Đường về tỉnh thức - Sống tỉnh thức và thực hành chánh niệm trong thời điểm dịch Covid-19

11/09/2021 08:30
Đường về tỉnh thức -  Sống tỉnh thức và thực hành chánh niệm trong thời điểm dịch Covid-19

Covid-19 đang chia rẽ, phân hóa và đẩy con người vào nỗi sợ hãi, khốn cùng và cả tha hóa đạo đức. Sống tỉnh thức và thực hành chánh niệm là một liệu pháp tinh thần quý giá để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Tích cực rèn luyện tâm trí để trở nên vững vàng, thấu đáo chính là cách thức hiệu quả để chúng ta đương đầu với thách thức do dịch bệnh mang lại và chuẩn bị cho một tương lai phát triển hơn. Một trong những điểm tựa tinh thần quan trọng giúp nhiều người khắp nơi trên thế giới chống chọi với Covid-19 chính là thực hành chánh niệm và hướng thân tâm về đời sống tỉnh thức. 

Trong những năm gần đây, chánh niệm được biết đến nhiều hơn như một phương pháp giúp ích cho đời sống tinh thần của con người giữa xã hội hiện đại nhiều áp lực và căng thẳng. Sự phổ biến của các bài giảng, bài viết, các cuốn sách, khóa học về chánh niệm cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của nhiều người về cách rèn luyện tâm trí để có được đời sống tinh thần lành mạnh và sự kết nối sâu sắc với bản thân và thế giới xung quanh. Hiểu đúng về chánh niệm chính là bước đầu tiên trên hành trình sống tỉnh thức, từ đó tác động tích cực đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống con người.  

Vậy chánh niệm thực chất là gì? Trong cuốn sách "Đường về tỉnh thức" của tiến sỹ Tamara Russell -  một nhà khoa học thần kinh đang sinh sống và làm việc tại Anh, tác giả đã đưa ra cách giải thích và tiếp cận tương đối chi tiết, rõ ràng và dễ hiểu dựa trên những nghiên cứu, tổng hợp và kinh nghiệm nhiều năm của bà về chánh niệm. Theo đó, chánh niệm là khả năng nhận biết và chú tâm hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại, cùng với đó là thái độ không phê phán cũng như không phán xét. Khi thực hành chánh niệm, chúng ta có thể nhận thức sâu sắc những gì mình đang làm, đang tiếp nhận, nhìn nhận mọi việc như-nó-đang-là mà không phản ứng một cách vội vàng. 

Nếu như thời đại công nghệ tiện ích cùng áp lực từ công việc và xã hội khiến thời gian chúng ta dành cho sự chiêm nghiệm ngày càng ít đi, thì rèn luyện chánh niệm giúp chúng ta sống chậm lại và tỉnh thức. Hành trình tỉnh thức thường đi cùng với những trái ngọt xứng đáng: con người trở nên điềm tĩnh, kiên nhẫn, dễ cảm thông hơn với bản thân và thế giới, đồng thời cũng trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống và trưởng thành hơn khi đối mặt với những trở ngại và biến cố.

Một trong những lợi ích vô cùng tích cực mà chánh niệm và sống tỉnh thức đem lại chính là việc giúp cho con người có được một nền tảng nhận thức vững chắc và thông suốt để vượt qua trở ngại, dù đó là trở ngại của cá nhân hay là những khó khăn của toàn nhân loại như dịch bệnh Covid-19. Cuộc sống vốn đầy ắp các sự kiện không lường trước được, trong đó những việc không như mong muốn của chúng ta, từ những sự cố nho nhỏ như cuộc hẹn bị hủy cho đến những nỗi thất vọng lớn hơn như công việc trục trặc, các mối quan hệ đổ vỡ, bệnh tật. 

