Tình thương là hiến tặng
Có bao giờ ta tự hỏi vì sao ta lại thương người ấy? Vì họ dễ thương ư? Ồ, như vậy là ta chỉ đến để hưởng cái dễ thương ấy chứ ta đâu có thương. Cái đó ai làm cũng được, người nào cũng có thể thương một người dễ thương mà. Người dễ thương tức là người rất ngọt ngào, rất nhẹ nhàng, và đặc biệt lúc nào cũng quý mến hay nhún nhường trước ta. Nếu họ dễ thương với người khác mà không dễ thương với ta thì chưa chắc ta thấy họ dễ thương và ta thương.
Trong những mối quan hệ ruột rà cũng vậy, có phải vì “trách nhiệm phải thương” bởi họ có dính líu với cuộc đời ta, hay ta thật sự thương họ vì họ cần đến tình thương của ta? Không ít người cảm thấy mình chịu tổn thất quyền lợi quá nhiều cho người thân nên họ đã “đóng cửa trái tim”, không thể thương nữa. Thân chỉ trở thành thương khi cái thân ấy ít nhiều còn có thể mang tới cho ta quyền lợi, dù chỉ là thái độ nể trọng hay được tiếng là người tốt.
Ai thương ta thì ta mới thương lại. Nghe có vẻ đổi chác sòng phẳng quá, nhưng đó là sự thật. Đúng là rất khó có thể thương một người mà họ không hề thương ta, thậm chí còn thù ghét ta hay làm khổ ta nữa. Thà họ thương ta ít hơn thì cũng còn chấp nhận được. Trừ phi đó là tấm lòng của cha mẹ hay các bậc tu hành đạt tới từ bi thì mới có thể thương yêu mà không đòi hỏi điều kiện. Ta như thế nào họ cũng thương.
Nhưng ta đã từng chứng kiến có nhiều bậc cha mẹ cam tâm dứt bỏ con mình chỉ vì nó bị tật nguyền, hư hỏng; hoặc có những vị nổi tiếng làm công tác từ thiện nhưng lại dễ dàng làm ngơ trước đứa trẻ bụi đời chìa tay xin ở nơi không ai hay biết. Cho nên thương yêu tuy là thiên tính của con người, song ta phải luyện tập rất nhiều để chuyển hóa sự ích kỷ hẹp hòi thì tình thương mới chân thật được.
Tình thương chân thật trước tiên phải là thái độ muốn hiến tặng. Ta đừng nhầm lẫn với thái độ lăng xăng cố làm vừa lòng người ấy bằng đủ cách mà thực chất chỉ vì muốn “lấy thêm điểm”. Sự hiến tặng chân thật phải xuất phát từ tấm lòng muốn cho bên kia được an vui và hạnh phúc hơn.
Vì vậy mỗi vật phẩm ta đem tới phải hoàn toàn vì quyền lợi của họ chứ không được “ké” quyền lợi của ta vào, dù chỉ cần họ thấy được tấm lòng của ta. Mà muốn người kia thấy được tấm lòng của ta đối với họ cũng không ngoài mục đích khiến họ thương thêm hoặc đánh giá cao về ta đó thôi. Dù biết rằng trái tim ta chưa quảng đại để có thể thương người kia mà không cần được thương lại, nhưng cũng đừng vì thế mà ta cứ phải kèm theo điều kiện trong mỗi lần hiến tặng. Vì đó không còn là tình thương nữa.
Mà suy cho cùng thương người khác đã là một sự hưởng thụ rồi. Chẳng phải trên đời này có biết bao người muốn thương nhưng không có người để thương đó sao. Người thì thiếu gì, nhưng người để thương ắt phải dính dấp gì đó đến ta, chứ đâu thể tự nhiên muốn thương ai là thương được đâu. Nói đúng hơn, đối tượng ấy phải từng có cảm tình hay ân nghĩa với ta, hoặc ít ra họ phải chấp nhận và thấy vui sướng khi biết ta thương họ thì ta mới thương được.
Cho nên có người để thương là hạnh phúc lắm rồi, đâu cần đòi hỏi họ phải làm gì thêm cho ta nữa. Coi chừng ngày nào đó mọi người bỏ ta chạy hết, ta chẳng còn ai để thương thì khốn khổ. Sống mà không thể thương yêu thì đó là một tai nạn. Vậy nên ta hãy thương sao để đối tượng thật sự được thừa hưởng, mà ta vẫn không trở thành kẻ khổ lụy vì thương. Và dù thế nào, ta cũng cố gắng đừng làm lu mờ nghĩa đẹp của tình thương.
