Dương 'nem' nổi tiếng Senegal: 18 năm xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh

01/02/2021 08:00
Dương 'nem' nổi tiếng Senegal: 18 năm xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh

Nhiều lần tôi nói với má: “Má ơi! Giờ con chỉ muốn về quê sống với túp lều tranh, rồi kêu mấy đứa nhỏ về sống với ba, mình kiếm cái gì đó làm qua ngày cho khỏe. Chớ ở đây đồng ý có tiền, nhưng cuộc sống đòi hỏi phải trả giá nhiều lắm”.

Anh Hồ Văn Dương (SN 1973, biệt danh Dương Nem) là một người Việt bán nem rất nổi tiếng ở Thủ đô Dakar, Senegal (châu Phi), từng trở thành nhân vật trên báo Mỹ.

Anh bán nem rất chạy và được người Senegal yêu mến. Nhưng có nhiều nỗi niềm chất chứa trong hành trình vươn lên khắc nghiệt ở xứ người khiến anh Dương thường tự nhận mình là một người may mắn, song không hẳn đã hạnh phúc.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 1.

Từ Việt Nam, vì sao anh lại tới Senegal?

Cách đây 18 năm, vì nhiều chuyện, rồi thất tình, buồn lắm, nên tôi muốn đi đâu đó thật xa. Nghe lời một người nói có thể dẫn tôi qua Pháp, ở đó cuộc sống, công việc rất tốt nên tôi đã gom hết tiền bạc đưa cho họ.

Lúc đáp xuống sân bay, tôi mới ngỡ ngàng: Ủa nước Pháp đây sao? Nước Pháp nào mà còn khổ hơn cả Việt Nam, người ta vẫn còn cưỡi ngựa đi đầy đường(?).

Sau đó, tôi mới biết mình bị lừa tới Bờ Biển Ngà (Cộng hòa Côte d'Ivoire, châu Phi), rồi bị nhét vô quán cơm bé xíu làm việc rất cực khổ. Gần một năm sau, ở nơi đó xảy ra chiến tranh. Từ Thủ đô của Côte d'Ivoire, tôi chạy loạn sang nước láng giềng Senegal.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 2.

Tới đây, tôi sống bằng cách làm việc không lương cho một nhà hàng của người phụ nữ Pháp gốc Việt. Chính tôi đã xin với bà chủ như vậy, để đổi lại nơi ăn, chốn ngủ ở đất nước xa lạ mà mình vốn không hề biết tiếng địa phương, cũng chẳng có mối quan hệ nào. Khi gặp bà chủ, tôi đã rất mừng như người chết đuối vớ được cọc. Vì tôi nghĩ, cơ hội gặp được người hiểu tiếng mình nói như bà ấy ở Dakar, thật sự quá mong manh.

Công việc ở nhà hàng rất cực nhọc. Mỗi ngày từ 8h sáng đến hơn 12h đêm, tôi quay cuồng với đống chén dĩa ngổn ngang. Cứ một mình tôi, ngày qua ngày, rửa chén trên nóc nhà như vậy, nắng tới nỗi muốn bể đầu, tay chân muốn nhão ra vì ngâm lâu trong nước.

Thời tiết ở Senegal nóng dữ dội, nước biển lại xanh ngắt. Đứng trên tầng cao, nhìn ra biển xanh mênh mông nước, lần nào tôi cũng rớm nước mắt, nghĩ chừng nào mới có thể vượt hàng nghìn km quay trở lại Việt Nam! Vì hồi đó, 2.000 USD mua một tấm vé máy bay, với tôi là số tiền quá lớn.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 3.

Rồi sau đó điều gì đưa đẩy anh đến với nghề bán nem?

Làm ở nhà hàng được mấy tháng, bà chủ dọn dẹp đồ để về Pháp. Bà hứa cho tôi cái tủ lạnh nhỏ để buôn bán, nhưng bà không bao giờ thực hiện lời hứa đó. Sau cùng, bà cho tôi công thức chiên chả giò. Nhưng tôi nghĩ, cái đó còn quý hơn cả 10 chiếc tủ lạnh, vì từ đó, mình mới có cái nghề để mà kiếm sống.

Chỉ có công thức, không có gì trong tay, anh kinh doanh thế nào?

Tôi xin người dì ruột ở Mỹ giúp cho 200 USD để mua đồ nghề. Ban đầu không có tiền, tôi phải mướn căn nhà rộng chừng 2m2. Một nửa kê chiếu nằm, một nửa đủ đặt cái bếp ga nhỏ để chiên chả giò.

Mùi dầu ăn, mùi chả giò… bốc lên ngập ngụa, ám vào cả căn phòng. Lâu dần nó chuyển sang mùi hôi nồng nặc, ai bước vào cũng thấy quá kinh khủng. Nhưng mình ở riết, sống chung với cái mùi ấy tự nhiên cũng quen, không còn phân biệt được nữa.

