Chỉ số IQ ước tính của thiên tài Albert Enstein, James Sidis và nhà toán học, vật lý học Newton.
Thiên tài công nghệ Elon Musk được một số người tin rằng có chỉ số thông minh (IQ) khoảng 150, gần với chỉ số IQ ước tính khoảng 160 của các nhà khoa học vĩ đại như Albert Einstein và Stephen Hawking. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về IQ, Einstein, Musk và Hawking còn rất xa mới sánh được với William James Sidis, một nhân vật gần như vô danh nhưng có chỉ số IQ từ 210 đến 250.
Lúc này, bạn có thể tự hỏi nếu Sidis thông minh như vậy, tại sao anh ta không phải là một cái tên nổi tiếng, giống như Einstein hoặc Hawking? Tại sao hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về anh ta? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở cuộc sống khá bất thường mà Sidis đã trải qua.
Sinh ra tại New York vào ngày 1/4/1898 trong một gia đình người Nga nhập cư, Sidis có thể dễ dàng đọc báo khi mới 18 tháng tuổi. Cha mẹ anh đều là những nhà khoa học giỏi giang, người mẹ Sarah Mandelbaum Sidis là bác sĩ y khoa được đào tạo từ trường Đại học Y khoa Boston còn người bố Boris Sidis là một nhà tâm lý học nổi tiếng, có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực Tâm thần học.
Trong cuốn tiểu sử của James Sidis có tên “The Prodigy”, tác giả Amy Wallace tiết lộ rằng cha mẹ của anh cực kỳ đề cao tri thức, họ muốn con trai mình luôn tìm kiếm kiến thức và không gì khác ngoài điều đó.
Mẹ của Sidis đã chi một số tiền lớn để mua sách, bản đồ và các tài liệu khác để khuyến khích con trai học tập. Còn ông Boris Sidis thì mong muốn cung cấp cho con trai mình những công cụ hoàn hảo để hình thành khả năng suy luận và tư duy. Ông thậm chí đã tranh luận với Sidis về tâm lý học và nhiều môn học nâng cao khác ngay từ khi con trai còn nhỏ.
Tuy nhiên, Sidis không vui khi được bố mẹ mình đối xử đặc biệt như vậy.
Sidis được đánh giá là người thông minh nhất trong nhóm các thần đồng tại trường Harvard.
Năm lên 8 tuổi, cậu bé Sidis đã có thể nói 8 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Hy Lạp, Anh và tiếng Nga. Sau đó, cậu còn sáng tạo ra một ngôn ngữ của riêng mình mà cậu gọi là 'Vendergood'.
Khi mới 9 tuổi, cậu được nhận vào học tại Đại học Harvard nhưng với điều kiện phải đợi đến 11 tuổi mới chính thức đăng ký vào trường. Vì vậy, trong 2 năm tiếp theo, Sidis học toán tại Đại học Tufts, nơi cậu đã phát hiện, sửa những lỗi sai trong sách giáo khoa và nghiên cứu lý thuyết tương đối của Albert Einstein.
Mặc dù không có báo cáo kiểm tra nào liên quan đến trí thông minh của Sidis còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng xét về độ tuổi và thành tích học tập, điểm số IQ của cậu được ước tính cao hơn nhà bác học Einstein hoặc nhà vật lý Stephen Hawking từ 50 đến 100 điểm.
Năm 1909, cậu bé 11 tuổi William Sidis trở thành người trẻ nhất theo học trường Harvard. Cậu được coi là người thông minh nhất trong nhóm các thần đồng tại Harvard khi đó, trong đó có Norbert Wiener, được coi là cha đẻ của điều khiển học, và nhà soạn nhạc Roger Sessions.
Cùng năm đó, Sidis đã có một bài thuyết trình về các vật thể 4 chiều tại Câu lạc bộ Toán học Harvard. Những hiểu biết của cậu về chủ đề phức tạp này đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia.
Nhà vật lý người Mỹ Daniel F. Comstock, lúc đó đang là giáo sư tại MIT, nói: “Tôi dự đoán chàng trai trẻ Sidis sẽ là một nhà toán học thiên văn vĩ đại, người đi đầu ngành khoa học này trong tương lai”.
Tờ Sunday Herald đưa tin Sidis trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử trường Đại học Harvard.
