Hạnh phúc là một loại năng lực, là biết mình muốn gì, là có thể vì hạnh phúc mà dũng cảm đưa ra lựa chọn, và nó lại càng là một trí tuệ cuộc sống.
Gần đây, trong một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài có tên "Tỷ tỷ đạp giáo rẽ sóng" mùa 2, có một phân cảnh khiến người xem vô cùng cảm động.
Trong tập hôm đó, khách mời Hồ Tĩnh đang chuẩn bị đi ăn lẩu với mọi người trong đoàn, bỗng cô thấy trong phòng mình và một nữ khách mời khác có một bó hoa hồng đỏ, cô tưởng đó là hoa của bạn cùng phòng, hoặc là hoa các khách mời khác được nhận, nhưng hỏi mấy người đều không phải.
Hồ Tĩnh ngồi xuống ăn lẩu cùng mọi người trong trạng thái khá mơ hồ. Lúc này, con trai gọi video call tới hỏi cô đã nhận được hoa mà ba tặng chưa. Hồ Tĩnh rất bất ngờ, thì ra, bó hoa đó là chồng cô tặng.
Chồng cô bắt máy, ân cần hỏi Hồ Tĩnh có phải lúc quay chương trình đã khóc, có chuyện gì buồn hay không. Bình thường chồng cô vì làm kinh doanh nên khá bận rộn, không có nhiều thời gian ở bên cô và con. Lần này, Hồ Tĩnh vì đi quay mà hai vợ chồng cũng đã rất lâu chưa gặp nhau. Chồng bỗng dưng tặng hoa, rồi còn ân cần hỏi thăm, điều này khiến Hồ Tĩnh rất vui và cảm động.
Edward Young, nhà thơ nổi tiếng người Anh từng nói: "Hạnh phúc đích thực ẩn chứa trong những điều không nhìn thấy."
Trong cuộc sống, những điều có thể đoán trước thường sẽ mang lại cho chúng ta ít hạnh phúc hơn.
Trong khi những điều ngoài sự mong đợi, ngược lại, có thể mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc mãnh liệt.
01
Khát khao càng nhiều, càng không hạnh phúc
Trong cuộc sống, có phải bạn cũng từng có những cảm nhận như này? Trong hôn nhân, vừa muốn đối phương ở bên cạnh, lại vừa muốn họ góp sức nuôi gia đình? Trong công việc, vừa muốn ổn định sáng 9h làm chiều 5h tan, lại vừa muốn thăng chức tăng lương. Trong cuộc sống, vừa không muốn kém người khác, vừa không muốn khổ hơn họ.
Cứ như vậy, bạn đắm chìm trong trạng thái "cuộc sống sao không đúng như ý tôi", tự trách mình, chán rồi quay ra trách móc cuộc sống. Trông thấy cuộc sống mỹ mãn của người khác, lại càng thấy mình không đủ hạnh phúc.
Trên mạng có một câu hỏi như này: "Vì sao rất nhiều người lại không cảm thấy hạnh phúc?"
Có một câu trả lời nhận được nhiều lượt like nhất đó là: "Bởi lẽ chúng ta ai cũng có khát khao, có mong muốn, mà có khát khao là đồng nghĩa với việc không hài lòng, khi đã không hài lòng, bạn sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc."
Thực ra, sở dĩ chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, chưa chắc đã là chúng ta không hạnh phúc thật, mà là bởi vì, những kì vọng của chúng ta luôn vượt ra ngoài thực tế mà chúng ta đang sống.
Nhà kinh tế học người Mỹ, Paul Anthony Samuelson từng đưa ra một công thức hạnh phúc, theo đó, Hạnh phúc = thỏa dụng / ham muốn.
Công thức này nói với chúng ta rằng, hạnh phúc thực sự là một sự so sánh giữa trạng thái cuộc sống thực và những kỳ vọng tâm lý của chúng ta.
Khi thỏa dụng (thỏa mãn và hài lòng) không đổi, tức là khi phần thưởng cuộc sống ban tặng cho chúng ta không đổi, nếu ham muốn của bạn càng lớn, bạn sẽ càng dễ cảm thấy đau khổ, chán nản với cuộc sống hơn. Ngược lại, nếu ham muốn của bạn càng nhỏ thì bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn.
