Hãy chọn một cách sống - Từ ‘Đôi tay cầu nguyện’ đến chuyện không ai có thể tự mình làm mọi thứ

FN25/01/2021 08:30
Hãy chọn một cách sống - Từ ‘Đôi tay cầu nguyện’ đến chuyện không ai có thể tự mình làm mọi thứ

Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ! Không ai có thể tự mình làm tất cả.

Trong các bài phát biểu của mình, tôi thường kể lại một phần câu chuyện đầy xúc động về Albert và Albrecht Durer mà người bạn quá cố đồng thời là cố vấn viên cũ của tôi, Louis Binstock, vị giáo sĩ tôn kính của Giáo đường Do Thái cách tân Shalom ở Chicago, đã chia sẻ với tôi cách đây nhiều năm.

haychonmotcachsong-03.jpg

Thực hiện ước mơ bằng cách tung đồng xu

Vào thế kỷ mười lăm, ở một ngôi làng nhỏ bé gần Nuremberg, có một gia đình với 18 đứa con. Mười tám đứa! Nói đơn giản, chỉ để kiếm đủ thực phẩm cho đàn con này, thì người cha, vốn là một thợ kim hoàn lành nghề, phải lao động gần 18 giờ một ngày, với công việc chính của mình cũng như bất kỳ công việc nào khác mà ông có thể tìm thấy trong khu vực lân cận.

Tuy vậy, mặc cho hoàn cảnh vô vọng, hai người con lớn nhà Durer vẫn nuôi ước mơ theo đuổi nghệ thuật. Thế nhưng họ biết rất rõ rằng cha của họ sẽ không bao giờ có khả năng tài chính để gửi một trong hai người đến học viện ở Nuremberg.

Sau nhiều cuộc thảo luận thâu đêm trên chiếc giường chật chội, hai chàng trai cuối cùng đã thỏa thuận với nhau. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua cuộc sẽ đi đến các hầm mỏ gần đó làm việc kiếm tiền để nuôi người còn lại đi học. Sau bốn năm, người học xong sẽ phải bán các tác phẩm nghệ thuật, hoặc thậm chí phải làm việc trong hầm mỏ nếu cần, để nuôi trở lại người kia.

Họ tung đồng xu vào một sáng Chủ nhật sau khi đi lễ nhà thờ. Albrecht Durer giành chiến thắng và đi đến Nuremberg để học. Albert phải làm việc ở các hầm mỏ nguy hiểm để trang trải cho khoản tiền học cấp thiết của anh trai trong bốn năm. Các tác phẩm khắc a-xít, khắc gỗ và sơn dầu của Albrecht thậm chí còn xuất sắc hơn hầu hết các giáo sư của anh, và tính đến lúc tốt nghiệp thì anh đã kiếm được khoản thù lao đáng kể từ các tác phẩm của mình.

Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một buổi tiệc lớn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng giúp anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật. “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh”, Albrecht trìu mến nói, “đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực rồi. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.

Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, lắc đầu từ bên này sang bên kia trong khi anh ta khóc nức nở và lặp đi lặp lại: “Không… không… không…”.

Cuối cùng, Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người mà anh yêu thương, rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói: “Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm ở hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể nâng ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…”.

clip_4.jpg
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Albrecht Durer:"Đôi tay cầu nguyện".

Bạn chỉ quen thuộc với một bức tranh duy nhất

Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm, cho tới bây giờ, hàng trăm bức chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng... của Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới, nhưng có một tỷ lệ người rất lớn, ở đó bạn, giống như hầu hết mọi người, chỉ quen thuộc với một bức tranh duy nhất của Albrecht Durer. Không chỉ quen thuộc với nó, mà rất có thể bạn còn có một bản sao treo ở trong nhà hay văn phòng của bạn.

Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đổi tên cho món quà tình yêu ấy là “The Praying Hands” – Đôi tay cầu nguyện.

Nếu có dịp được nhìn thấy bản sao của tác phẩm đầy xúc cảm này, bạn hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người.

Lần tiếp theo bạn nhìn thấy một bản sao của bức tranh đó, hãy nhìn thêm lần nữa. Hãy để đó là lời nhắc nhở cho bạn, nếu bạn vẫn cần nó, rằng không ai có thể tự mình làm mọi thứ!

Tất nhiên, bạn không phải cố gắng làm một mình. Cho dù đức tin của bạn là tuyệt vời hay gần như không tồn tại, bạn vẫn có đôi bàn tay cầu nguyện của riêng mình. Tất cả những gì bạn cần làm, bất cứ khi nào mọi thứ trở nên khó khăn, chỉ cần chạm hai lòng bàn tay vào nhau, mở rộng ngón tay, ngước mắt lên và nói: “Tôi cần sự giúp đỡ”. Tôi đã làm điều này ít nhất một ngàn lần trong đời tôi. Vậy kết quả như thế nào? Bạn có thể ngạc nhiên khi bạn phát hiện ra sự giúp đỡ gần gũi như thế nào nếu bạn yêu cầu nó.

Theo Hãy chọn một cách sống - First News


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024