Hiểu về trái tim - Tình thương chân thật sẽ không đòi hỏi điều kiện

07/05/2020 08:00
Hiểu về trái tim - Tình thương chân thật sẽ không đòi hỏi điều kiện

Gữa mùa đại dịch, tuy ta đưa cánh tay tới để giúp đỡ những người nghèo khổ, nhưng kỳ thực là ta cũng đang nâng đỡ chính mình. Vì vậy cánh tay nâng đỡ ấy phải là cánh tay của từ ái, của tình thương vô điều kiện hoặc rất ít điều kiện.

         

Một lần nọ, tình cờ tôi trông thấy một thiếu nữ loay hoay bên bờ hồ để tìm cách cứu một con cò đang mắc nạn. Có lẽ đêm qua trong lúc cặm cụi săn mồi, con cò đã vô ý vướng đầu vào túi nylon chứa đầy nước, và chắc nó đã vùng vẫy rất nhiều lần mà không thoát được nên trông nó rất mệt mỏi và tuyệt vọng.

Thiếu nữ ấy vì quá sốt ruột nên không thể chờ tôi đang nghĩ cách, cô ta đã nhảy vội xuống hồ làm cho mặt nước xáo động và con cò hoảng vía vỗ cánh bay đi. Nhưng được vài sải cánh nó lại rớt xuống. Cách chỗ con cò đứng khá xa nhưng tôi cảm nhận được sự run rẩy vì sợ hãi của nó. Và thiếu nữ ấy vẫn không chùn bước. Cô hăng hái xắn quần lội tới chỗ con cò, và lần này nó cũng bấn loạn vỗ cánh bay đi mất dạng.

Thiếu nữ ấy đứng khóc ngon lành. Nhưng tôi tin con cò chắc không bay đâu xa, vì nó đang đuối sức. Quả thật nửa giờ sau, tôi và cô ấy đã tìm thấy nó đứng nép sát dưới một lùm cây to. Lần này tôi xin cô hãy để tôi thử sức. Tôi đặt từng bước chân của mình một cách bình thản như tôi vẫn thường bước đi một mình trên những con đường tĩnh lặng.

Tôi không lo lắng hay nôn nóng gì cả, vì tôi tin nếu con cò cảm nhận được “tín hiệu” tình thương và năng lượng bình an của tôi đang hướng tới nó thì nó sẽ cho tôi cứu giúp. Thật kỳ diệu, con cò vẫn đứng yên đó quan sát và đồng ý cho tôi tới gỡ túi nước nặng trĩu trên đầu nó ra. Tôi đã gọi thiếu nữ ấy tới ôm con cò một chút cho thỏa lòng rồi để nó bay về tổ ấm. Nhìn dáng cò bay đi, cô ấy mỉm cười tự nhủ: “Cứu một con cò cũng không phải dễ”.

Trong chúng ta chắc ai cũng đã từng cứu giúp người khác trong cơn nguy khốn, nhưng không phải lần nào ta cũng thành công. Nhiều khi nguyên nhân lớn nhất chính là sự thiếu thấu hiểu và cảm thông nhau. Thế nhưng ta thường nghĩ tại người kia khó chịu và cứng đầu quá, đã gặp khó khăn rồi mà không tỏ vẻ quy phục thì có chết cũng đáng lắm. Nhưng rồi ta cũng không nỡ bỏ mặc họ nên cứ miễn cưỡng giúp đỡ, và rồi kết quả có khi càng tồi tệ hơn.

Đâu phải nhân danh tình thương là ta muốn làm gì thì làm, mà không để ý đến suy nghĩ và cảm nhận của đối phương. Cũng như con cò tuy muốn thoát nạn nhưng chưa chắc nó muốn được giúp đỡ. Nó có sự tự ái và kiêu hãnh của nó. Bản thân nó không cần bất cứ sự xót thương nào nếu không phải vướng vào tai nạn bất khả kháng như lần này. Cho nên, sự giúp đỡ ấy nếu không đáng tin cậy, có thể đó là một thái độ khinh miệt hoặc tấn công, thì nó thà chết còn hơn. Nó cần sự tôn trọng dù nó đang gặp nạn. Vì vậy nếu ta không có “khả năng vào vai” của con cò để hiểu thấu hết khó khăn và tâm trạng của nó thì ta sẽ mãi là kẻ đứng bên lề câu chuyện.