Lấy một ví dụ đơn giản: Vào ngày sinh nhật của mình, bạn mong ba mẹ "mừng tuổi" bạn 1 triệu, nhưng họ lại chỉ cho bạn 500k, vậy thì cảm giác hạnh phúc của bạn là 0.5. Nhưng nếu bạn chỉ mong ba mẹ mừng tuổi bạn 500, vậy thì cảm giác hạnh phúc của bạn sẽ là 1. Vì vậy, hạnh phúc không phải tuyệt đối, nó là tương đối.
Những năm trước, Chua Lam, một nhà báo người Hồng Kông gốc Singapore muốn làm một bộ phim điện ảnh nghệ thuật mà mình thích, nhưng công ty lại chỉ muốn làm phim thương mại để kiếm tiền, điều này khiến Chua Lam cảm thấy rất thất vọng.
Một ngày nọ, khi đang câu cá ở Tây Ban Nha, ông gặp một ông lão, nhưng chỗ mà ông lão đợi để câu cá lại là nơi có rất ít cá. Chua Lam có ý tốt mời ông lão sang cạnh mình để câu cá to hơn, nhưng ông lão lại đáp lại rằng, ông chỉ muốn câu cá cho bữa sáng mà thôi.
Câu nói này khiến Chua Lam bừng tỉnh. Nếu con cá mình muốn câu chỉ là con cá nhỏ, vậy thì sẽ chẳng phải vì câu không được cá lớn mà thất vọng hay buồn tủi.
Một người, có hạnh phúc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chủ kiến cá nhân của họ.
Một người bị ham muốn chi phối, khi khát khao đó không được thỏa mãn, kết cục sẽ chỉ có hai chữ "chán nản".
02
Hạnh phúc hay không, còn tùy thuộc vào việc bạn muốn những gì
Có người nói: "Lý giải của mọi người về hạnh phúc là không giống nhau. Đối với một người đang cực kì khát nước, hạnh phúc chính là được uống nước; đối với một người đang rất nóng, hạnh phúc chỉ đơn giản là một luồng gió mát."
Thứ mà mỗi người chúng ta muốn là không giống nhau, cảm nhận về hạnh phúc cũng không giống nhau.
Minh tinh nổi tiếng của Nhật Bản, Yamaguchi Momoe lựa chọn lui về ở ẩn khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, người khác ai cũng tỏ ra tiếc nuối, còn cô, lại vô cùng kiên định với lựa chọn của mình.
Bởi lẽ đối với một người từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm gia đình như cô, chỉ có một gai đình ấm áp, mới là thứ duy nhất đem lại cho cô hạnh phúc.
Vì vậy, cô ấy lựa chọn rời khỏi giới giải trí vì tình yêu.
Sau khi rút lui, Yamaguchi Momoe kết hôn, sinh con, được chồng con yêu thương hết mực, cô có được hạnh phúc thuộc về riêng mình.
Ai cũng nói thế giới của người trưởng thành không tồn tại hai chữ dễ dàng, nhưng hạnh phúc đích thực lại không liên quan tới việc có bao nhiêu tiền, mà là phán đoán giá trị của một người.
Trên mạng có một video, trong video là hai shipper, một nam một nữ, hai người dựa vào nhau trên bãi cỏ ven đường, cùng nhau phơi nắng, khóe miệng nhoẻn lên hai nụ cười hạnh phúc.
Đoạn video khiến người xem vô cùng cảm động.
Đối với anh shipper mà nói, cuộc sống tuy không giàu có, thậm chí có những lúc mệt mỏi tới cùng cực, nhưng khoảng thời gian nghỉ ngơi được ở cạnh người mình yêu lại là điều vô cùng hạnh phúc.
Một nhà văn từng nói: "Chúng ai ai cũng từng khát khao được thế giới công nhận, nhưng tới cuối cùng mới biết, thế giới chính là bản thân, không liên quan tới người khác."
Hạnh phúc là do mình lựa chọn, và nó chẳng hề liên quan tới người khác.
