Lê Hàn Tuệ Lâm là gương mặt nữ trẻ hiếm hoi trong giới Venture Capital (đầu tư mạo hiểm) hiện nay. Cô đang đảm nhiệm chức Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans tại Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ. Mới đây, Tuệ Lâm gây chú ý khi là một trong 3 người Việt Top Forbes 30 Under 30 Asia 2021.
Tuệ Lâm sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, bố mất sớm, gia đình luôn thuộc diện hộ nghèo, mẹ cô phải gồng mình nuôi 4 con gái ăn học. Không ít người khi biết được hoàn cảnh của Lâm càng thêm nể phục cô gái trẻ. Thế nhưng, Tuệ Lâm cho rằng,mọi người không cần biết về hoàn cảnh xuất phát của một người.
Tư duy của cô gái trẻ là: "Chúng ta hãy cứ công bằng với nhau đi, hãy cứ cố gắng hết sức bằng chính khả năng của mình, không quan trọng ai xuất phát thế nào. Nên tốt nhất, mọi người không nên biết. Cứ thử đặt trường hợp ngược lại, rằng bạn sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ làm giám đốc hay Bộ trưởng, bạn cũng không muốn mọi người biết, để họ có cái nhìn công tâm nhất".
PV Dân trí có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng Lê Hàn Tuệ Lâm:
Ngay khi lọt Top Forbes 30 Under 30 Asia, Tuệ Lâm trả lời trên báo chí rằng, bạn không muốn nhắc đến hoàn cảnh của mình. Nhưng thực tế, hoàn cảnh góp phần thế nào đến thành công của bạn hiện tại?
Câu hỏi này mình đã được hỏi khá nhiều lần rồi. Ngày xưa, khi đi phỏng vấn ở công ty cũ, mình nhận được câu hỏi: "Bản thân bạn thấy mình may mắn ở bao nhiêu so với thang điểm 10?". Lúc đó, Lâm thấy mình may mắn ở thang 9,5/10 điểm. Lâm nghĩ rằng tất cả những thứ đến thời điểm bây giờ mình có, phần nhiều cũng nhờ hoàn cảnh.
Mình may mắn vì sinh ra trong một gia đình không có điều kiện nên lúc nào cũng phải cố gắng. Khi mình không có nhiều lựa chọn thì chỉ có một con đường để đi thôi. Không có nhiều thời gian để thử, mình không bị phân tâm bởi những cái khác. Và khi không có lựa chọn thứ hai thì mình làm rất tốt.
Nếu như được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, chắc mình "phá phách", mông muội hơn nhiều lắm!
Chọn cho mình một con đường riêng rồi gia nhập giới Venture Capital, Lâm hình như không hề đi lạc. Nếu không, có lẽ bạn không thể đạt dấu ấn sự nghiệp sớm như vậy?
Bạn hỏi tại sao 26 tuổi mà mình đạt được thành quả như thế này… Điều đó có lẽ đến từ việc đặt mục tiêu rất thiết thực, ngay từ hồi học lớp 7, lớp 8, Lâm chỉ có một mục tiêu thôi: Sau này mình phải kiếm được nhiều tiền.
Tại sao phải kiếm được nhiều tiền? Có nhiều tiền mới xây được nhà cho mẹ. Có nhiều tiền thì khi mẹ đi chữa bệnh mới được nằm giường tốt. Câu trả lời đó thực sự đơn giản, nhưng rõ ràng. Điều đó buộc mình phải tìm cách tiếp cận vấn đề mới: "Mình phải làm việc gì mà hàm tăng trưởng của nó là hàm mũ chứ không phải hàm đường thẳng".
Mình nhận ra tất cả các hàm tăng trưởng có mũ thường liên quan đến tái đầu tư. Đó là lý do mình bắt đầu với chứng khoán. Và nguyên lý đó, mình áp dụng/ tiếp cận cho rất nhiều thứ chứ không chỉ mỗi sự nghiệp đâu. Những gì mình xác định làm đều phải là hàm mũ bởi vì quỹ thời gian của ai cũng có hạn.
Ai là người đề cử bạn vào Forbes 30 Under 30 Asia, lĩnh vực Tài chính?