Rồi không có tiền thì tôi bắt xe buýt đi chợ. Có tiền hơn xíu thì gom góp mua chiếc xe máy “ghẻ”. Trời mưa trời gió nó bị hỏng, một mình tôi đẩy xe hàng nặng trĩu giữa đường mưa trơn trượt. Nghĩ tới những ngày tháng ấy sao mà thấy cực!

Chưa kể hồi đầu vì không có kinh nghiệm, tôi còn bị xã hội lừa gạt nhiều lắm. Nhớ nhất có lần, một người bản xứ tới đưa danh thiếp, hẹn lấy 300 chiếc chả giò. Chiều 5h anh ta tới lấy cả thùng chả giò rồi đi luôn, không trả tiền. Tôi gọi điện qua số trên danh thiếp thì không liên lạc được nữa.

Sống ở bên này, anh có hay bị lừa gạt như vậy không?

Ở đâu cũng vậy thôi, luôn có người này, người kia. Có lần, một người Việt Nam qua đây cũng lừa lấy hết tiền và điện thoại, Ipad… của tôi.

Anh này đi cùng bạn gái qua đây tị nạn. Anh ta muốn đi cầm đồng hồ để lấy tiền. Tôi thương ảnh không biết đường nên lấy xe máy chở đi. Lúc ra khỏi nhà, tôi kêu anh ta khóa giùm cửa, vô tình quên không kêu đưa lại. Rồi trong lúc đi, vì xe của tôi bị cảnh sát giữ lại hỏi giấy tờ, nên anh ta tranh thủ bắt taxi về trước lấy hết đồ.

Đời sống khó khăn, xã hội thì lừa gạt vậy đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ, những cái đó tuy nó vùi dập mình, nhưng nếu vượt qua được, sẽ làm cho mình vững vàng hơn.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 4.

Ví dụ người từng “cuỗm” 300 cái chả giò của tôi, sau chừng 4-5 năm không thấy mặt, bây giờ vẫn đều đặn đến hàng tôi mua đồ. Tôi biết đó, nhưng không bao giờ nói gì. Vì tôi nghĩ, khi người ta làm trái, tự họ sẽ phải thấy áy náy với lương tâm.

Còn cuộc sống này, không ai nói hay được. Xã hội ai cũng có cái giỏi. Nhưng hơn nhau ở hai chữ may mắn. Vì lẽ thường, mình may mắn mà mình không biết đâu. Nếu mà biết, tự nhiên cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn.

Với cá nhân anh, anh đã nắm lấy hai chữ may mắn ấy như thế nào?

Khi tôi mới đến đây, không có nhiều người Senegal biết món chả giò. Nhưng vì tụi con nít kêu tôi là Dương Nem hoài. Rồi tụi nó chỉ cho người lớn chỗ tôi bán, dần dần mọi người thấy lạ nên chú ý.

Khi bán món này, từ lúc là kẻ vô danh, phải mướn căn nhà nhỏ xíu để sống, đến lúc đông khách, gầy dựng được cơ ngơi như bây giờ, tôi vẫn không thay đổi nguyên tắc: luôn làm thật, ăn thật. Tôi thường nghĩ, mình phải làm ngon, ngày sau khách mới quay lại.

Rồi mình sống thì phải có trước có sau, nên hễ giúp được ai là tôi giúp. Lúc mình khó khăn, lại có người tới giúp lại.

Mình cứ sống, cứ làm như vậy. Rồi người này đồn người kia, quán nem của tôi thành một thương hiệu. Bây giờ nói Dương Nem ai cũng biết. Đêm tối, có người còn đi taxi từ xa tới mua đem về. Khi tiệc tùng, người ta cũng đặt mình làm chả giò đưa tới. Hoặc có người bay sang Pháp, sang Mỹ, cũng đến chỗ tôi mua chả giò để đem tặng như một món quà quý.

Anh có biết, vì sao người Senegal thích ăn nem tới vậy không?

Tôi không chắc, nhưng thấy buổi tối ngoài phố thường chỉ có bánh hamburger và thịt gà. Mà người dân đâu phải ai cũng có tiền để ngày nào cũng ăn mấy thứ đó. Vì nhiều người ở đây khó khăn tới nỗi chỉ có thể ăn bánh mì chấm lá trà hoặc nước sốt thôi. Vào nhà hàng tuy nhiều món, nhưng mọi thứ ở đấy đắt đỏ lắm. Không giống như ở Việt Nam, bỏ ra cỡ vài đô đã có rất nhiều lựa chọn.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 5.

