Đêm Giáng sinh năm đó, Ngài cử hành thánh lễ trong khu rừng, trước một hang động. Nơi đặt bàn thờ Chúa là cảnh thật với máng cỏ và đàn bò, cừu, đang vô tư nhai cỏ. Theo thời gian, miền Greccio trở thành một Bethelem thứ hai trong tâm trí những người Thiên Chúa giáo. Và cũng từ đó, khắp Âu châu rồi trên toàn thế giới lan tràn ước vọng sáng tạo khung cảnh đêm thánh vô cùng, ngày Thiên Chúa giáng thế làm người. Tập tục đó vẫn còn tiếp diễn cho tới tận ngày nay.
Bao nhiêu thế kỷ qua, cứ tới mùa Giáng sinh, các tín đồ Ki-tô giáo lại làm máng cỏ để tái hiện cảnh Chúa sinh ra đời. Nhưng tùy theo mỗi dân tộc mà tập tục này không phải luôn giống nhau ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Tại thành phố Naples của Ý vào thế kỷ XVIII, nghệ thuật làm máng cỏ nhờ có vua Charles 3 và triều thần chú trọng nên đã đạt tới đỉnh cao của thời hoàng kim, và trở thành mốt thời thượng trong mọi giới. Nghề làm máng cỏ sau này cũng phát triển khắp châu Âu, và Hội chợ máng cỏ mỗi năm lại được khai mạc một lần vào tháng Chạp tại khu Canebière ở Marseille nước Pháp. Tại đây có bày bán đủ loại các bức tượng thánh, cả những chú bò, lừa bé xíu bằng sứ dùng để trang trí máng cỏ.
Ngày nay, trong các viện bảo tàng ở Naples, Trapani, Munich... đều có trưng bày các máng cỏ lịch sử của mọi thời. Tại miền Nam nước Ý, các ngư phủ ở Amalfi đặt máng cỏ trong một hang động thật đẹp dưới làn nước xanh, trong khi ở vùng Lombadie cạnh hồ Majeur, giữa biên giới Ý - Thụy Sĩ, hằng năm vào đêm 24.12, các thợ lặn lại đặt tượng Chúa trong một máng cỏ làm bằng một chiếc vỏ sò lớn ở độ sâu 23m.
Trích Đêm Giáng sinh kỳ diệu