Nhưng thật đáng tiếc, dự đoán của Comstock không trở thành sự thật. Trong thời gian theo học ở Harvard, Sidis đã phải vật lộn để có một cuộc sống bình thường. Cậu thường bị các sinh viên khác trong trường trêu chọc, chế giễu. Ngoài ra, Sidis cũng cảm thấy bị quấy rầy bởi các phương tiện truyền thông.
Theo cuốn sách tiểu sử của Sidis, “cậu bị làm trò cười ở Harvard, tất cả những gì cậu muốn là rời bỏ học viện này và trở thành một người lao động bình thường”. "Tôi muốn sống một cuộc sống hoàn hảo. Cách duy nhất để làm điều đó là sống ẩn dật. Tôi luôn ghét đám đông”, Sidis thổ lộ.
Sau khi tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi, Sidis đến Đại học Rice làm phó giáo sư toán học. Giảng viên trẻ tuổi đã dạy sinh viên đại học trong một năm và cũng đã viết một cuốn sách về hình học Euclid. Tuy nhiên, ngay sau đó Sidis cảm thấy chán nản với khoa của mình và cách cư xử thiếu tôn trọng của một số sinh viên, vì vậy anh đã rời Đại học Rice và quay lại Harvard để học luật. Năm 1919, Sidis đột ngột bỏ học sau gần 3 năm mà không rõ lý do.
Cùng năm đó, chàng thanh niên thông minh nhất thế giới bị bắt khi tham gia một cuộc biểu tình phản chiến. Sidis đã tự bào chữa cho mình tại tòa và bị kết án 18 tháng tù, bao gồm 6 tháng vì tội bạo loạn và 1 năm vì hành hung một sĩ quan. Tuy nhiên, cha mẹ Sidis đã can thiệp để xin quản lý con trai tại viện điều dưỡng của cha anh, và làm việc tại MIT, thay vì nhà tù.
Thành phố Cambridge, bang Massachusetts, nơi có trường Đại học Harvard vào đầu những năm 1910. Ảnh: Wikimedia Commons
Năm 1921, Sidis rời MIT, quyết định sống ẩn danh, sử dụng tên giả và liên tục thay đổi công việc, nơi ở mỗi khi bị ai đó nhận ra. Sidis vẫn dành nhiều thời gian viết sách, lấy nhiều bút danh khác nhau. Ông đã viết cuốn sách dài 1.200 trang về lịch sử nước Mỹ.
Năm 1925, ông xuất bản một cuốn sách đáng chú ý về vũ trụ học, trong đó ông dự đoán về các lỗ đen, từ 14 năm trước khi công trình của Chandrasekhar ra mắt. Nhưng về cơ bản, Sidis đã trốn chạy thời thơ ấu thiên tài của mình, trốn chạy khỏi cha mẹ và xã hội.
Chán ngán với biệt danh “thần đồng William Sidis”, Sidis xin làm nhân viên soát vé xe điện, và thậm chí làm một số công việc chân tay, được cho là thấp kém với một người có trí thông minh phi thường như vậy.
Năm 1925, Sidis viết "The Animate and the Inanimate", một cuốn sách thảo luận những suy nghĩ của ông về vũ trụ học và khả năng đảo ngược định luật thứ hai của nhiệt động lực học.
Mười năm sau, vào năm 1935, ông xuất bản một cuốn sách khác có tựa đề “Bộ lạc và các quốc gia” (dưới tên giả là John W. Shattuck) đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử người Mỹ bản địa. Ông cũng phát minh ra một loại lịch vạn niên được thiết kế đặc biệt để xem các năm nhuận.
Sidis tìm mọi cách sống thầm lặng cho đến năm 1937, khi một bài báo đăng trên tờ The New Yorker, đưa “thiên tài nhí” gây chú ý trở lại. Điều trớ trêu là Sidis đã kiện The New Yorker ra toà, với cáo buộc tờ báo này tội phỉ báng và xâm phạm đời tư. Sidis thắng kiện vào năm 1944 nhưng cùng năm đó ông qua đời vì xuất huyết não. Ông mất ở tuổi 46 khi chỉ còn vài đồng xu lẻ trong ví.
Cuộc đời buồn thảm của thiên tài IQ gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người đổ lỗi cho cha mẹ James vì cách nuôi dạy thiếu tình cảm, chỉ gây sức ép về tri thức. Nhiều ý kiến lại chỉ trích truyền thông đã xâm phạm quá nhiều vào đời tư của Sidis, khiến ông không thể sống một cuộc đời tự do như mong muốn.
Báo Tin tức