Chả giò dễ ăn, vừa có rau, lại có thịt. Người ở đây thường thích ăn như vậy, lót dạ vài cái trước khi đi ngủ, không cần kèm bún như ở Việt Nam. Hoặc cũng có người mua chả giò về lột vỏ lấy nhân để chế biến thành món khác, như vậy cũng rất tiện.

Hơn nữa, tôi bán giá cũng vừa phải, chỉ khoảng 8.000 đồng/ chiếc nếu tính bằng tiền Việt. Với giá ấy và chất lượng như vậy, người ta cũng thoải mái hơn khi mua.

Món nem anh làm ở châu Phi có gì khác ở Việt Nam không?

Ở đây người ta theo đạo Hồi, nên không ăn thịt heo. Khi làm nhân nem, mình cũng thay thịt heo thành thịt bò. Tôi thường chọn loại thịt bò có chút mỡ để nem giòn, ngậy hơn. Còn các nguyên liệu khác vẫn giữ nguyên vì cũng dễ mua.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 6.
 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 7.
 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 8.
 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 9.

Thông thường, tôi hay làm sẵn, chiên sơ ở nhà rồi khi tới quán thì chiên lại. Chiên qua nhiều nước như vậy, chả giò rất ngon, nóng sốt và giòn.

Được lòng khách như thế, có bao giờ anh nghĩ mình đã góp phần quảng bá ẩm thực Việt tới Senegal không?

Nhiều người cũng nói vậy. Vài người còn khuyên tôi nên làm lớn để quảng bá món này nhiều hơn, nhưng thiệt tình sức mình tôi làm không nổi. Trước kia tôi bán ở 3 chỗ cơ, nhưng giờ phải thu hết về một nơi vì mệt quá.

Bây giờ, mỗi khi thấy thực khách thích ăn chả giò, đều biết món này của người Việt thì tôi cũng mừng, chớ không nghĩ là có công lao quảng bá gì.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 10.

Anh có để ý việc gần đây, đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự về anh, và nhiều báo trong nước cũng dịch lại từ trang Huffpost (Mỹ) từng viết chân dung anh?

Cũng có thấy mà không để ý nhiều (cười). Trước giờ có nhiều người Việt ở Mỹ mời tôi lên báo Mỹ lắm, nhưng tôi không thích vì không có thời gian trò chuyện cùng phóng viên.

Trang báo Mỹ bạn vừa nói chắc là hồi Kỳ Lê (một Travel Vlogger người Việt) qua tận đây, gặp tôi và quay video phỏng vấn. Chứ thiệt sự cũng tại mình bận rộn, nên đâu còn thời gian lên báo nọ báo kia.

Mà chắc cỡ nổi tiếng hơn, tôi vẫn đi bán chả giò vậy thôi (cười).

Sống ở châu Phi xa xôi, mỗi khi nghĩ về Việt Nam, anh thường nhớ điều gì?

Nhiều người cũng hỏi tôi, đi lâu vậy có nhớ tô phở bò của Việt Nam? Không, thiệt sự hổng nhớ luôn. Ngoài gia đình, người thân, nếu nói nhớ hương vị Việt Nam, thì thi thoảng tôi chỉ thấy thèm ăn mì gói. Mì gói ở Việt Nam rất ngon, còn bên này dở lắm.

Nói vậy, có cảm giác dường như cuộc sống ở Senegal khá khó khăn!

Cũng có nhiều khó khăn, nhưng người dân bên này dễ thương. Họ không có tính để bụng. Xong việc là họ quên ngay. Rồi với họ, tiền bạc vật chất không phải mối bận tâm quá lớn. Một gia đình cả đống người, nhưng chỉ cần có thau cơm nhỏ xíu, tính ra mỗi người được nhõn nắm tay cơm trộn lẫn thức ăn là hết. Vậy mà mỗi người cầm một thìa xúc vui vẻ, và thể chất lại khỏe mạnh như thường.

Giống như tôi cũng vậy. Nhiều lúc tôi thường nhớ tới hồi xưa, khi vẫn còn mướn nhà 2m2 để vừa sinh hoạt, vừa chiên chả giò vậy đó. Hồi ấy mình làm cực nhọc, nhưng không suy nghĩ nhiều. Còn giờ mình làm lớn hơn thiệt đó, nhưng phải lo rất nhiều thứ. Từ tiền lương cho nhân viên, rồi lo kinh tế cho gia đình ở Việt Nam....

Công việc kinh doanh của anh hiện nay đang phát triển thế nào rồi?

Ngoài bán chả giò, tôi bán thêm bánh gối, tôm chiên. Khách đông nên doanh thu trừ đi chi phí thuê cửa hàng và nhân công thì cũng ổn. Vì mình không xa xỉ nên không lo tài chính. Tôi đã có nhà ở Gò Vấp (TP.HCM) và nhà ở Dakar. Chủ yếu tiền kiếm được tôi gửi về phụ cấp gia đình và nuôi hai con.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 11.

