01. Quản lý miệng của mình
Có câu: "Sự khôn ngoan đến từ việc lắng nghe, và sự hối hận đến từ những lời nói; người không có tài hùng biện và không biết giữ im lặng sẽ gặp bất hạnh."
Lời nói ra rất dễ dàng, chỉ cần vài lần uốn lưỡi, khép mở môi là có thể nói được. Nhưng lời nói ra cũng có tốt, có xấu. Có những điều không nói không được, càng có những điều nói ra ắt gây tai họa cho bản thân.
Vì thế, dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời thì cũng phải học cách quản lý tốt cái miệng của mình, tức là quản lý được từng câu, từng chữ nói ra. Đây chính là những viên gạch lót nên con đường dưới chân. Những ai khéo miệng có thể làm ít công to, được lợi trăm bề. Còn người nói năng bộc tuệch, thô lỗ, không cân nhắc kỹ lưỡng thì sẽ trải qua nhiều gập ghềnh, gian khó hơn, có bao nhiêu phúc đức cũng mất dần.
Dương Tu là một trong những nhân tài dưới trướng Tào Tháo, nhưng lại có thói ăn nói thẳng thừng, tự cao tự đại. Người này hay tự cho là thông minh, thích đoán ý người khác, nhưng mắc phải một sai lầm quan trọng là: Không biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói.
Lần đầu, Tào Tháo đi thăm vườn cảnh, sau đó viết lên cổng chữ "Hoạt", Dương Tu đã lập tức sai người sửa cổng cho nhỏ đi. Khi được hỏi, Dương Tu giải thích rằng, chữ "hoạt" mà Tào Tháo viết nằm trong chữ "môn" thì thành ra chữ "khoát", có thể hiểu ra là "rộng quá".
Lần hai, Tào Tháo ghi lại ba chữ "Nhất hợp tô" (Một hộp bơ) để trên bàn, Dương Tu vừa trông thấy thì nói với mọi người rằng, “Nhất hợp tô” là “Nhất nhân nhất khẩu tô” (Mỗi người một miếng bơ), nên ra lệnh chia mỗi người một miếng.
Lần thứ ba, trong một trận chinh phạt, Tào Tháo ra khẩu lệnh "gân gà" khiến người người khó hiểu. Nhưng Dương Tu vừa nghe lại lập tức bảo mọi người thu dọn hành trang, chuẩn bị rút quân vì "gân gà" có nghĩa là ăn thì không ngon, bỏ thì thấy phí.
Cả ba lần, sự việc đều đến tai Tào Tháo. Thời gian đầu, Tào Tháo còn nể phục tài năng của ông nên châm chước bỏ qua nhưng “quá tam ba bận”, không ai có thể nhường nhịn một người mãi được. Suy nghĩ của bậc quân vương lại để một thần tử đọc được và hiểu đến nhường ấy khiến ông vô cùng tức giận, sai người xử tử Dương Tu vì tội "tự cao tự đại, để lộ quân cơ".
Điển tích đã cũ nhưng bài học thì còn nguyên. Biết giữ mồm giữ miệng cũng chính là giữ lại đường lui cho bản thân.
02. Quản lý cơ thể của mình
Một khi con người sống thiếu kiềm chế và chỉ phung phí cơ thể thì bệnh tật sẽ ập đến, phúc đức sẽ mất đi.
Một ứng viên có trình độ học vấn cao, ngoại hình ưa nhìn, kinh nghiệm đầy đủ đến phỏng vấn vào vị trí Trợ lý trưởng của Tổng giám đốc với đãi ngộ nhân sự rất tốt. Anh ta phỏng vấn tuyển dụng thành công và nhanh chóng được đào tạo để nhận việc.
Khoảng thời gian sau đó là những ngày liên tục theo sếp đi tiệc tùng, ăn uống, đi xã giao với khách hàng, với đối tác, với các cổ đông của công ty. Ở vị trí này, anh không những không thể từ chối, mà đôi khi còn có trách nhiệm “cản rượu” thay cho sếp.
Chỉ sau hai năm làm việc, anh đã thấy sức khỏe của mình suy giảm đáng kể. Trong một lần đi khám, bác sĩ thông báo anh đang bị tăng huyết áp, đường huyết cao, gan nhiễm mỡ. Qua nhiều ngày cân nhắc, cuối cùng, anh đã quyết định nộp đơn xin từ chức dù điều đó đồng nghĩa với việc phải từ bỏ công việc có mức lương hấp dẫn và đãi ngộ rất tốt.
Sau tất cả, một cơ thể khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết để đi đường dài và chúng ta luôn cần đặt sức khỏe lên ưu tiên hàng đầu. Muốn xây dựng lý tưởng thì trước hết phải xây dựng được nền tảng sức khỏe.
03. Quản lý trái tim của chính bạn
Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời là chính chúng ta. Hình thể của chúng ta có giới hạn nhưng suy nghĩ, tư duy và dục vọng là vô biên. Chúng có thể trở thành vực sâu vô đáy để nuốt chửng mọi thứ, cũng có thể thổi phồng hay biến tấu mọi sự vật, sự việc.
Duy trì trạng thái tinh thần khỏe mạnh là tiền đề để tâm trí được tự do, suy nghĩ được linh hoạt, nhận phúc đức về sau. Ảnh: Aboluowang
Câu chuyện ngụ ngôn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” thì chắc ai cũng đã từng nghe. Chúng ta cần hiểu rằng, đừng quá chú trọng đến hình thức vì chiếc áo không làm nên thầy tu.
Biết tin vào suy nghĩ của mình và quan tâm đến người khác sẽ giúp bạn ngày càng được yêu mến hơn. Khi bạn giữa được tâm trạng ổn định, không bị chuyện bên ngoài quấy nhiễu thì tâm trí sẽ thanh thản, minh mẫn và linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, cũng đừng để trái tim quyết định hết thảy vì con tim luôn bị cảm xúc chi phối. Nếu bản thân chúng ta còn chưa hiểu rõ về chính mình thì những lầm tưởng đó có thể khiến bạn lạc đường, đánh mất phương hướng xác đáng.
Bernard Shaw, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà chính trị nổi tiếng người Ailen, từng nói rằng: “Tự chủ là bản năng mạnh nhất”.
Không giữ mồm giữ miệng thì dễ rước họa vào thân, không giữ gìn sức khỏe cũng là đánh mất tài sản vô giá của cuộc đời, không biết quản lý trái tim thì sẽ luôn bị cảm xúc chi phối dẫn tới lạc đường lầm lối.
Chỉ khi bạn có thể quản lý tốt bản thân thì vận mệnh mới suôn sẻ, phúc đức mới dồi dào.
*Theo Tin tức Apollo
Trí thức trẻ