Forbes cho biết, có khoảng 2.500 người trong lĩnh vực Tài chính. Thông thường danh sách này lựa chọn dựa trên những đề cử và đến thời điểm này, mình cũng không biết ai đã đề cử mình.
Mình nghĩ, bản thân được danh hiệu này cũng là may mắn và mình cũng rất vui nhưng đó không phải là điều gì quá to tát. Nó không phải là thứ sau cùng Lâm muốn mọi người nhớ đến về mình.
Vậy bạn muốn mọi người nhớ gì khi nghĩ đến mình?
Mình từng được gặp những người tầm cỡ đạt giải Nobel hoặc Fields. Mình thấy cái tạo nên họ không phải giải thưởng mà là tri thức, kiến thức trong đầu họ và cống hiến của họ cho cộng đồng.
Không chủ tâm để có danh hiệu, bạn nghĩ mình có những tiêu chí nào để phù hợp với nó?
Có một câu hỏi rất hay Forbes hỏi rằng: Đâu là câu nói mình cực kỳ ấn tượng làm "kim chỉ nam" cho cuộc sống của mình? Và khi ấy, không cần suy nghĩ Lâm đáp: "If you can't be all in, you should be all out" (Nếu bạn không chấp nhận cược hết bằng sự cố gắng thì bạn nên từ bỏ ngay từ đầu).
Mình nghĩ, cái mà họ muốn là họ tìm hiểu chính là về con người, tính cách của mình, tất nhiên họ cũng có hỏi về thành tích. Toàn bộ hành trình mình đi, từ lúc bắt đầu đến thời điểm này, mình rất tự tin rằng mình chưa bao giờ bỏ cuộc cả.
Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, Lâm làm sao đạt vị trí này?
Trước tiên, mình sẽ nói về một số "facts" (thực tế). Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans cũng luôn tìm kiếm một ứng cử viên để có thể mở rộng ở thị trường Việt Nam. Trước khi Lâm vào, họ đã tìm kiếm trong suốt 2 năm và cũng chưa tìm được người phù hợp. Bởi thực tế, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn rất mới và chúng ta cũng chưa có ngành đào tạo về lĩnh vực này. Nên vô hình trung, nguồn nhân lực bị khan hiếm.
Cho đến khi chuyển công việc, mình nói chuyện với tất cả các quỹ đầu tư đối tác của công ty mình đang làm. Và cuộc nói chuyện lâu nhất diễn ra với Nextrans. Mình nhận ra rằng, hai bên rất đồng điệu và phù hợp với nhau. Họ cũng không chỉ tìm một người có năng lực mà là một người thực sự muốn xây dựng một thứ gì đó, một người có khả năng hiện thực sứ mệnh và tầm nhìn của Nextrans.
Và mình cũng tìm những quỹ đầu tư như vậy - một quỹ muốn xây dựng một điều gì đó ở Việt Nam chứ không chỉ tìm cơ hội đầu tư rồi rời đi.
Mình nghĩ từ khóa đây là "Right person" - Người thích hợp, người đúng với vị trí đó.
Công việc của một Giám đốc Quỹ đầu tư là gì?
Vị trí của mình là tìm ra những công ty mới tiềm năng, mình có thể đầu tư. Bên cạnh đó, vẫn hỗ trợ những công ty mình đã đầu tư rồi. Nó có thể là ngồi cùng với họ để tìm ra vấn đề hoặc tham gia hỗ trợ họ trong quá trình gọi vốn cho các vòng tiếp theo.
Nhận phụ trách cả thị trường châu Á vào thị trường Mỹ, bạn thấy đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai thị trường này?
Mình nghĩ khác biệt lớn nhất đó là thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là chúng ta đa phần đi theo những mô hình có sẵn đã được chứng minh thành công ở những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Chẳng hạn ở Mỹ có Uber thì Đông Nam Á có Grab, nghĩa là model có thể giống nhau nhưng thị trường thì khác nhau. Các startup châu Á ít khi có những mô hình hoàn toàn mới (disruptive business model). Ở Việt Nam điều này lại càng khó (không phải không có nhưng sẽ rất ít).
Thực tế, nhà đầu tư cũng không mạnh dạn đầu tư vào những mô hình quá mới ở Việt Nam.
Khi đánh giá các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam, quỹ mạo hiểm sẽ xét những yếu tố nào để quyết định đầu tư?
