Sáng 22.10, khán giả yêu điện ảnh cùng nghệ sĩ và báo giới Sài Gòn bàng hoàng hay tin đạo diễn Trần Cảnh Đôn đột ngột qua đời (vào tối 21.10) do đột quỵ.
Trần Cảnh Đôn mất không chỉ để lại khoảng trống cho điện ảnh nước nhà mà báo giới Sài Gòn cũng mất đi một người bạn, người anh đáng kính và vô cùng giản dị gần gũi.
Trong niềm thương tiếc vô hạn, nhiều người làm nghề báo tại Sài Gòn từng có dịp quen biết tiếp xúc với đạo diễn Trần Cảnh Đôn đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên về người nghệ sĩ tài hoa này.
Nhà báo Song Minh chia sẻ: “Lần đầu tiên gặp phỏng vấn, tôi “chào chú Đôn” thì bị anh “mắng”, “Không có chú cháu gì hết, mày cứ gọi tao là anh. Nghệ sĩ không có tuổi”. Buổi trò chuyện hôm ấy diễn ra thật vui vẻ, gần gũi, trọn vẹn...
Trần Cảnh Đôn của đời thường và Trần Cảnh Đôn trong công việc hoàn toàn khác nhau. Ngoài đời, anh xuề xòa bao nhiêu thì trong công việc anh lại nghiêm khắc bấy nhiêu, bởi với anh, làm phim là công việc của cả tập thể nên tất cả phải vì lợi ích chung…
Cuộc sống quá ngắn trong khi những gì cần làm lại rất dài, vì thế, Trần Cảnh Đôn lúc nào cũng sống và làm việc hết mình. Nhiều đồng nghiệp nhận xét về anh: "Cảnh Đôn đã ghét là ghét đến cùng, đã yêu là yêu mãnh liệt, không thể chấp nhận cách sống lờ đờ, vô vị - đó là quan niệm sống của anh tự bấy lâu nay…"
Nhà báo Hà Đình Nguyên kể lại kỷ niệm lần đầu gặp gỡ với đạo diễn Trần Cảnh Đôn: “Lần đầu tôi gặp đạo diễn Trần Cảnh Đôn, cách đây khoảng 20 năm là qua nhà văn Đoàn Thạch Biền trong một buổi họp mặt bạn bè ở quán Trống Đồng của nhà thơ Vũ Trọng Quang. Dạo đó, anh Đoàn Thạch Biền đang cố vấn cho Trần Cảnh Đôn về các kịch bản phim ca nhạc...
Trần Cảnh Đôn có vẻ ngoài thô ráp, bụi bặm, nước da ngăm đen với bộ ria mép, cổ tay lại đeo nhiều vòng chuỗi – nói chung ngoại hình của anh khá ấn tượng. Các anh bàn tán công việc sôi nổi, tôi là dân ngoại đạo nên chỉ biết lắng nghe... Sau nay tôi còn nhiều lần gặp gỡ Trần Cảnh Đôn, qua đó tôi thấy anh là một con người khá vui vẻ, sôi nổi nhưng cũng trực tính: Yêu là yêu, ghét là ghét – không lập lờ... Ấn tượng nhất là buổi chiều ở Đất Phương Nam có nhà thơ Lê Minh Quốc, các nhà văn nữ Võ Thu Hương, Quân Thiên Kim, nhà báo nữ Hoài Nam... Chúng tôi đã có một bữa “để đời” mà chắc chắn những người hiện diện không thể nào quên.
Nhà báo Lý Đợi nhắc lại kỷ niệm: “Cuộc nhậu đầu tiên với anh đã trên 20 năm, do thi sĩ Vũ Trọng Quang đăng cai ở Trống Đồng, thi sĩ Thảo Phương (1949 - 2008) dẫn tui đến giới thiệu. Hôm ấy có thi sĩ Trần Hữu Dũng và văn sĩ Mai Sơn, diễn viên Mai Trần.
Để rồi, kể từ đó, nếu tính bình quân, năm nào cũng nhậu với anh 5 - 6 lần lên bờ xuống ruộng. Còn nhè nhẹ thì khuya khuya lại ra vỉa hè Nguyễn Trung Trực, Võ Văn Tần, Lý Tự Trọng… làm 5 - 6 chai bia, không biết bao nhiêu lần mà tính.
