1. Có những lúc, công việc và cuộc sống này đều chỉ như một vở kịch mãi mãi không có hồi kết
Trên sân khấu lớn của cái xã hội này, những người trưởng thành coi nhà mình như "cánh gà", họ thay đồ, sửa soạn vẻ ngoài ở đó, và điều chỉnh tâm trạng trước khi bước lên "sân khấu", cũng chính là công ty. Khi bước đến trước quầy lễ tân, mọi người bắt đầu "kiểm soát" hình tượng của mình, hoàn thành vai diễn xã hội này giao phó. Từ trang phục, cách cư xử hay thậm chí là cảm xúc đều phải đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, đồng thời giấu kín sự khó chịu trong lòng, không làm hỏng "vở kịch" vô tận này.
Và đôi khi chính vai diễn đó khiến chúng ta kiệt sức. Chúng ta mệt mỏi vì luôn phải cố gắng "kiểm soát" hình tượng bản thân trong mắt người khác, lúc nào cũng phải đeo mặt nạ, phải tỏ ra đúng như những gì mọi người mong đợi. Rồi đến khi về nhà, về phía sau "cánh gà", gỡ mặt nạ xuống, chúng ta mới được thả lỏng, được trở về với con người thực sự của mình.
Sau khi tan ca, có người sẽ lao vào những cuộc vui với bạn bè, chuyển sang vai diễn vui vẻ và tận hưởng để tạm quên đi những bực dọc và áp lực từ công việc; có người trở về phòng, ngồi một mình trong ngơ ngác và trống rỗng, quay qua quay lại đã đến giờ đi ngủ, họ đi ngủ và sẵn sàng cho một "vở diễn" mới vào sáng hôm sau; một số khác thì trở về để đối mặt với hàng núi việc nhà, với gia đình con cái, chẳng còn thời gian đâu để nghĩ về cuộc đời mình, và cứ lu bu trong đủ loại công việc và vai trò như thế đến cuối đời.
2. Rốt cuộc, tại sao chúng ta lại cố chấp với "vai diễn" này đến thế?
Không phải ai cũng tìm được công việc phù hợp với mình cũng như niềm vui khi làm việc, việc "vào vai" khi đi làm mỗi ngày không phải là điều hiếm thấy, và cũng chẳng phải điều gì sai trái.
Có những người không cảm thấy sự nghiệp là mục tiêu của cuộc đời mình, họ chỉ coi công việc như sợi dây kết nối họ với xã hội này, cũng như công cụ kiếm tiền để nuôi sống những niềm vui, những đam mê không thể mang lại cho họ giá trị vật chất, hoặc đơn giản là một cách để kiếm sống, nuôi gia đình – điều họ trân trọng nhất. Mỗi ngày đi làm, dù vui thích hay không, họ vẫn cần "diễn" cho tròn vai.
Có những người hướng về một mục tiêu to lớn hơn, và công việc hiện tại chỉ là một trong các nấc thang dẫn họ đến thành công, có những việc khiến họ không vui vẻ, có những việc khiến họ mệt mỏi, nhưng họ vẫn không ngừng nỗ lực vì một đích đến rực rỡ ở phía xa. Mỗi ngày đi làm, dù vui thích hay không, họ vẫn cần "diễn" cho tròn vai.
Cũng có những người khác, họ không tìm được mục tiêu hay điều họ muốn trân trọng trong đời, họ đi làm chỉ vì cần phải thế. Họ cần công việc để trang trải cuộc sống và tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa của đời mình. Mỗi ngày đi làm, dù vui thích hay không, họ vẫn cần "diễn" cho tròn vai.
Suy cho cùng, công việc chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời chúng ta, và việc điều chỉnh tâm trạng cũng như tác phong khi làm việc luôn là cần thiết, điều đó cho thấy chúng ta là những con người chuyên nghiệp. Bạn không thể từ bỏ việc "vào vai" mỗi khi đến công ty, trừ khi bạn tìm được công việc yêu thích, hoặc có đủ nền tảng kinh tế để nói rằng tôi chẳng cần công việc này.
3. Sau tất cả, chúng ta nhận lại được gì?
Bạn là người duy nhất quyết định được việc cuộc sống cũng như công việc hiện tại sẽ mang lại gì cho bạn.
Nhưng dù sao đi nữa, ít nhất việc "vào vai" và tỏ ra chuyên nghiệp sẽ giúp bạn giữ được công việc hiện tại và thậm chí là mở đường thăng tiến cho bạn.
Bạn còn tỏ ra chuyên nghiệp khi đi làm, cho thấy bạn vẫn có trách nhiệm với công việc, cũng như có trách nhiệm với chính bản thân mình.
Dù bạn đã tìm được mục tiêu của đời mình hay vẫn còn hoang mang tự hỏi về ý nghĩa của sinh mệnh này, đừng bỏ cuộc và hời hợt với chính mình. Hãy cứ nghiêm túc với công việc như đang bám lấy chiếc "cọc" giữa dòng đời, để tránh việc để mình "lạc trôi" quá xa, và cho chính mình một khởi đầu tốt bất cứ khi nào muốn bắt đầu một hướng đi mới.
Cuối cùng, mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ hạnh phúc.