trường Luật Harvard cho chương trình thực tập mùa hè. Cơ bản thì đó là một quá trình chiêu mộ. Bản thân tôi cũng từng là sinh viên, từng trải nghiệm sức mạnh và sự cám dỗ của tổ hợp công nghiệp ngành luật doanh nghiệp, được trao cho một tập hồ sơ bìa cứng dày như từ điển liệt kê tất cả các hãng luật trên khắp nước Mỹ và được bảo rằng từng công ty trong đó đều muốn tuyển các luật sư tốt nghiệp Harvard.

Dường như với giấy thông hành là tấm bằng Tiến sĩ Luật Harvard, bạn có một cơ hội làm việc tại bất kỳ thành phố nào, trong bất cứ lĩnh vực pháp lý nào, dù đó là một công ty tố tụng khổng lồ ở Dallas hay một văn phòng tư vấn pháp lý bất động sản nhỏ ở New York. Nếu bạn muốn tìm hiểu một công ty nào trong số đó, bạn đề nghị họ đến trường phỏng vấn. Nếu cuộc phỏng vấn đó suôn sẻ, bạn sẽ nhận được một chuyến “đi thực tế”, bao gồm một vé máy bay, một phòng khách sạn năm sao, một vòng phỏng vấn khác tại văn phòng của công ty, và cuối cùng là một bữa chiêu đãi hoành tráng với những nhà tuyển dụng giống như tôi. Khi còn học Harvard, tôi đã tận dụng các chuyến đi này để đến San Francisco và Los Angeles, một phần là để tìm hiểu các hoạt động của luật giải trí, nhưng thành thật mà nói thì cũng vì tôi chưa từng đến California.

Giờ đây, khi tôi đã làm việc tại Sidley và trải nghiệm vai trò một nhà tuyển dụng, mục tiêu của tôi là tuyển vào những sinh viên luật không chỉ thông minh và có quyết tâm cầu tiến, mà còn không bị giới hạn bởi tiêu chí “nam giới” và “da trắng”. Trong đội ngũ tuyển dụng có duy nhất một phụ nữ gốc Phi khác, đó là một luật sư thâm niên tên Mercedes Laing. Mercedes hơn tôi khoảng mười tuổi và chị là một người bạn thân kiêm người dẫn dắt tôi.

Cũng giống tôi, chị có hai tấm bằng của Ivy League và thường xuyên tham dự những sự kiện mà trong đó không có ai giống mình. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng khó khăn nằm ở chỗ không chấp nhận chuyện đó hoặc xem chuyện đó là lệ thường. Trong những cuộc họp về tuyển dụng, tôi luôn cương quyết - và tôi chắc chắn một số người còn nghĩ là tôi trâng tráo - tranh luận rằng hãng luật cần mở rộng phạm vi hơn khi tìm kiếm các tài năng trẻ.

Cách thức bấy lâu của công ty là tiếp cận sinh viên của một nhóm trường luật đã chọn lọc, chủ yếu bao gồm trường Harvard, Stanford, Yale, Northwestern, Đại học Chicago và Đại học Illinois - những nơi mà hầu hết các luật sư hiện tại của công ty đã tốt nghiệp. Đó là một quá trình khép kín: một thế hệ luật sư tuyển dụng những luật sư mới, những người có trải nghiệm sống hệt như họ, và do đó sự đa dạng trong công ty gần như bằng không. Công bằng mà nói thì đây không phải là vấn đề của riêng Sidley, mà là vấn đề ở hầu hết mọi hãng luật lớn trên nước Mỹ (dù có được nhìn nhận hay không). Một khảo sát trên tập san National Law vào thời điểm đó cho thấy tại các hãng luật lớn, người Mỹ gốc Phi chiếm không tới 3% tổng số luật sư cấp trung và chưa tới 1% tổng số luật sư cấp cao có cổ phần trong công ty.

Để giúp khắc phục sự thiếu cân bằng này, tôi đề nghị công ty cân nhắc việc tuyển các sinh viên luật đến từ các trường cấp tiểu bang khác và từ những trường đại học từ xưa đến nay chỉ có người da đen theo học như Đại học Howard. Khi đội ngũ tuyển dụng tập trung tại phòng họp ở Chicago với một chồng sơ yếu lý lịch sinh viên cần xem xét, tôi lên tiếng phản đối mỗi khi một sinh viên nào đó tự động bị từ chối vì có một điểm B trên bảng điểm hay vì đã theo học chương trình cử nhân ở một trường kém danh tiếng hơn.

