"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: Đừng bắt con cố làm đúng, cứ để con tự trải nghiệm và sửa sai

13/10/2020 08:00
"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành: Đừng bắt con cố làm đúng, cứ để con tự trải nghiệm và sửa sai

Phong cách dạy con chính là một quy trình hình thành con người. Cha mẹ dùng phong cách "Cố làm đúng" thường tạo áp lực cho con nên từ đó con sợ làm điều gì có nguy cơ thất bại.

Giáo sư Trương Nguyện Thành được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang vào ngày 8/6/2019. Ông có biệt danh là "giáo sư quần đùi", kể từ năm 2017, khi ông gây xôn xao dư luận bởi mặc quần sooc, áo phông giảng bài cho sinh viên. 

Ông quan niệm "là sống cho hiện tại nhưng hướng về tương lai" do đó, theo ông, thì nếu chỉ còn một ngày để sống, ông cũng không có gì để mà hối tiếc. Giáo sư cũng có những cách giáo dục con khiến nhiều bậc phụ huynh ngưỡng mộ. Lấy phương pháp dạy con Cha Voi, một lần nữa, ông lại chỉ cho nhiều ông bố bà mẹ liệu cách giáo dục của họ đã tốt với con cái mình chưa...

"Biết sửa sai hay cố làm đúng?

Đây là hai phong cách dạy con hoàn toàn đối chiếu nhau.

Cố làm đúng: Học thì phải hạng A, thi thì phải đậu và đậu cao, làm việc gì cũng phải có kết quả tốt...

Biết sửa sai: Khi học, thứ hạng không quá quan trọng miễn ngày càng tiến bộ. Thi mà có rớt thì học hỏi khuyết điểm rồi thi lại, làm gì mà kết quả không vừa ý thì học hỏi kinh nghiệm rồi làm lại tốt hơn.

Nếu bạn là bậc cha mẹ thì bạn chọn phong cách dạy con nào cho mình? Mỗi phong cách sẽ hình thành con người khác nhau và không có đúng hay sai ở đây. Phong cách dạy con là một quy trình hình thành con người.

Tôi xin chia sẻ một tí về phong cách dạy con Cha Voi của tôi và sự hình thành con người của đứa con trai Takara qua phong cách này.

Phong cách dạy con Cha Voi: Biết sửa sai quan trọng hơn cố làm đúng.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành và cách giáo dục Cha Voi: Đừng bắt con cố làm đúng, cứ để con tự trải nghiệm và sửa sai - Ảnh 1.

Tôi chưa hề hỏi Takara hay gây áp lực điểm hạng trong lớp học từ khi Takara còn nhỏ. Chỉ có Takara tự gây áp lực cho chính mình mà thôi và tôi phải dạy cho con biết cách giải tỏa áp lực ấy. Khi Takara còn bé, với những trò chơi thì tôi không hề từ chối khi con muốn có những hộp lego (những khối lắp ráp). Taki và Takara có thể ngồi chơi một cách hứng thú hàng tiếng đồng hồ. Chúng ráp hư tháo ra ráp lại, hết rap cái này qua cái khác.

Đến khi Taki và Takara biết đọc, mỗi lần tôi mua đồ dùng trong nhà cần lắp ráp như bàn, tủ... thì tôi làm theo hướng dẫn của chúng! Bạn chắc rất ngạc nhiên về điều này. Thí dụ như ráp cái tủ TV, chúng háo hứng tháo thùng đồ ra, sắp xếp những miếng gỗ thành từng phần, đứa đếm đứa kiểm tra coi có đầy đủ. Xong chúng đọc bản hướng dẫn rồi chỉ tôi làm.

- Ba lấy miếng này để đây. Rồi ba nối với miếng này như thế này. Ba dùng con ốc này siết vào đây…

Chúng bảo sao thì tôi làm vậy cho dù tôi biết làm thế là sai thì tôi cũng làm theo hướng dẫn của chúng. Một hơi chúng cảm thấy hình như có vấn đề vì không giống như hình trong bản chỉ dẫn. Thế là chúng bảo mình sai rồi. Tôi nói: "Ủa, sai chỗ nào. Phải chỉ cho ba chứ ba có biết sai chỗ nào đâu?".

Đóng kịch ngốc là tài năng vô đối của Cha Voi! Thế là chúng tranh cãi, đọc lại bảng hướng dẫn, rồi chỉ tôi cách tháo ra làm lại. Nhiều lúc để lắp thành công thì phải tháo ra sửa lại vài lần! Tôi thì lúc nào cũng vui vẻ, hai con bảo sao thì ba làm vậy như cái máy. Khi xong rồi, tôi nhìn thành quả rồi ôm hai con khen: "Ôi, sao hai đứa giỏi quá. Hai đứa giúp ba ráp được cái này rồi". Hai đứa cười tươi hạnh phúc, vênh mặt tự hào!

Lớn tí nữa thì tôi không phải làm gì cả. Mua đồ về thẩy đó nói hai con ráp giùm ba nhé. Thế là chúng tự động làm. Lúc bấy giờ, Takara phát triển bình thường nên trí não nhanh hơn Taki vì mắc chứng tự kỷ nên thường Takara là đứa làm hướng dẫn còn Taki là đứa làm. Cha Voi lúc bấy giờ có cơ hội làm biếng!

Khi Takara mới vào Đại học có xin ba ít tiền để đầu tư làm cái máy in 3D. Cậu ta bảo con chỉ cần mua vật dụng rồi tự ráp. Tôi bỏ ra khoảng 400 USD để đầu tư. Tôi còn nhớ cách đây vài năm quà đầu năm của tôi là video ngắn cái máy in 3D nhỏ đang chạy nhưng sau đó Takara bảo nó có quá nhiều vấn để về kỹ thuật nên không phát triển thêm nữa. Thí nghiệm này giúp Takara hiểu rõ các cơ chế hoạt động của máy in 3D và các vấn đề kỹ thuật thường gặp.

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành và cách giáo dục Cha Voi: Đừng bắt con cố làm đúng, cứ để con tự trải nghiệm và sửa sai - Ảnh 2.

Hôm nay Takara từ phòng ở nội trú ở Đại học Stanford gửi cho Ba video cái máy in 3D hoành tráng hơn. Takara bảo con đầu tư khoảng 800 USD (Ah! Lần này thì từ tiền của cậu ta chứ không xin Ba nữa!) để mua từng phần rồi bỏ ra vài ngày lắp ráp, một ngày hiệu chỉnh các chức năng và giờ xong rồi. Nó ngon lành như chiếc máy đang bán trên thị trường giá trên 3000 USD. Takara nói "Nhờ lúc nhỏ con hay lắp ráp lego, rồi lắp ráp đồ cho ba nên cái này tuy phức tạp hơn nhiều lần nhưng rất thú vị. Nó có khoảng vài trăm bước làm và con tập trung làm hai ngày là xong." Tôi nói "Ủa, sao con không thư giản để còn tựu trường sớm?". Takara nói: "Đây là cách con thư giản mà!". Với tôi con thư giản sao cũng được, đọc sách, đi chơi với bồ, hay bỏ mấy ngày mày mò ráp cái máy in 3D, miễn mình thích đều được cả! Cha Voi này dễ tính lắm! 

Biết sửa sai không gây áp lực phải đạt kết quả tốt nên con không sợ thất bại. Không biết thì làm cho biết. Muốn làm gì thì cứ làm, hư thì làm lại. Khi nào thấy hư thì tháo ra làm lại. Làm đến khi nào mình hài lòng với kết quả thì thôi. Đây chính là tinh thần của tư duy cầu tiến.

Cha mẹ dùng phong cách "Cố làm đúng" thường tạo áp lực cho con nên từ đó con sợ làm điều gì có nguy cơ thất bại nhưng khi làm gì quen thuộc thì làm rất giỏi. Phong cách dạy con này sẽ hình thành con người chỉ muốn làm những gì mình biết, không thích khám phá cái mới, và sống thường theo đúng các nguyên tắc tự đặt cho mình và cho mọi người xung quanh trong giới hạn an toàn mà mình quen thuộc.

Cuối cùng thì cũng trở lại câu hỏi "Bạn muốn con mình sẽ trở thành người như thế nào?"

Theo Báo Dân Sinh


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025