Buổi lễ được tổ chức đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 101 của Nhạc sư, diễn ra trong không khí ấm cúng, trang trọng với sự tham dự của ông Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở ban ngành đoàn thể của Tỉnh, các doanh nghiệp, công ty cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh và 20 môn sinh của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từ nước Mỹ, Pháp, Singapore và Thành phố Hồ Chí Minh về tham dự buổi lễ.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu, các môn sinh và người thân tại Nhà trưng bày
Tâm sự tại Lễ khánh thành, với lối kể chuyện dí dỏm, vui nhộn, Nhạc sư Vĩnh Bảo đã kể lại những kỷ niệm trong cuộc đời ông một cách chi tiết, thú vị đã cuốn hút người nghe. Xen lẫn những câu chuyện kể là những lời tâm sự đầy xúc động của Nhạc sư khi nhắc lại cơ duyên về lại quê hương Đồng Tháp - nơi ông đã sinh ra. Người mà Nhạc sư nhắc đến nhiều nhất đó là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan và các nhà lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp mời ông về với Đồng Tháp. Đáp lại sự trân quý của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Nhạc sư và gia đình đã quyết định tặng toàn bộ tài liệu trên 80 năm cho tỉnh Đồng Tháp và quyết định trở về sống tại quê hương.
Tại buổi lễ, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo kết hợp với các con của ông đã hòa lên những giai điệu du dương sâu lắng, với những tiếng đờn ngân nga trong tiếng vỗ tay yêu mếm, cảm phục của người hâm mộ
Được trở lại sinh sống tại quê hương, Nhạc sư bày tỏ sự vui mừng với sự thay đổi, phát triển vượt bậc của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời khẳng định, để có được sự thay đổi như hôm nay, nhờ có những nhà lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm ở Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà trưng bày tư liệu Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh nhà, bởi vì đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp có một nhà trưng bày nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - bộ môn nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà trưng bày do người con ưu tú của tỉnh hiến tặng toàn bộ hiện vật - đây là những tư liệu hiện vật gốc quý hiếm vô giá của Đồng Tháp nói chung và Bảo tàng Tỉnh nói riêng rất may mắn và diễm phúc mới được có.
Nhà trưng bày tư liệu về Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và Cuộc đời thể hiện qua 5 nội dung chính, gồm 1 khu trung tâm tái hiện không gian nghiên cứu, sáng tác và truyền dạy âm nhạc dân tộc của Nhạc sư và 4 chuyên để gồm: Chuyên đề 1 nói về quê hương và gia đình: Giới thiệu khái quát về thời niên thiếu của Nhạc sư với nhiều cung bậc cảm xúc; Chuyên đề 2 quá trình hoạt động âm nhạc dân tộc: Giới thiệu những năm tháng thăng trầm của nhạc sư bắt đầu khởi nghiệp con đường nghệ thuật từ lúc tuổi còn đôi mươi; Chuyên đề 3 Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong lòng công chúng và giới chuyên môn: Giới thiệu những lời nhận xét, đánh giá của giới chuyên môn trong và ngoài nước đối với Nhạc sư Vĩnh Bảo; và Chuyên đề 4 những thành tích nổi bật của nhạc sư qua hơn 80 năm nghiên cứu, sáng tác và truyền dạy.
Nhà trưng bày Nhạc trưng đã khái quát về thân thế, cuộc đời hoạt động nghệ thuật và những đóng góp lớn lao của nhạc sư đối với nghệ thuật đơn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngoài ra công trình này còn mang lại niềm tự hào không chỉ cho người dân Đồng Tháp mà có còn có sức lan tỏa nghệ thuật đến nhân dân cả nước và bạn bè khắp nới trên cả thế giới.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19.8.2918, tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Ông được mệnh danh là “Đệ nhất đờn tranh”, “Đệ nhất danh cầm” hay “Hậu Tổ nhạc tài tử Nam Bộ”. Nhạc sư là người hiếm hoi ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu, ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhứt vừa là Nhạc sư trình tấu, vừa là Nhạc sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người sáng chế đàn tranh theo kích thước và số dây thêm vô (từ 16 lên tới 21dây).
Nhạc sư sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Campuchia để giảng dạy Nhạc Tài tử Nam Bộ tại tư gia hoặc qua Internet cho học trò thuộc nhiều quốc tịch trên thế giới. Nhạc sư là Nhạc sĩ cổ nhạc Nam Bộ hành nghề lâu nhất đến tuổi trên 100. Nhạc sư cũng là trường hợp duy nhất trong làng cổ nhạc Nam Bộ và cả nước khi vừa là Nhạc sĩ chơi nhạc, vừa là nghệ sĩ trình diễn âm nhạc, vừa có thể giảng dạy cổ nhạc bằng nhiều ngôn ngữ, vừa là Nghệ nhân đóng đàn bậc thầy, vừa là Nhà nghiên cứu âm nhạc uyên thâm, vừa là Nhà thơ làm thơ bằng nhiều ngôn ngữ.
Nhạc sư có thể chơi thành thạo hầu hết các nhạc cụ cổ nhạc miền Nam, trong đó “giỏi nhất” đàn Tranh và sành điệu đàn Kìm, đàn Gáo, đàn Cò và Đàn Bầu. Nhạc sư còn chơi sành nhiều nhạc cụ Tây phương như mandoline, violon, piano.
Nguyễn Toàn