Ngày 30.10, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã công bố công nhận thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo đó, Hà Nội là một trong 66 thành phố sáng tạo mới cùng được ghi danh đợt này như Bangkok, Ambon, Cebu, Jinju, Mumbai, Nam Kinh…
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Hà Nội nộp hồ sơ ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó, xác định nhiệm vụ là trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm phát triển bền vững, với tầm nhìn đưa Hà Nội thành thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở ban ngành liên quan.
Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo, nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo.
Ngoài ra, Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…
Những dấu ấn đầu tiên của thiết kế tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO công nhận, các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo trong thiết kế của nhiều thế hệ như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng với nhiều công trình mới hiện đại đương thời.
Ngay sau kết quả công bố, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã bày tỏ: “Những thành phố trên khắp thế giới này đều mang theo cách riêng không chỉ biến văn hóa là phụ kiện mà chính là trụ cột trong chiến lược. Đó là sự đảm bảo cho đổi mới chính trị xã hội và là dấu hiệu mạnh mẽ đối với các thế hệ trẻ".
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Với 66 thành phố được công nhận đợt này, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã có tổng cộng 246 thành phố, phủ khắp tất cả các châu lục và khu vực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Đan Thùy