Đường mây qua xứ tuyết - Cuộc đời hiện tại chỉ là một phần nhỏ trong chu kỳ của kiếp sống

Huỳnh Huỳnh21/09/2022 09:04
Đường mây qua xứ tuyết - Cuộc đời hiện tại chỉ là một phần nhỏ trong chu kỳ của kiếp sống

Chúng ta có khả năng phục hồi ký ức, phát triển các đức tính sẵn có, những kinh nghiệm học hỏi từ trước và sử dụng những điều này như động cơ thúc đẩy chúng ta tiến tới không ngừng trên con đường giải thoát.

Chính cái ý tưởng thanh cao này mới là điều làm chúng ta trở nên bất tử, chứ không phải sự tồn tại của linh hồn kéo dài sự sống lầm than trong trăm nẻo luân hồi.

U Khanti, Maung Tun Kyaing là những trường hợp tiêu biểu cho sự tái sinh, trở lại thế gian để thực hiện một lý tưởng tâm linh cao cả nào đó. Tuy nhiên, không phải chỉ những người có ý hướng về tâm linh mới có thể nhớ lại tiền kiếp. Một ràng buộc tình cảm hay trách nhiệm chưa hoàn tất cũng có thể giúp cho con người phục hồi ký ức mà trường hợp của Shanti Devi sau đây có thể coi như ví dụ tiêu biểu.

Shanti Devi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại Delhi. Ngay từ khi còn nhỏ cô quả quyết rằng cô đã có chồng con ở Muttra, một làng nhỏ cách Delhi khá xa. Dĩ nhiên không ai để ý đến những câu nói vu vơ của một đứa bé, nhưng cô cứ tiếp tục nhắc đi nhắc lại điều này mãi khiến ông chú Kischen Chand, một giáo sư đâm ra ngờ vực. Shanti quả quyết rằng chồng của cô tên là Kedarnath Chaubey, con trai của cô tên là Chandra, cả hai hiện sống ở làng Muttra trong một căn nhà nhỏ sơn màu trắng. Cô còn tả rõ đường đi đến căn nhà và phong cảnh chung quanh.

Ông chú bèn đích thân đến làng Muttra dò hỏi và được biết quả có một người đàn ông tên Kedarnath Chaubey sống ở đó. Anh này có một đứa con với người vợ trước, nhưng bà này đã qua đời hơn mười năm và hiện nay anh ta đã tục huyền. Ồng Kischen liên lạc với Kedarnath, kể cho anh nghe câu chuyện về cô bé Shanti. Lúc đầu anh này còn do dự nhưng về sau bằng lòng đến gặp Shanti.

Kedarnath đưa người vợ sau và con trai đến nhà cha mẹ cô bé Shanti, dĩ nhiên cô bé không biết một chút gì về sự sắp đặt này cả. Khi được gọi vào phòng, Shanti Devi nhận ra ngay Kedarnath và đứa con trai lên mười. Thái độ của cô bé lên tám đột nhiên thay đổi, cô tỏ ra bẽn lẽn trước mặt người chồng cũ và gọi anh này bằng một danh từ mà chỉ có vợ chồng nói với nhau trong những lúc riêng tư. Cô bé còn bước đến bên đứa bé trai lớn hơn cô, âu yếm vuốt tóc như mẹ hiền vuốt tóc con thơ.

Kischen bèn đặt câu hỏi và Shanti thong thả kể lại những kỷ niệm quá khứ, Kedarnath lúng túng xác nhận những điều này. Hiện diện trong buổi hôm đó còn có Deshbandhu Gupta, Chủ tịch Hiệp hội báo chí Ấn Độ và cũng là một thành viên Nghị viện. Ông này yêu cầu đưa Shanti về làng Muttra để xem cô bé có thể nhớ thêm được những gì.

Shanti thong thả dẫn lối, cô đi xuyên qua những ngõ hẻm bé nhỏ, chật chội, những con đường tắt mà chỉ có người trong xóm mới biết, và đưa Gupta đến đúng căn nhà mà trước đây cô đã từng sống. Cô nhận ra ngay căn nhà đã được sơn phết lại bằng một màu sơn mới.

– Tại sao căn nhà lại sơn màu vàng thế này? Tôi nhớ rõ khi trước nó sơn màu trắng kia mà?

Quả thế, Kedarnath đã cho sơn lại căn nhà trước đó không lâu. Shanti dẫn Gupta đến nhà cha mẹ ruột của cô ở gần đó và một lần nữa cô tỏ vẻ ngạc nhiên về những đổi thay tại đây.

– Ủa! Cái giếng nước trước nhà đâu rồi? Trước nhà cha mẹ tôi có một cái giếng nước kia mà.

Cách đó ít lâu, từ khi có hệ thống dẫn nước công cộng, người ta đã lấp kín cái giếng nước trước nhà. Shanti nhận ra cha mẹ mình dù hai ông bà đã già yếu lắm rồi. Cô âu yếm ôm chầm lấy ông lão và gọi ông là “Bapu”, một danh từ chỉ riêng con gái gọi người cha. Không ai còn nghi ngờ gì nữa, quả nhiên Shanti Devi chính là hậu thân của người vợ Kedarnath đã qua đời trước đó.

Shanti Devi có ý muốn trở về sống với gia đình cũ nhưng Kedarnath đã tục huyền, anh không muốn “người vợ cũ” làm xáo trộn hạnh phúc gia đình hiện tại. Đứa con lên mười cũng không muốn nhận một đứa bé lên tám làm mẹ mình, nên cả hai cương quyết từ chối không chịu nhận cô bé Shanti.

Đến khi đó Shanti Devi mới nhận thức rằng các liên hệ tình cảm như vợ chồng, con cái chỉ có tính giới hạn trong một kiếp sống. Sợi dây thân ái mà cô tưởng bền vững lâu dài thật ra chỉ là tương đối. Tình thương mãnh liệt mà cô ấp ủ khi chết đã vượt qua biên giới sinh tử, giúp cô tìm lại người chồng và đứa con thân yêu giờ đã không được đáp ứng. Từ đó Shanti nhận thức rằng cái chết giúp người ta xóa bỏ được những liên hệ tình cảm, những kỷ niệm của một kiếp người vì những thứ đó chỉ có thể giúp người ta học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà thôi.

Nó chỉ đóng vai trò như một cuốn sách giúp học sinh thu thập kiến thức và khi đã đạt mục đích kinh nghiệm sự sống, nó không còn giá trị và phải được xóa bỏ. Chỉ có cái kinh nghiệm học hỏi như kiến thức, tình cảm, khả năng thương yêu, chịu đựng, nhẫn nại,... những yếu tố hun đúc nên cá tính con người là được lưu trữ trong tàng thức và ảnh hưởng đến mọi kiếp sống.

Sự nhận thức này đã gây một chấn động mạnh mẽ trong tâm hồn Shanti Devi, giúp cô nhận thấy rõ sự vô thường của một kiếp người nên cô phát nguyện trao trọn cuộc đời cho việc phụng sự nhân loại. Cô trở thành một giáo sư trung học, đào tạo nhiều thế hệ học sinh gương mẫu.

Cô kêu gọi việc trau dồi phẩm hạnh, xây dựng các đức tính có giá trị lâu dài hơn là những điều chỉ giúp cho người ta thoải mái với kiếp sống hiện tại. Cô từ chối không lập gia đình mặc dù có nhiều người đã ngỏ ý. Cô dành trọn cuộc đời cho việc phát triển giáo dục và những công tác xã hội tại Ấn Độ.

Đường mây qua xứ tuyết l Nguyên Phong.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025