Dịch bệnh toàn cầu Covid-19 kéo dài dai dẳng suốt thời gian qua cũng là một sự cố không mong muốn với loài người. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều sinh mạng đã mất đi, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, ngành nghề và người dân gặp không ít khó khăn về kinh tế, những đối tượng yếu thế lại càng dễ bị tổn thương hơn; sự lây lan chóng mặt của virus cùng những đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến cho nhiều người mỗi ngày đều rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng khi nghĩ đến ngày mai và tương lai phía trước. Nghịch cảnh dễ khiến cho con người cảm thấy mệt mỏi, thậm chí đau đớn và rơi vào khủng hoảng.

Tuy vậy, cũng chính trong những tình huống không mấy dễ chịu như dịch bệnh Covid-19, việc sống tỉnh thức và thực hành chánh niệm có thể phát huy sức mạnh không nhỏ đối với đời sống tinh thần con người. Khi thực sự tập trung vào hiện tại, chúng ta sẽ bớt thời gian để phản ứng một cách bản năng, vội vàng và dành nhiều thời gian hơn để hòa vào những gì đang thật sự diễn ra. Bằng cách rèn luyện tâm trí này, chúng ta có thể điềm tĩnh đón nhận những gì xảy đến, ngay cả khi đó là tình huống không mong muốn. 

Chúng ta hiểu được rằng, những khó khăn như dịch bệnh này là một phần của số phận loài người, và khi thấu suốt hiện tại chúng ta có thể đưa ra các lựa chọn và hành động phù hợp tiếp theo, dần dần đi qua khủng hoảng. Từ thực hành chánh niệm, con người có thể hướng tâm trí đi về phía cân bằng và bình tĩnh hơn, không khắc nghiệt hay đổ lỗi, phán xét với bản thân mình và người khác, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả tình huống khó khăn như dịch bệnh hiện nay.

Thật ra mỗi người chúng ta đều đã có sẵn chánh niệm để sống tỉnh thức. Mỗi khi chúng ta kết nối trọn vẹn với hiện tại, cảm nhận sâu sắc cơ thể và tâm trí mình mà không bận tâm đến quá khứ hay tương lai, dù đó là khi đang đi bộ, nghe nhạc hay chơi thể thao, thì đó chính là khoảnh khắc ta sống tỉnh thức. Khi có ý thức rèn luyện tâm trí, thực hành chánh niệm liên tục, chúng ta sẽ càng trân trọng và biết ơn từng khoảnh khắc mình đang sống và trở nên mạnh mẽ hơn khi đương đầu với chướng ngại vật.  

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc sống tỉnh thức cũng giúp chúng ta trở nên bao dung hơn và giảm đi những nỗi lo âu không cần thiết. Bằng việc tập trung vào hiện tại, chúng ta có thể buông bỏ lo lắng về quá khứ và tương lai, từ đó hiểu bản thân hơn và giữ cho tinh thần ổn định cho đến khi dịch bệnh kết thúc. Những mối quan hệ cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta mở lòng và bao dung hơn.

Trong "Đường về tỉnh thức", tiến sỹ Tamara Russell đã viết: “Thường chúng ta sẽ thấy những lợi ích của đời sống tỉnh thức vào những thời khắc nghịch cảnh mà ta không thể tránh được. Cách chúng ta xử lý những biến cố này chính là thước đo thật sự về thời gian sống của chúng ta. Tất cả chúng ta đều “rút những lá bài” khác khau trong cuộc đời khi đối mặt với những cấp độ vui sướng và khổ đau khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có quyền chọn lựa cách mình phản ứng hoặc ứng phó với những gì xảy ra.”

Những khó khăn như dịch bệnh Covid-19 là thách thức lớn cho con người. Sự bền bỉ và sức mạnh tinh thần của mỗi người cũng được thử thách từ trong nghịch cảnh và khủng hoảng. Chánh niệm và hành trình sống tỉnh thức là phương tiện giúp con người phát triển nhận thức, hoàn thiện bản thân và trưởng thành theo hướng cởi mở, sáng tạo, mạnh mẽ và giàu cảm thông./.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024