Bạn muốn có niềm vui, sự tự do hay tiền bạc, danh lợi? Bạn quan trọng hạnh phúc tới từ gia đình hay hạnh phúc có được thông qua sự nghiệp thành công hơn?
Khi bạn đắm mình vào thứ mà mình thích, cảm giác đó, chính là hạnh phúc.
Hạnh phúc là một loại năng lực, là biết mình muốn gì, là có thể vì hạnh phúc mà dũng cảm đưa ra lựa chọn, và nó lại càng là một trí tuệ cuộc sống.
03
Henry David Thoreau từng nói: "Bất cứ ai cũng đều là nghệ nhân hạnh phúc của chính mình."
Hạnh phúc, là do mỗi chúng ta sáng tạo ra.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm gia tăng cảm giác hạnh phúc của bản thân thông qua điều chỉnh thái độ và thói quen của mình.
"3 phút tâm lý học"
1. Kiểm soát ham muốn
Một cô gái tên Qiao Sang ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc đã bất ngờ trở nên nổi tiếng khắp đất nước tỷ dân.
Lý do nổi tiếng đó là bởi cuộc sống cực giản với "chủ nghĩa không tiêu sài" của cô, những video mà cô quay lại thu hút được rất nhiều lượt xem.
Qiao Sang cũng từng là một người tiêu sài hoang phí, mua sắm rất mạnh tay.
Thấy người khác học lặn, không cần biết điều kiện kinh tế của mình ra sao, cô không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu để đi học.
Vì để thỏa mãn sở thích mua sắm tiêu tiền của mình, Qiao Sang bắt buộc phải liều mạng làm việc.
Cuộc sống như vậy khiến Qiao Sang luôn phải sống trong trạng thái vội vã, mệt mỏi, vừa bị ham muốn kiểm soát, vừa không tận hưởng được cuộc sống.
Qiao Sang chẳng phải rất giống với phần lớn chúng ta:
Vì cuộc sống vật chất tốt hơn, liều mạng làm việc, rồi lại nghênh đón một cuộc sống chán nản, mệt mỏi.
Lúc nào cũng muốn được người khác ngưỡng mộ, đến cuối cùng phát hiện ra, chỉ tự mình đang tạo ra áp lực cho mình.
Thực ra, quá nhiều ham muốn, khát khao của chúng ta phần lớn đều là do sự phù phiếm, sĩ diện hão đang tác oai tác quái.
Khi Qiao Sang quyết định thay đổi lối sống, cảm giác hạnh phúc cũng theo đó mà tìm tới.
Cô không còn bị ham muốn chi phối, cô dành nhiều thời gian để hưởng thụ cuộc sống hơn, cũng cảm nhận được sự nhẹ nhõm và vui vẻ mà trước giờ cô chưa từng cảm nhận được.
John Milton từng nói, tôi đã học được một cách tìm kiếm cho mình niềm hạnh phúc: "Hạn chế ham muốn của bản thân, thay vì nghĩ cách để thỏa mãn chúng."
Khát khao, mong mỏi là động lực thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, nhưng nếu dục vọng quá lớn, thứ chúng ta có lại được chỉ là hai chữ "mệt mỏi".
Ham muốn có kiểm soát mới là nguồn gốc động lực của cuộc sống; không để dục vọng chi phối, cuộc sống mới thoải mái và tự tại.
2. Không so sánh
Trong một chương trình truyền hình thực tế nọ, N., một người tham gia chương trình không ngừng nhắc đến chồng mình, hầu như câu chuyện nào của cô cũng có bóng dáng của người chồng ở trong đó.
Đối với người ngoài, chồng N. là một người không có nhan sắc, cũng chẳng có tiền, nhưng vì sao anh ấy có thể chiếm trọn trái tim của N. như vậy?
Còn nhớ một lần, MC hỏi N., những lời hứa trước khi kết hôn, chồng N đã làm hết cho cô chưa!
N. gật đầu nói:
"Anh ấy đã thực hiện được rất nhiều lời hứa. Chẳng hạn như việc lúc kết hôn, anh ấy nói với tôi rằng anh ấy sẽ không giàu có nổi, giờ anh ấy làm được rồi này."
