Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Đi tìm lẽ sống

27/05/2020 09:00
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Đi tìm lẽ sống

Thành công trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống không chỉ làm cho một người vui mà còn cho người đó cơ hội đương đầu với những đau khổ.

Cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của tác giả Viktor Emil Frankl. (Ảnh: First News)

- Làm thế nào để có thể tìm được ý nghĩa cuộc sống? Theo liệu pháp ý nghĩa thì có ba con đường nhờ đó con người sẽ đạt đến ý nghĩa cuộc sống của mình.

Một là làm việc, hai là trải nghiệm - nhất là trải nghiệm tình yêu thương, và ba là vượt lên số phận và thay đổi bản thân.

- Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.

- Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống.

- Rất nhiều lần tôi đã răn bảo các học trò của mình rằng: Đừng nhằm vào thành công - vì các em càng nhằm vào nó và muốn đạt tới nó, thì các em càng dễ trượt qua nó.

Vì thành công cũng giống như hạnh phúc không thể tìm kiếm mà có; nó phải tự sản sinh ra và chỉ có thể xuất hiện khi một người cống hiến hết mình, hoặc sống vì người khác hơn là vì bản thân mình.

- Tình yêu không chỉ gắn liền với sự hiện hữu của thể xác. Tình yêu tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất trong tâm trí, trong chính nội tâm của con người. Cho dù người ấy có thực sự tồn tại, có còn sống hay không cũng không quan trọng.

- Nếu ta bơm một số lượng khí nhất định vào một căn phòng trống thì lượng khí đó sẽ lấp đầy hoàn toàn căn phòng, cho dù căn phòng ấy có lớn đến thế nào chăng nữa.

Tương tự, đau khổ sẽ chế ngự tâm hồn và trí não của một người, cho dù nỗi đau khổ ấy là lớn hay nhỏ.

- Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.

- Mọi người có thể nói rằng họ đã xứng đáng với những đau khổ của họ; cách họ trải qua đau khổ đã là một thành công đích thực.

Chính sự tự do về tinh thần này - vốn không thể cướp đi - đã khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.

- Một cuộc sống chủ động đem lại cho con người cơ hội nhận ra giá trị trong những công việc sáng tạo, trong khi một cuộc sống không hưởng thụ thụ động mang lại cơ hội để trải nghiệm cái đẹp, nghệ thuật hoặc tự nhiên.

Nhưng trong cuộc sống còn có một kết quả khác mà hầu như không đem lại sự sáng tạo lẫn việc hưởng thụ, một cuộc sống chỉ chấp nhận một khả năng duy nhất về hành vi đạo đức: đó là thái độ của con người về sự tồn tại của mình, một sự tồn tại bị giới hạn bởi các tác nhân bên ngoài.

- Nếu cuộc sống có ý nghĩa thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Đau khổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện.

- Cách một người chấp nhận số phận và những đau khổ của mình, cách một người dám vượt qua những thử thách đó đem lại cho người ấy nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Người đó có thể giữ được lòng dũng cảm, tự trọng và bao dung.

- Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.

Thảm họa sẽ đến với những người không nhìn thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình, không mục tiêu, không mục đích, vì nó khiến không còn lý do để tiếp tục sống và sẽ nhanh chóng tự xóa đi chính sự tồn tại của mình.

 Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình. (Ảnh: First News)

- Cuộc sống của chúng ta rốt cuộc là trách nhiệm tìm ra câu trả lời thích hợp cho các vấn đề mà cuộc đời đã đặt ra và thực hiện các nhiệm vụ mà nó không ngừng giao phó.

- Cần phải biết đối mặt với những nỗi đau, cố gắng hạ thấp sự yếu ớt và tiết giảm những giọt nước mắt âm thầm.

- Một người trở nên thức tỉnh khi thấy mình có trách nhiệm với sự trìu mến trông đợi của một ai đó, hoặc có trách nhiệm với một công việc còn chưa hoàn thành, thì người ấy sẽ không bao giờ có thể ném bỏ cuộc đời mình.

Người đó hiểu được lý do cho sự tồn tại của mình, và sẽ có thể chịu đựng được bất cứ điều gì.

- Ai còn sống là vẫn còn lý do để hy vọng. Sức khỏe, gia đình, hạnh phúc, công việc, vận may, vị trí xã hội - tất cả những điều này là có thể tạo dựng lại được.

- Tất cả những gì chúng ta phải trải qua, bất kỳ điều gì, đều có thể trở thành tài sản cho chúng ta trong tương lai. Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn.

- Có hai loại người trên thế giới này, và chỉ có hai loại người ấy mà thôi: loại người tốt và loại người xấu.

Cả hai loại người này đều có thể bắt gặp ở mọi nơi; họ có mặt trong tất cả các nhóm xã hội.

Không có nhóm nào bao gồm toàn người tốt và cũng không có nhóm nào chỉ toàn những người xấu cả.

- Không có gì trên đời này có thể giúp một người sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất một cách hiệu quả bằng việc hiểu rằng cuộc sống của mỗi người luôn có ý nghĩa. Người nào có lý do để sống thì sẽ có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.

- Mỗi người đều đảm nhận một công việc, vai trò cụ thể trong cuộc sống.

Vì vậy, không ai có thể thay thế người đó, cũng như cuộc đời của người đó cũng không thể lặp lại.

Nhiệm vụ của một người là duy nhất, và cơ hội mà người ấy thực hiện nhiệm vụ đó cũng là duy nhất.

- Cuộc sống luôn đặt câu hỏi cho mỗi người, và con người chỉ có thể trả lời cuộc sống thông qua chính cuộc sống riêng của mình.

- Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy.

Bằng tình yêu một người có thể nhìn thấy những phẩm chất và đặc tính cần thiết ở người mình yêu thương và hơn nữa, người ấy còn nhìn thấy được những năng lực tiềm ẩn của bản thân - những năng lực tuy chưa phát triển hết nhưng cần phải được phát triển.

- Khi chúng ta không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh- như mắc phải căn bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối - nghĩa là chúng ta đang được thử thách để thay đổi chính mình.

- Một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm thấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như ý nghĩa của sự hy sinh.

- Con người sẵn sàng chịu đựng khổ đau, miễn rằng họ biết chắc sự chịu đựng của mình là có ý nghĩa.

- Ý nghĩa cuộc sống là một ý nghĩa vô điều kiện, bởi vì nó bao hàm luôn cả ý nghĩa về nỗi đau không thể tránh được.

- Cuộc đời có ngắn ngủi nhưng nếu nó đầy ắp niềm vui và tình yêu thương thì nó còn có ý nghĩa hơn cả một cuộc đời kéo dài tới 80 năm trong buồn bã.

- Trớ trêu thay, càng sợ hãi thì những gì ta lo sợ sẽ càng nhanh chóng biến thành hiện thực, cũng tương tự như việc càng mong muốn điều gì, người ta càng khó đạt được nó.

- Con người không hoàn toàn bị lệ thuộc và bị định đoạt bởi số phận, mà ngược lại, còn tự quyết định về việc họ sẽ để hoàn cảnh cuốn đi hay sẽ vượt qua chúng.

Con người không đơn giản tồn tại mà họ còn luôn quyết định mục đích tồn tại của mình và quyết định cả về con người mà họ muốn trở thành.

- Con người có khả năng biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn cũng như có thể thay đổi chính mình để trở thành người ưu tú hơn.

- Chủ trương tôn thờ chủ nghĩa tự do có nguy cơ biến thành chủ nghĩa độc đoán, trừ khi tự do phải luôn gắn liền với trách nhiệm.

Bức tượng Thần Tự do ở bờ Tây nước Mỹ cần được bổ sung thêm một bức tượng Thần Trách nhiệm ở bờ Đông.

- Niềm tin và tình yêu không thể ra lệnh hoặc yêu cầu mà có được.

- Người ta không thể đuổi bắt hạnh phúc; hạnh phúc phải được tự sinh ra. Con người không chỉ mưu cầu hạnh phúc mà còn tìm kiếm lý do để hạnh phúc, thông qua việc đánh thức ý nghĩa tiềm ẩn trong một hoàn cảnh nhất định.

- Thành công trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống không chỉ làm cho một người vui mà còn cho người đó cơ hội đương đầu với những đau khổ.

- Cảm giác vô nghĩa thường xuất hiện ở những người có đủ điều kiện để sống nhưng không có lý do để sống; họ có phương tiện sống nhưng không có mục đích sống.

- Chính chúng ta phải tự trả lời câu hỏi mà cuộc sống hỏi ta, và trước những câu hỏi đó chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách chịu trách nhiệm cho chính sự tồn tại của mình.

- Con người nên chủ động đưa ra các lựa chọn thay vì thụ động chấp nhận những gì xảy đến với mình.

Con người hoàn toàn có khả năng vượt qua những giới hạn của môi trường và hoàn cảnh sống, vượt lên chính mình.

Trò chuyện bằng âm nhạc: Vượt qua ranh giới Đông và Tây - ảnh 4

Viktor Emil Frankl (1905 -1997) là một nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo và là một người sống sót sau nạn Holocaust. Ông được mời diễn thuyết ở khắp các châu lục, giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng và được 29 trường đại học trao học vị danh dự...

Cuốn sách bán chạy nhất của ông "Man's Search for Meaning" (Đi tìm lẽ sống) ghi lại trải nghiệm của ông khi là tù nhân ở trại tập trung, đã khiến ông khám phá ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý nghĩa trong tất cả các dạng sự sống, thậm chí cả những dạng tàn bạo nhất, và do đó, là một lý do để tiếp tục sống.

Sách được phát hành gần 100 lần bằng tiếng Anh và đã được dịch với 21 ngôn ngữ khác nhau. Bản tiếng Việt được tái bản 17 lần và được phát hành bởi Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và First News với bản dịch của Thanh Thảo.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025