Nhớ hồi nhỏ ta chạy nhảy vô ý vấp phải ngạch cửa nên té nhào và khóc ré lên. Bà của ta liền chạy tới dỗ dành, bênh vực và còn la rầy cái ngạch cửa hư hỏng sao dám làm cháu bà té đau như vậy. Khi ta hết đau buồn, bà sẽ khuyên ta hãy đi đứng cho cẩn thận chứ không hề trách giận hay đánh đập gì cả.

Sở dĩ bà có thể thấu hiểu được tâm trạng của cháu bà lúc đó là vì bà đã từng là bé thơ và lại có rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc bé thơ. Bà dễ dàng buông bỏ cái vai người bà đầy thẩm quyền để đặt mình vào tâm trạng đang đau đớn và sợ hãi của cháu. Đó là tài năng của một người làm công tác cứu hộ. Điều này ta phải học tập và trải nghiệm rất nhiều, chứ không thể tưởng tượng mà làm được.

Cũng như một diễn viên dù có năng khiếu nhưng phải được đào tạo qua trường lớp thì họ mới có thể hóa thân vào nhiều vai diễn được. Đối với những vai lạ và phức tạp, họ còn phải tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm của người diễn trước và cả trong thực tế đời sống mới có thể thấu hiểu và lột tả hết tâm trạng nhân vật.

Vì vậy muốn vào vai, dù ít nhất là một vai, để có thể thấu hiểu hết nỗi khổ niềm đau của người thương mà biết cách cứu giúp, ta phải nhìn kỹ lại thiện chí và khả năng của mình. Dù thiện chí muốn cứu giúp của ta rất mạnh mẽ, nhưng nếu ta vẫn tỏ vẻ “bề trên” của một kẻ đang rất vững vàng và không lầm lỗi thì chứng tỏ ta chưa thoát được vai của mình.

Muốn phát triển khả năng vào vai thì một là ta đã từng trải qua chính khó khăn ấy, hai là ta phải biết quan sát và học hỏi kinh nghiệm ở người khác, và ba là ta có khả năng buông bỏ bớt cái tôi tự mãn của mình để sẵn sàng làm người bạn thân luôn tôn trọng và lắng nghe. Dù ta có đủ kiến thức hay kinh nghiệm để biết được tình trạng của họ, nhưng nếu tâm ta còn âm ỉ năng lượng giận hờn hay muốn trừng phạt thì hiệu quả cũng không thể xảy ra, nhất là khi thiếu sự chấp nhận hợp tác của đối phương. Nói chung, phải có thương yêu lẫn hiểu biết thì mới cứu giúp được.

Trong tình thương không có chỗ cho sự tự ái. Dù người kia có đối xử với ta như thế nào thì ta cũng vẫn cứu giúp, nếu ta thật sự có tình thương với họ. Tại sao ta muốn người kia phải làm cái gì đó cho ta thì ta mới chịu cứu giúp, trong khi ta đã thấy rõ tình trạng khốn khó của họ và con tim ta đã rung động chân thành? Họ đang đuối sức và cần ta, chứ họ không thể phục vụ gì thêm cho ta nữa.

Ta hãy giữ vững niềm rung cảm chân thành ban đầu ấy, đừng để ý niệm ích kỷ chen vào, đừng để những lời bàn tán vô trách nhiệm làm khuynh đảo. Nếu thấy mình vẫn còn đủ năng lực, hãy chia sớt cho họ một phần. Phần nhận được không chỉ làm cho họ được hồi sinh, mà còn giúp cho cái tâm từ ái trong ta được thoát thai.

>> Nghe audio Hiểu về trái tim

Theo Hiểu về trái tim


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025