Tôi nhấn mạnh rằng nếu công ty nghiêm túc trong việc tuyển dụng những luật sư thuộc nhóm thiểu số thì phải nhìn nhận các ứng viên một cách tổng thể hơn. Cần xem xét việc những ứng viên đó đã tận dụng mọi cơ hội mà họ có được trong đời như thế nào, chứ không phải chỉ đánh giá xem họ đã leo được đến đâu trên nấc thang học vấn của tầng lớp tinh hoa. Mục đích không phải là hạ thấp tiêu chuẩn cao của công ty, mà phải nhận thức được rằng nếu cứ tiếp tục đánh giá tiềm năng của các luật sư trẻ một cách cứng nhắc và thủ cựu thì công ty sẽ bỏ sót những người có thể đóng góp vào thành công chung. Nói cách khác, chúng ta cần phải phỏng vấn nhiều sinh viên hơn trước khi loại họ.

Vì lẽ này nên tôi thích đến Cambridge để tham gia tuyển dụng, vì việc đó giúp tôi có ảnh hưởng ít nhiều đến việc tuyển chọn sinh viên Harvard dự phỏng vấn. Dĩ nhiên, những chuyến đi này cũng cho tôi cái cớ để gặp Barack. Khi tôi đến đó lần đầu tiên, anh lái xe đến đón tôi. Đó là một chiếc Datsun mũi hếch màu vàng chuối đã qua sử dụng mà anh đã mua lại bằng khoản tín dụng sinh viên của mình. Khi anh vặn chìa khóa xe, động cơ xe rồ lên và chiếc xe giật một cái thật mạnh trước khi rung lắc đều đều giữa tiếng động cơ ồn ào, khiến chúng tôi lắc lư trên ghế ngồi. Tôi nhìn Barack với vẻ không thể tin nổi.

“Anh lái cái thứ này sao?”, tôi lớn giọng để át tiếng ồn của động cơ. Anh nhá cho tôi một nụ cười tinh quái, nụ cười mang hàm ý “chuyện-này-đã-có-anh-lo” luôn khiến tôi tan chảy. “Chịu khó chờ thêm một hai phút thôi, rồi nó sẽ ổn”, anh nói và vào số. Vài phút sau, khi đã lái vào một con đường đông đúc, anh nói thêm, “Với lại, chắc là em đừng nhìn xuống”.

Tôi đã phát hiện thứ mà anh không muốn tôi thấy - một cái lỗ gỉ sét rộng khoảng mười xăng-ti-mét trên sàn xe, nhìn qua cái lỗ đó tôi có thể nhìn thấy lòng đường đang vụt qua bên dưới.

Sống cùng Barack chẳng bao giờ nhàm chán. Kể cả từ lúc ấy tôi đã biết như vậy. Đó sẽ là một cuộc sống màu vàng chuối và có hơi dựng tóc gáy đôi chút. Đồng thời tôi cũng chợt nhận ra là có thể người đàn ông này sẽ không bao giờ làm ra tiền.

Anh sống tại căn hộ một phòng ngủ đơn sơ ở Somerville, nhưng khi tôi đến để thực hiện công tác tuyển dụng, Sidley sắp xếp cho tôi ở tại Khách sạn Charles sang trọng sát bên trường đại học, nơi chúng tôi ngủ trên ga giường chất lượng cao trơn mát. Và Barack, người vốn không nấu nướng gì, có thể ăn no căng bữa sáng nóng sốt ở khách sạn trước khi vào lớp buổi sáng. Buổi tối anh sẽ đến phòng của tôi và làm bài tập, trên người là chiếc áo choàng vải bông xù dày cộp rộng thùng thình của khách sạn.

Mùa Giáng sinh năm đó chúng tôi cùng bay đến Honolulu. Tôi chưa bao giờ đến Hawaii nhưng tôi khá chắc là mình sẽ thích nơi này. Dù gì tôi cũng xuất thân từ Chicago, nơi mùa đông kéo dài đến tận tháng Tư, nơi mà việc có một chiếc xẻng xúc tuyết trong thùng xe là chuyện bình thường. Tôi có rất nhiều đồ len. Với tôi, tránh đông luôn là một chuyến đi vui vẻ. Thời đại học tôi đã có một chuyến tránh đông đến Bahamas với David, anh bạn học người Bahamas, và một chuyến khác đến Jamaica cùng cô bạn Suzanne. Trong cả hai chuyến đi đó tôi đều tận hưởng làn gió nhẹ nhàng mơn man trên da và niềm vui đơn giản mà tôi cảm nhận được mỗi khi được ở gần biển. Có lẽ không phải tình cờ mà tôi bị thu hút bởi những người sinh ra và lớn lên ở vùng đảo.