Mặc dù chồng N. không giàu có cũng chẳng đẹp trai, nhưng N. chọn anh vì đó là một người thật thà, hiền lành, biết quan tâm người khác, và quan trọng là anh ấy đem lại cho N. cảm giác ấm áp và an toàn.
Cũng giống như có người nói: "Trong hôn nhân, tiêu chuẩn hạnh phúc thực ra rất đơn giản, lý do lựa chọn cũng rất giản đơn, chỉ cần bạn thấy mình đã gả cho đúng người, đó chính là hạnh phúc."
Hạnh phúc trong hôn nhân là do mình lựa chọn và định nghĩa, cuộc sống cũng như vậy.
Ai cũng có quyền theo đuổi hạnh phúc mà mình mong muốn.
Không cần so sánh với người khác, cũng không cần ai phải ủng hộ hay đồng ý. Biết cái gì hợp với mình, cái gì mình có thể với tới.
Sống cho mỗi ngày ở hiện tại, cảm nhận hạnh phúc của bản thân, cuộc sống như vậy mới nhẹ nhõm, thoải mái.
3. Nắm bắt hạnh phúc trước mắt
Trên mạng có một chủ đề được bàn luận khá sôi nổi đó là: "Sau khi trưởng thành, hạnh phúc lớn nhất là gì?"
Có người nói: "Hạnh phúc rất đơn giản, chồng dạy con học bài, tôi đi ngủ."
Có người nói: "Cả nhà quây quần bên nhau, luôn vui vẻ khỏe mạnh, đó chính là hạnh phúc lớn nhất."
Cũng có người nói:
"Có lẽ là khoảnh khắc làn gió mát đầu tiên ập tới sau khi bước ra từ phòng tập thể dục…"
Thực ra, thứ khiến con người ta cảm thấy hạnh phúc, lại thường là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt.
Cùng với người mình yêu thương sống một cuộc sống ổn định, đủ sống, chính là hạnh phúc.
Romain Rowland từng nói: "Người không có gì chính là người hạnh phúc nhất, bởi lẽ họ rồi sẽ có được tất cả."
Hạnh phúc đích thực không phải là sự thỏa mãn về ham muốn vật chất, mà là sự vui vẻ và bình an trong tâm hồn.
Luôn giữ cho mình một tâm thái biết thỏa mãn, là cách tốt nhất để có được hạnh phúc.
04
Có người từng nói: "Người không thừa nhận mình hạnh phúc, sẽ không thể hạnh phúc."
Rất nhiều khi, không phải cuộc sống của chúng ta bất hạnh, mà là bởi chúng ta tự gắn thêm cho cuộc sống quá nhiều thứ.
Học cách quản lý khát khao, tìm ra tiết tấu cuộc sống phù hợp với bản thân, học cách tận hưởng cuộc sống mà mình đang có, có vậy bạn mới thực sự làm chủ được cuộc đời.
Trải qua một năm 2020 khắc nghiệt, định nghĩa của nhiều người về hạnh phúc cũng đã có thêm những nhận thức mới.
Lúc trước luôn cho rằng có được công danh, địa vị, được người khác ngưỡng mộ, đó mới là ý nghĩa của hạnh phúc.
Bây giờ cảm thấy, khỏe mạnh, bình an, có người thân bên cạnh, mới là thứ hạnh phúc quý giá nhất.
Sắp đi được ¼ quãng đường của năm 2021, chúc bạn:
Luôn ước mơ, nhưng đừng quá vội vàng.
Có tiền bạc, nhưng không bị ham muốn kiểm soát.
Có người yêu thương, nhưng đừng mong mỏi quá nhiều.
Cuộc sống luôn luôn là, càng đơn giản, càng hạnh phúc.
Hạnh phúc cũng không phải là ngày một ngày hai mà có được, nó cần chúng ta phải tích lũy từng chút một mỗi ngày.
Giữa thế giới phức tạp này, giữ cho mình một cái tâm an định, buông bỏ sĩ diện, thả lỏng bản thân, bạn mới chạm được tay tới với những hạnh phúc đơn thuần, chất phác, ổn định và lâu dài nhất.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị