Chương trình do Trường đại học Sư phạm Huế phối hợp với Viện Pháp tại Huế tổ chức. Huế cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thưởng thức loại nhạc cụ độc đáo bậc nhất thế giới này.
Đàn quay do Guilhem Desq và thân phụ chế tác có hình đầu rồng tạo sự mạnh mẽ - Ảnh: Nhật Lam
Đàn quay, hay còn gọi là Hurdy Gurdy, là nhạc cụ thuộc bộ dây. Âm thanh vang lên khi dây dàn được cọ xát với một bánh quay gỗ (thay vì dùng vĩ như một sổ nhạc cụ bộ dây khác). Một tay người chơi vận hành bánh quay và tay còn lại dạo trên bàn phím như piano. Phiên bản đầu tiên của cây đàn ngàn năm tuổi này xuất hiện từ thời Trung cổ, vào thể kỷ thứ IX tại châu Âu nhưng còn khá lạ lẫm, mới mẻ với công chúng Việt Nam.
Một số chi tiết, cấu kiện của cây đàn quay - Ảnh: Nhật Lam
Trong trang phục phóng khoáng, nam nghệ sĩ tài hoa đã biểu diễn hơn 10 tác phẩm do anh sáng tác như “Arbol”, “Visions” (Tầm nhìn) “Jusqu’en haut de la montagne” (Chinh phục đỉnh núi), “La libellule et le baobab” (Chuồn chuồn và cây baobab), “Cicatrices” (Những vết sẹo), “Le château abandonné” (Lâu đài bỏ hoang), “Sand sailor” (Thủy thủ trên cát), “Break your crank” (Tay quay không còn nguyên vẹn), “Omen”, “Le château magique” (Lâu đài huyền bí).
Những thanh âm độc đáo, “ngón đàn” điêu luyện thoăn thoắt khi nhanh, khi chậm, khi dập dìu du dương, khi hào hứng sôi nổi của Guilhem Desq đã đưa khán giải trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau với những thanh âm độc đáo được tạo ra từ tay quay đầy ngẫu hứng của nghệ sĩ..
Sinh ra trong một gia đinh có cha là nghệ nhân chế tác đàn quay tại gia, Guilhem Desq đã sớm có cơ hội tiếp xúc và lớn lên cùng đàn quay. Cùng với cha, anh đã chế tác ra cây đàn quay điện tử đầu tiên cho bản thân và từ đó không ngừng khám phá những biến ảo thanh âm gần như vô hạn của cây đàn này.
Guilhem Desq giao lưu chụp hình chung với khán giả mộ điệu - Ảnh: Nhật Lam
Hầu hết các sáng tác của Guilhem Desq đều trên nền thanh âm của đàn quay do chính anh và thân phụ chế tác. “Năm nay tôi 29 tuổi, tôi đã chơi nhạc từ lúc 7 tuổi. Lên 12 tuổi tôi bắt đầu sáng tác, phần lớn là sáng tác trên nền âm thanh tiếng đàn quay. Đêm nay rất tuyệt. Trong một thời gian khá lâu tôi chưa chơi độc tấu, nên hôm nay tôi cảm thấy rất hào hứng. Khán giả nghe rất tập trung, chăm chú khiến tôi rất vui” – nam nghệ sĩ tâm sự.
Tại buổi biểu diễn, nam nghệ sĩ cũng đã giành thời gian trả lời các câu hỏi và giới thiệu ngắn gọn những nét độc đáo về thanh âm cũng như cấu tạo và lịch sử cây đàn. Anh cho biết, hiện có khoảng 20 người chơi được đàn quay như anh, nhưng việc chế tác đàn quay không nhiều người làm được. Cây đàn quay được anh chế tác có hình đầu rồng bởi anh lấy cảm hứng từ phương đông khi xem rồng là linh vật mạnh mẽ. Cây đàn cũng cho phép tạo ra các dạng thức âm thanh khác nhau, mô phỏng được cả tiếng một số loài động vật, tiếng gió hú, tiếng kẽo kẹt của các cảnh cửa… tạo nên sự đa dạng trong việc truyền tải nhạc cảnh.
“Những tác phẩm mà nghệ sĩ trình bày rất gần gũi trong đời sống chúng ta, anh ấy đã lấy cảm hứng từ cuộc sống chung quanh để truyền tải vào bản nhạc nên người nghe có cảm giác rất gần gũi, rất gần với âm nhạc truyền thống của Việt Nam” - Hoàng Thị Hà Vy, sinh viên khoa Ngữ Văn Trường ĐHSP Huế, chia sẻ.
Chừng một nghìn năm trôi qua kể từ khi xuất hiện, cây đàn đã trải qua biết bao thăng trầm, cải biến để trở nên duyên dáng vả đầy huyền bí như ngày nay. Từ một nhạc cụ bị ghẻ lạnh và chủ yếu được những người ăn xin thời Trung cổ sử dụng, đàn quay đã hiên ngang bước vào hàng ngũ những nhạc cụ được ưa chuộng trong chốn hoàng cung vào thế kỷ XVIII. Nhiều tác phẩm âm nhạc cũng được soạn riêng cho loại nhạc cụ độc đáo này. Một số nghệ sĩ đương thời tiếp tục khám phá cây đàn quay nguyên bản, một số khác phát triển cây đàn Trung cổ thành đàn quay điện tử để cho phép họ dễ dàng kết hợp những thanh âm thuần khiết, chuẩn xác cùa cây đàn quay với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Guilhem Desq là một trong số đó.
Được biết, hằng năm Guilhem Desq đi lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Israel, Bulgaria, Ý... và đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam. Ngày 19.1 anh cũng sẽ trình tấu loại nhạc cụ này tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.
Nhật Lam