Trong cuộc đời tôi, tôi thương con gái là bé Hồ Diêu Anh nhiều nhất. Tôi nhớ thương con lắm, nhưng chưa thể về mà muốn kiếm tiền lo cho tương lai con về sau.

Trước kia, anh từng ao ước có đủ 2.000 đô để trở lại Việt Nam. Đến bây giờ khi kiếm đủ số đó rồi, anh có còn nghĩ như vậy không?

Nước Senegal đã cấp thẻ xanh và cho phép tôi nhập tịch nước họ mà không cần cắt quốc tịch Việt. Cũng có người khuyên tôi vô quốc tịch nước người ta, rồi định cư hẳn ở đây. Nhưng tôi không muốn sống ở Senegal suốt đời. Nói thật lòng, tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền, mơ ước một vài năm nữa có nhiều tiền sẽ lại về Việt Nam sống.

Vì ở bên này, tôi chỉ có một mình. Vợ tôi qua đây chịu không nổi. Hai con tôi còn nhỏ. Nhưng tôi muốn chúng sống ở Việt Nam để có điều kiện sống và học tập tốt hơn.

Ở bên này cực lắm, thời tiết khắc nghiệt, rồi thiếu thốn nhiều thứ. Nếu không có công việc, không có buôn bán thì chắc tôi cũng buồn chết.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 12.

Cuộc sống của anh trống rỗng đến vậy sao?

Ở đây ít chỗ vui chơi, hoặc có thể tôi là người chuyên tâm cho công việc, nên cũng không thấy nhiều nơi thú vị.

Tôi lại không có họ hàng, người thân. Đơn độc ở đây, nên ngoài công việc cũng chỉ mừng là mình có chút tên tuổi trong xã hội, được người dân yêu mến, vì muốn làm ăn cũng phải có tiếng tăm mới làm được. Còn ngoài chuyện những chuyện đó thì không có gì khác

Có bao giờ anh kể cho người thân biết về những điều như thế?

Nhiều khi tôi cũng nói với má: Má ơi! Giờ con chỉ muốn giờ về quê sống túp lều tranh, kêu mấy đứa nhỏ về ở chung với ba, kiếm cái gì đó làm qua ngày cho khỏe. Ở đây đồng ý có tiền, nhưng cuộc sống cũng đòi hỏi mình phải trả giá nhiều lắm.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 13.

Nhưng nói thực, 18 năm sống nơi xứ người, phải trả giá để vươn lên như thế nào, mất mát ra làm sao mới có được như hôm nay, mấy chuyện đó, dẫu có nói ra người khác cũng chưa chắc đã hiểu được.

Sống gần gia đình ai không muốn, nhưng mình còn phải ở lại đây làm ăn để còn phụ cấp gia đình và nuôi hai đứa con nhỏ. Rồi công việc, cuộc sống của mình ở đây, đâu dễ gì rời đi. Nếu về Việt Nam cũng chưa chắc mình có duyên bán hàng như vậy. Chưa biết sẽ tính sinh kế, nuôi các con như thế nào nữa.

Anh đã từng thử chưa? Thử về Việt Nam, chấp nhận cuộc sống có thể khó khăn hơn về mặt kinh tế?

Rồi chứ. Đã hai lần tôi bỏ về hẳn Việt Nam gần cả tháng. Cứ nghĩ đi được rồi, rời Senegal được rồi nhưng không phải.

Tôi nghĩ chắc kiếp trước mình có nợ gì với mảnh đất Senegal, nên kiếp này phải trả. Nợ chưa hết, chưa đi được. Vì cứ muốn đi lại có chuyện này, chuyện khác ngăn mình lại. Ai không tin số phận, nhưng tôi tin là có.

 Dương “nem” nổi tiếng Senegal: 18 năm trả giá nơi xứ người, kiếm được tiền nhưng chỉ muốn về nước sống với túp lều tranh - Ảnh 14.

Số phận đẩy đưa mình phải xa xứ, lạc tới tận Tây Phi này. Rồi cũng vì số phận chưa cho mình trở lại, nên chưa được sống gần gia đình, người thân. Nhưng tôi tin, rồi sẽ có lúc, mình sẽ được trở lại Việt Nam ở hẳn. Vì về với quê hương nơi mình chôn rau cắt rốn, luôn là điều tôi ao ước. 18 năm sống ở Senegal có vui, có buồn, nhưng tôi luôn cảm thấy, nơi đó chỉ là mảnh đất làm ăn, mảnh đất của bạn bè thôi, chứ không phải nơi nuôi dưỡng tâm hồn và làm cho mình thấy thực sự hạnh phúc.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Tri thức trẻ

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025