"Đại gia Việt chi 30-40 tỷ để sở hữu một bức tranh là… bình thường"
Sự kiện bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ, "Chân dung Madam Phương" được bán với mức giá 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's Hong Kong, diễn ra lúc 17h30 ngày 18/4 khiến giới nghệ thuật Việt Nam rúng động.
Bức tranh được bán khởi điểm với giá 500 nghìn USD, sau đó nâng dần lên 1,9 triệu USD, 2 triệu USD, 2,1 triệu USD, 2,5 triệu USD và dừng ở mức 2,573 triệu USD. Sau khi tính thuế phí, bức tranh đạt 3,1 triệu USD, trở thành là bức tranh Việt có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.
Theo kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Phạm Long, "Chân dung Madam Phương" có thể do một nhà sưu tập Việt Nam mua.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà sưu tập tranh Nguyễn Minh cũng cho rằng việc các nhà sưu tập hay các đại gia Việt Nam bỏ ra hàng chục tỷ đồng để sở hữu bức tranh không còn là chuyện lạ.
"Đại gia Việt ngày càng chịu chơi và chịu chi. Có người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, kể cả 30-40 tỷ đồng trị giá cả căn biệt thự hạng sang để sở hữu một bức tranh. Đấy là những thông tin được công khai, còn những thương vụ "khủng" hơn thì chỉ có người bán tranh và mua tranh biết mà thôi.
Ngày xưa, kinh tế khó khăn, ăn không đủ nói gì đến chữ "chơi tranh" hay thưởng thức nghệ thuật? Khi cuộc sống phát triển, tài chính dư thừa, nhiều người mới nghĩ đến hưởng thụ theo sở thích. Có người thích sưu tập ô tô, có người lại thích sưu tập tranh…
Tôi nghĩ, đấy là trào lưu, xu hướng tốt cho xã hội chúng ta, thúc đẩy nền văn hóa mỹ thuật Việt Nam, để có thể sánh vai với những nước có nền mỹ thuật phát triển, văn minh như Pháp, Ý…"
Theo nhà sưu tập tranh Nguyễn Minh, tranh của những họa sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương được các đại gia Việt "săn đón" nhất. Có thể kể tên một số danh họa như: Bùi Xuân Phái, Gia Trí, Lê Phổ, Phạm Hậu…
"Trong nước thì tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là nổi tiếng nhất, được nhiều người thích nhất nhưng không phải tranh có mức giá được mua cao nhất. Nếu nói về họa sĩ có nhiều tranh bán với giá cao nhất phải nói đến Lê Phổ.
Họa sĩ Mai Trung Thứ có bức "Chân dung Madam Phương" vừa bán với mức giá được công khai kỷ lục là 3,1 triệu USD. Nhưng trước đó, Lê Phổ mới là họa sĩ có nhiều bức tranh được bán với mức giá rất cao.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng có những bức tranh được bán với giá 4-5 triệu USD, nhưng không được bán công khai. Họa sĩ Phạm Hậu cũng có những bức tranh giá trên 1 triệu USD", nhà sưu tập tranh Nguyễn Minh tiết lộ.
Cuộc đấu giá rượt đuổi "nghẹt thở" của đại gia mê tranh
Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho biết, nhiều vị khách không tiếc tiền của, thời gian và công sức để có thể sở hữu bức tranh mình yêu thích. "Có những bức tranh của họa sĩ trẻ, đồng nghiệp của tôi được bán với mức giá 500-600 ngàn USD cũng không phải chuyện hiếm. Ngay như thời điểm Covid- 19, cũng không tác động nhiều đến hoạt động mua bán tranh", anh nói.
Chia sẻ thêm về thú chơi tranh của các đại gia Việt, họa sĩ Minh Phố cho biết: "Tôi từng chứng kiến cuộc đấu giá "nghẹt thở" của một bức tranh. Giá khởi điểm chỉ khoảng 5 ngàn USD, nhưng vì nhiều người đều mong muốn sở hữu bức tranh đó nên cuộc "rượt đuổi" đến mức giá 50 ngàn USD thì chỉ còn hai vị. Và hai vị khách tiếp tục đấu giá đến mức 65 ngàn USD thì dừng lại. Sau khi kết thúc cuộc đấu giá, họ đã bắt tay nhau chia sẻ về niềm yêu thích bức tranh. Người thua cuộc gửi lời chúc mừng tới người thắng cuộc...".
Anh chia sẻ thêm: "Có những vị đại gia mê tranh và sẵn sàng chi giá cao ngay cả khi bức tranh đang trong quá trình hoàn thiện. Có người còn yêu cầu họa sĩ… vẽ thêm vào bức tranh theo ý thích của mình. Tuy nhiên, không phải họa sĩ nào cũng dễ dàng chiều theo ý của khách hàng.
Với cá nhân tôi, tôi đã từng từ chối bán tranh cho vị khách dù trả giá cao nhưng không trân trọng tác phẩm của mình".
Theo họa sĩ Minh Phố, cũng có người mua tranh giá cao nhưng không am hiểu về hội họa: "Tôi được người bạn nhờ tư vấn cho một vị khách. Vị đó muốn mua bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái và hỏi tôi: "Có biết tranh Bùi Xuân Phái không?", Giá tranh của Bùi Xuân Phái là bao nhiêu?" Chỉ cần nghe cách hỏi, tôi biết họ không am hiểu về tranh rồi".
Cũng theo họa sĩ Minh Phố, người mua tranh rất đa dạng và hoạt động mua bán tranh ngày càng sôi động. "Người mua tranh có thể vì mục đích biếu tặng, mua về treo ở nhà để thưởng lãm, sưu tập và cũng có người đầu tư. Dù là mục đích gì thì các họa sĩ cũng cảm ơn vì nhờ có sự đồng hành của họ mà các họa sĩ trẻ như chúng tôi thêm động lực trong công việc sáng tạo nghệ thuật".
Xoay quanh câu chuyện "đầu tư tranh", nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường tiết lộ: "Rất nhiều đại gia mua tranh không chỉ chơi mà còn là phương thức đầu tư. Một đại gia mua tranh của tôi từng nói: "Đầu tư vào hội họa là… đầu tư an toàn". Bởi đầu tư bất động sản hay lĩnh vào nào đó có thể có rủi ro nhưng đầu tư vào tranh thì an toàn vì họ sở hữu, nhìn thấy hàng ngày. Với những nhà đầu tư tranh, họ mua vào và có kênh để bán ra, rất chuyên nghiệp"…
Nguyễn Hằng