Ở Kingston, Suzanne đã dắt tôi tới những bãi biển cát trắng mịn, nơi chúng tôi lặn ngụp giữa những con sóng xanh màu ngọc bích. Cô ấy thành thạo dẫn tôi băng qua một khu chợ lộn xộn và liến thoắng trao đổi với những người bán hàng trên đường. “Thử cái này đi!” Cô ấy nói to hết cỡ bằng giọng địa phương của mình, hào hứng đưa cho tôi những miếng cá nướng để nếm thử, rồi tới mấy miếng khoai mỡ chiên, những khúc mía cây và vài miếng xoài xắt lát. Cô ấy yêu cầu tôi nếm hết mọi thứ, nhất quyết phải cho tôi thấy ở đó có rất nhiều thứ đáng yêu đến dường nào.

Barack cũng không khác. Tới thời điểm đó, anh ấy đã có hơn mười năm sống trên đất liền, nhưng Hawaii vẫn có ý nghĩa sâu sắc đối với anh. Anh muốn tôi cảm nhận mọi thứ, từ những hàng cọ tán rộng trên đường phố ở Honolulu và bãi biển Waikiki hình lưỡi liềm, đến những ngọn đồi xanh rì uốn quanh thành phố. Trong khoảng một tuần, chúng tôi ở tại một căn hộ mượn tạm từ bạn bè của gia đình anh, và mỗi ngày chúng tôi đều ra biển để bơi lội và lười biếng phơi mình dưới nắng.

Tôi đã gặp em gái Maya cùng mẹ khác cha của anh, cô gái mười chín tuổi thật tử tế, thông minh và đang học ở Barnard. Con bé có đôi gò má đầy đặn, đôi mắt nâu to tròn và những lọn tóc đen xoăn tít thả ngang vai. Tôi gặp ông bà Stanley và Madelyn Dunham của anh, hay “Toot và Gramps” như anh vẫn gọi. Họ vẫn sống tại tòa nhà cao tầng mà trước đây Barack từng sống, trong một căn hộ nhỏ được trang trí bằng các loại vải Indonesia mà bà Ann gửi về suốt nhiều năm.

Và tôi cũng gặp bà Ann, một phụ nữ đầy đặn, sôi nổi với mái tóc xoăn đen và chiếc cằm nhọn giống Barack. Bà đeo những món nữ trang bằng bạc to đùng, mặc một chiếc váy bằng vải batik  màu sáng và mang đôi xăng-đan to sụ đúng kiểu của một nhà nhân chủng học. Bà thân thiện với tôi và tò mò về gốc gác cũng như sự nghiệp của tôi. Rõ ràng là bà hết sức yêu thương con trai của mình - gần như là tôn sùng anh ấy - và có vẻ háo hức được ngồi trò chuyện với anh, kể cho anh nghe về luận án tiến sĩ mà mình đang làm và trao đổi ý kiến về những quyển sách nên đọc, hệt như đang trò chuyện với một người bạn cũ vậy.

Mọi người trong gia đình vẫn gọi anh là Barry, mà tôi cảm thấy thật là trìu mến. Theo tôi thấy thì dù đã rời quê nhà Kansas từ tận những năm 1940, ông bà ngoại của anh dường như vẫn là những con người vùng Midwest đang sống nhầm chỗ, như cách Barack vẫn luôn miêu tả về họ. Ông ngoại Gramps to lớn như một chú gấu và kể những câu chuyện đùa ngớ ngẩn. Bà ngoại Toot là một phụ nữ tóc muối tiêu có dáng vẻ hơi đẫy đà đang nỗ lực trở thành phó chủ tịch một ngân hàng ở địa phương. Bà chuẩn bị cho chúng tôi món bánh mì kẹp rau trộn cá ngừ cho bữa trưa. Buổi tối, bà đãi chúng tôi món bánh Ritz với cá trích làm món khai vị và dọn bữa tối lên những chiếc bàn gấp để mọi người có thể vừa ăn vừa xem tin tức trên ti-vi hay chơi một ván cờ sắp chữ Scrabble hấp dẫn. Họ là một gia đình trung lưu bình dị, không khác mấy so với gia đình tôi.

Điều này khiến cả tôi và Barack cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi khác nhau nhưng vẫn hợp nhau theo một cách thật thú vị. Dường như sự thoải mái và thu hút giữa hai chúng tôi giờ đây đã được lý giải.