Mỗi quỹ đều có khẩu vị đầu tư hay những ngành yêu thích khác nhau nhưng nhìn chung, đều có 3 đặc điểm cơ bản.
Thứ nhất, thị trường phải đủ lớn. Sở dĩ các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đầu tư ở các thị trường lớn vì xác suất thành công rất thấp. Vì bản chất Ventures Capital - VC là đầu tư mạo hiểm, tỷ lệ startup thất bại cao lắm, có khi đến 50% danh mục. Nên để bù cho những khoản đầu tư đã mất ấy, buộc những deal còn lại phải thắng ở thị trường lớn, phải mang tỷ suất hoàn vốn (ROI) đủ cao, 5x, 10x thậm chí 20x, 30x thì mới có lợi nhuận và bù đắp cho những khoản đầu tư bị lỗ.
Như trường hợp của SoftBank đầu tư vào Alibaba là 6.000 lần. Đối với VC, "volume" thị trường tối thiểu cũng phải rơi vào vài trăm triệu USD.
Thứ hai, yếu tố sản phẩm, dịch vụ của các công ty đó. Nếu thị trường không sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm của bạn hoặc mức độ sẵn sàng chi trả thất thường thì rất khó để thành công.
Thứ ba, yếu tố đội ngũ, con người. Khả năng học hỏi của những người sáng lập (founders) rất quan trọng. Startup sẽ đi từ 10 đến 20 người đến 100 người. Rồi từ 100 người đến 500 người. Khi công ty lớn dần thì bản thân người đứng đầu cũng phải trưởng thành, phải lớn theo.
Quỹ của mình có kinh nghiệm đầu tư 15 năm rồi, quỹ hiểu rằng những công ty đi được đến level "IPO" - khi công ty có số lượng nhân viên lên đến hàng nghìn người thì đội ngũ sáng lập lúc ban đầu đã trưởng thành khủng khiếp trong khoảng thời gian đó.
Quay trở lại việc đi làm, như lúc đầu Lâm có nói, bạn sẽ luôn đặt câu hỏi làm thế nào để có được nhiều tiền? Bây giờ câu hỏi đó còn thường trực nữa không?
Phải chia sẻ thật là câu hỏi "Làm thế nào để có được nhiều tiền" đã không còn là trọng tâm của mình từ cách đây 3-4 năm trước.
Mình hiểu ra rằng cách đầu tư có thể sinh lời tốt nhất là cách đầu tư vào bản thân. Mình có thể làm việc ở công ty nào nhưng mỗi năm mình luôn cố gắng đầu tư giá trị bản thân lên 20-30%. Thì đến một lúc nào đó mình có thể nhảy vọt. Chẳng hạn từ mức lương 1.000 đô đến 5.000 đô, từ 5.000 đô lên 10.000 đô. Đó là ví dụ về sự nhảy vọt.
Thời điểm hiện tại, mình nhận ra điều quan trọng nhất khi đi làm chẳng phải là lương. Mình mới 26 tuổi thôi, con đường phía trước còn rất dài. Thứ mình tìm kiếm là cơ hội có thể đầu tư vào chính mình, càng nhiều càng tốt: đó là cơ hội cho mình được trải nghiệm, gặp nhiều người giỏi, được quyết định, sai thì làm lại.
Sau này khi có gia đình có thể mình sẽ ưu tiên những công việc ổn định hơn. Còn ở thời điểm hiện tại mục tiêu lớn nhất của mình vẫn là hoàn thiện bản thân, biến chính mình thành một hàm mũ.
Nhắc đến việc học hỏi và không ngừng cải thiện chính mình, người thầy nào bạn gặp trên chặng đường 26 năm đã để lại ấn tượng sâu sắc?
Đầu tiên, người thầy lớn nhất chính là mẹ mình. Mình được thừa hưởng nét tính cách không từ bỏ ở mẹ. Bố Lâm mất từ khi mình còn rất nhỏ và mẹ là người nuôi cả 4 chị em cùng học đại học. Đó là một sức mạnh phi thường. Mẹ là người thầy mà mình phải dành cả cuộc đời để cảm ơn.