Tình thương là chia sớt
Nếu như hiến tặng là đem tới niềm vui thì chia sớt là lấy đi nỗi khổ. Ai cũng có lúc gặp khó khăn hay vướng vào nỗi khổ, nhưng họ sẽ không cảm thấy buồn tủi mà còn có thêm nghị lực để vượt qua nếu có người thương luôn ở bên cạnh chia sớt. Dù ta không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng lầy khổ đau, nhưng ít ra sự có mặt kịp thời của ta cũng đủ làm cho niềm đau kia vơi đi nhiều rồi.
Bởi họ cảm nhận được lòng chân thành của ta. Họ biết ta thật sự thương cuộc đời của họ, muốn gánh vác phần nào trách nhiệm cho cuộc đời họ và muốn đồng hành với họ đi về tương lai. Một nỗi đau khi được chứa đựng bởi hai trái tim thì nó không đủ sức làm thành nỗi đau nữa. Đó là lý do mà ta luôn cần có nhau trong cuộc đời này.
Thử nghĩ, sống với một người lúc nào cũng nói thương ta, nhưng khi ta gặp khó khăn thì họ tỏ ra chẳng hề hay biết. Đến nỗi ta đã trực tiếp báo cho họ biết và chỉ xin họ ngồi xuống lắng nghe để thấu hiểu thôi, mà họ cũng có đủ thứ lý do để thoái thác. Họ nghĩ họ đã quá cực khổ để đem tiền bạc và danh dự về cho ta rồi, nên họ không còn đủ sức để nhận thêm những phiền toái nữa. Ta hãy tự giải quyết lấy.
Đáng lẽ khó khăn kia chỉ là khó khăn thôi, nhưng chính thái độ hờ hững vô tâm của họ đã khiến cho khó khăn ấy biến thành nỗi khổ. Ta biết chứ. Ta biết họ đang rất bận rộn và không có nhiều năng lượng để giúp ta giải quyết vấn đề, nhưng ta chỉ cần thái độ biết chia sẻ của họ thôi. Dù chỉ là một lời hỏi han cũng đủ làm ta cảm thấy ấm áp. Bởi thái độ ấy báo cho ta biết đó là người đang cùng chịu nỗi đau với ta.
Có hiểu mới có thương, không hiểu mà thương thì tình thương ấy sẽ rất hời hợt. Mà muốn hiểu nhau thì cần phải lắng nghe nhau, phải biết bên kia muốn gì hay không muốn gì để ta ứng xử cho hợp lý. Dù có những yêu cầu không thật sự chính đáng, nhưng ta cũng cần biết để hiểu họ đang vướng kẹt vào tâm lý nào mà kịp thời tháo gỡ. Nếu ta cứ nhân danh tình thương rồi làm theo kiểu của mình thì rốt cuộc không giúp được lại còn làm cho nỗi khổ lớn thêm.
Dĩ nhiên thiện chí là cần thiết. Bởi ta phải kiên nhẫn mới lắng nghe nổi, đôi khi phải năn nỉ người kia nói ra hết những “niềm đau chôn giấu”, phải đón nhận những năng lượng nặng nề từ những lời kể lể, khóc than hay đầy sân hận của họ mà không cảm thấy bị tổn thương. Nên thiện chí phải là thái độ biết nghĩ cho người kia hơn là nghĩ cho mình (thương), mà cũng phải biết cách nghĩ sao cho đúng đắn (hiểu) thì mới giúp được.
Vậy nếu đã thật sự thương nhau thì ta phải luôn biết và hiểu được những gì đang xảy ra cho nhau mà không cần phải đợi loan báo. Lòng phải hiểu được lòng mới là tình thương chân thật. Chỉ cần thỉnh thoảng ta quan tâm tình trạng sức khỏe của họ, sẵn sàng xắn tay áo phụ họ rửa dọn bếp núc, giúp họ sửa lại cái thắng xe, không nỡ nhờ vả khi thấy họ đang bận bịu, ngồi yên bên cạnh khi họ hoang mang,… cũng đủ làm người kia cảm nhận được sự chân thành của ta rồi.
Nhưng để có đủ năng lực làm tất cả những điều đó, thì ta phải ý thức rằng, chia sớt và hiến tặng là hai chất liệu không thể thiếu trong bất cứ tình thương nào, không có nó thì không có gì để gọi là tình thương cả. Bởi hạnh phúc của người ta thương cũng chính là hạnh phúc của ta. Nếu ta không giúp người thương của ta thì ai sẽ giúp bây giờ?
Tình thương yêu rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cùng sớt chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.
Trích sách Hiểu về trái tim