Ở Hawaii, sự mãnh liệt và lý trí của anh có vẻ giảm đi, còn bản tính thong dong thoải mái lại nổi lên. Anh đang ở nhà. Và nhà là nơi anh cảm thấy không cần phải chứng tỏ điều gì với bất kỳ ai. Chúng tôi trễ nải trong mọi việc mình làm, nhưng điều đó chẳng hề gì - thậm chí cả với tôi. Một ngày nọ, anh bạn thời trung học Bobby của anh ấy, một người làm nghề đánh cá thương mại, đã dùng thuyền của mình để chở chúng tôi đi lặn bằng ống thở và dạo biển một vòng. Đó là lúc tôi thấy Barack thư giãn nhất kể từ khi hai chúng tôi gặp nhau. Anh nằm ườn dưới bầu trời xanh với một chai bia lạnh và một người bạn cũ, không còn dán mắt vào những tin tức hàng ngày hay những tài liệu ở trường luật, cũng không bận tâm xem phải làm gì với sự bất bình đẳng trong thu nhập. Sự dịu êm nhuộm màu nắng của hòn đảo mở ra không gian cho cả hai chúng tôi, để chúng tôi có thể tận hưởng khoảng thời gian mình chưa từng có trước đó.

Rất nhiều bạn bè của tôi đánh giá những người tình tiềm năng của họ từ ngoài vào trong, tức là chú trọng trước hết vào vẻ ngoài và triển vọng tài chính của người đó. Nếu người mà họ chọn hóa ra không phải là người giỏi giao tiếp hay không cảm thấy thoải mái khi phải bộc lộ điểm yếu, thì họ lại họ có xu hướng nghĩ rằng thời gian hoặc những lời thề hẹn sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng Barack đã thể hiện trọn vẹn con người của anh ấy khi đến với cuộc sống của tôi. Ngay từ cuộc nói chuyện đầu tiên, anh ấy đã cho tôi thấy rằng anh không ngại bộc lộ điểm yếu hay nỗi sợ của bản thân và anh trân trọng sự thành thật. Trong công việc, tôi đã chứng kiến sự khiêm nhường của anh, cũng như sự sẵn lòng hy sinh nhu cầu và mong muốn của bản thân vì một mục đích cao cả hơn.

Tình yêu luôn tràn ngập trong trái tim Michelle và Barack (kỳ 3) - 3

Còn giờ đây khi đang ở Hawaii, tôi có thể nhìn thấy những khía cạnh nho nhỏ khác trong tính cách của anh. Tình bạn bền vững của anh đối với những người bạn thời trung học cho thấy sự trước sau như một của anh trong tình cảm. Trong sự tận tâm anh dành cho người mẹ có ý chí mạnh mẽ của mình, tôi nhìn thấy sự tôn trọng sâu sắc mà anh dành cho phụ nữ và sự độc lập của họ. Không cần phải nói thẳng ra thì tôi cũng biết là anh ấy có thể đón nhận một người bạn đời có tiếng nói và đam mê riêng của mình. Đó là những điều mà bạn không thể cưỡng cầu trong một mối quan hệ, những điều mà ngay cả tình yêu cũng không thể thật sự vun đắp hay thay đổi được. Khi mở cửa thế giới của mình cho tôi bước vào, Barack đang cho tôi thấy mọi điều tôi cần biết về kiểu người bạn đời mà anh ấy sẽ trở thành.

Có một buổi chiều chúng tôi đã mượn một chiếc xe và lái đến khu North Shore của Oahu, nơi hai chúng tôi ngồi trên bờ biển trải dài như một dải ruy băng mềm mại và nhìn người ta lướt ván ngang những con sóng khổng lồ. Chúng tôi ở đó nhiều giờ liền và chỉ tâm sự cùng nhau khi từng con sóng nối tiếp nhau xô vào bờ, khi mặt trời lặn dần xuống đường chân trời và những người đi ngắm biển khác đang dọn đồ quay về. Chúng tôi trò chuyện đến khi bầu trời chuyển sang sắc hồng, rồi sang tím và cuối cùng là tối hẳn, đến khi lũ côn trùng bắt đầu hoành hành và chúng tôi bắt đầu đói. Nếu ban đầu tôi đến Hawaii để trải nghiệm điều gì đó thuộc về quá khứ của Barack, thì giờ đây chúng tôi đang ngồi trên bờ một đại dương khổng lồ, thể nghiệm một phiên bản nào đó của tương lai, cùng nói với nhau về ngôi nhà mà chúng tôi muốn ở vào một ngày nào đó, kiểu cha mẹ mà chúng tôi muốn trở thành.

Trích sách “Chất Michelle”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024