Lần gặp gần đây nhất là trước phong tỏa, tại nhà võ sư Nguyễn Phi Long (Chưởng môn Sa Hồng võ đạo). Hôm ấy thi sĩ Đoàn Đình Thuấn từ núi Chứa Chan xuống, hú tui và Bùi Chát sang nhậu chơi.
Mới 5 - 6 ngày trước thôi, Đoàn Đình Thuấn còn hú Trần Cảnh Đôn sau cấm vận xe cộ sẽ lên núi Chứa Chan nhậu tiếp, dự kiến tui và Bùi Chát sẽ đi cùng, ngủ lại một đêm. Đúng là “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”. Mong anh yên nghỉ."
Trong chia sẻ của mình, nhà biên kịch – chuyên gia truyền thông Châu Quang Phước viết: “Buổi sáng, Group anh em làm nghề chia sẻ nhau một hung tin bất ngờ đến bàng hoàng. Người đạo diễn của "Ngọc trong đá" hồi 30 năm trước, nay đã rời đi khỏi những cuộc vui trần thế, sau một cơn đột quỵ. Những chầu nhậu cùng nhau trước dịch bùng phát ở Sài thành, nay chỉ còn là ký ức để anh em cùng hồi nhớ. Dự án phim điện ảnh ngày trở lại của anh cũng đã không còn dịp nữa rồi. Từ nay mình cũng không còn nhận được tin nhắn chia sẻ về khí công, diện chẩn, đồng ứng, Pháp vương Tây Tạng, Vipassana... từ người đàn anh nức tiếng trong giới làm nghề tại xứ, vẫn thường gọi mình là bạn già.
Những tưởng một khi Sài Gòn lui dịch thì lại được tụ tập cùng nhau, đàm đạo này kia đủ thứ chuyện nghề chuyện đời quê xứ. Nào đâu...Những mùa hoa bỏ lại. Anh đi an yên miên viễn”.
Nhà biên kịch Châu Quang Phước cũng cho biết phản ứng của mình xung quanh việc các tờ báo cho rằng bộ phim Ngọc trong đácủa đạo diễn Trần Cảnh Đôn là phim “mì ăn liền”. Cụm từ này được dùng trong các bài viết điểm lại sự nghiệp của Trần Cảnh Đôn khi anh qua đời.
Theo nhà biên kịch Châu Quang Phước, bộ phim Ngọc trong đá chưa hẳn là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam nhưng chắc chắn rằng bộ phim đã được định vị khá sắc nét trong giới làm nghề tại Sài Gòn vào thời điểm đó.
"Đề tài phim (liên quan đến TNXP được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Đông Thức) cho dẫu sẽ có người thích người không ở thời điểm bây giờ nếu được dịp xem lại, nhưng về tính chất đối với một dự án điện ảnh tại một thời điểm cột mốc ít nhiều của giới làm nghề thì Ngọc trong đá rất xứng đáng nhận được sự nể vì của lớp người sau nếu quan tâm và có ý thức tìm hiểu về phim Việt đương đại trong từng thời đoạn lịch sử.
Đặc biệt, riêng về chất liệu làm phim, Ngọc trong đá đã được thực hiện bằng phim nhựa - thứ chất liệu kinh điển vốn dĩ gần như chỉ còn là huyền thuyết với người làm phim thời nay. Bởi phim nhựa có độ nhạy sáng cùng độ mịn cực cao, thành ra các bộ phim thuở ấy luôn có chất lượng hình ảnh (bên cạnh tài năng kể chuyện bằng hình ảnh lẫn ánh sáng của những người làm phim…) đẹp điếng đời với hầu hết tín đồ điện ảnh, bất kể là dưới định dạng phim 8mm, 16mm, 35mm và 70mm...
Trở lại với câu chuyện về bộ phim điện ảnh từng gắn liền tên tuổi của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, việc một số báo đưa tin mang tính tưởng niệm về thành quả làm nghề của người nghệ sĩ quá cố bằng cụm từ thiếu suy xét và sai lệch kiểu vậy, xem ra là vô cùng phản cảm trong lòng người hâm mộ và với toàn thể giới làm nghề làm phim…”, nhà biên kịch Châu Quang Phước bộc bạch.