Sếp và đồng nghiệp mình từng gặp là những rất giỏi, không chỉ giỏi mà họ còn khiêm tốn. Có những thứ khi hỏi ra mình mới bất ngờ: "Trời ơi, họ biết nhiều quá".
Ở công ty mình làm việc hiện tại, Eddy - CEO của quỹ là người mình rất nể. Ngày xưa đi chọn công ty lúc nào mình cũng nghĩ: Chẳng có công ty nào đủ tốt cả để mình đầu tư cả! Công ty nào cũng thấy có điểm này, điểm kia chưa được.
Eddy dạy cho mình bài học rằng làm startup rất khó khăn. Không phải lúc nào họ cũng có nguồn lực để chọn làm cái này hay chọn làm cái kia. Họ đã cố gắng rất nhiều.
Thế nên mình không thể khắt khe đến mức đòi hỏi sự hoàn hảo. Rất khó tìm được những công ty như vậy. Chẳng qua là trong chúng ta chọn lựa và chúng ta tin cái gì ở họ.
Mình nghĩ đó là điều vừa may vừa rủi. Đó là mình mới 26 -27 tuổi mà già như ba mấy tuổi ấy! (cười) Mình thấy mình già hơn rất nhiều tuổi thực vì mình tiếp thu những tư tưởng của những người đi trước mình đến cả vài chục năm.
Nếu nói về mơ lớn nhất của mình, Lâm sẽ nói gì?
Sau này mình muốn làm về giáo dục.
Tại sao lại là giáo dục. Hiện tại, đã có rất nhiều người làm về giáo dục rồi?
Khi Lâm đọc đề bài của ĐH Stanford, hỏi rằng: "Điều gì quan trọng nhất với bạn? Tại sao?". Mình cảm thấy nó khó khủng khiếp.
Mình tự hỏi điều gì quan trọng nhất với mình đây? Tiền? Địa vị? Gia đình? Tình yêu? Và câu trả lời nào mình cũng thấy nó không đủ. Và sau tất cả nhìn lại những gì mình đã làm, mình thấy rằng điều quan trọng nhất với mình đó là thời gian. Mình muốn tiết kiệm thời gian, càng nhiều càng tốt, cho cả một thế hệ. Đó là lý do tại sao mình muốn làm giáo dục.
Nhưng liệu có một hình dung nào cụ thể hơn không?
Một kế hoạch cụ thể, chi tiết thì chưa nhưng sau này khi đến một độ tuổi nhất định, khi mình đủ "chín" cả về mặt kinh nghiệm, tài chính và rất nhiều thứ khác, mình sẽ cố gắng tạo ra một ngành học/ một lĩnh vực học về đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, Việt Nam chúng ta chưa có ngành này.
Tất nhiên đây là một ý tưởng ở thời điểm hiện tại. Có thể sau vài chục năm nữa mình có những ý tưởng khác nhưng chắc chắn vẫn sẽ là giáo dục.
Là giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm, trong cuộc sống bạn có mạo hiểm không?
Trở lại cuộc sống cá nhân, Lâm tự thấy mình là người khá an toàn và ngại thay đổi. Vì mình thấy, mọi sự thay đổi đều mất thời gian. Mặc dù là con gái nhưng màu son cái kẹp tóc, đôi giày mình đi..., tất cả những thứ đấy mình gần như không có nhu cầu thay đổi nhiều. Bởi vì mình thấy nếu dành thời gian cho những thứ đấy thì mình sẽ mất thời gian của những việc khác.
Vậy đấy, trong cuộc sống mình khá đơn giản và ngại thay đổi, không thích mạo hiểm gì cả!
Với các mối quan hệ, mình cũng tập trung vào chất lượng hơn số lượng.
Điều gì làm nên thành công bước đầu trên con đường sự nghiệp của bạn?
Sự tập trung. Trước giờ dù ai nói ngả nói nghiêng thì mình vẫn cứ tập trung làm điều mình đã đặt ra. Có mục tiêu rồi, mình cứ thế đi thẳng không cần biết xung quanh như thế nào. Tiếp đó là sự chăm chỉ.
Để lọt top 10% người xuất sắc nhất, chúng ta hoặc phải là người rất thông minh hoặc phải là người chăm chỉ. Nhưng nếu để lọt được vào top 1% thì mình phải có cả hai. Vì nhiều người thông minh họ cũng sẵn sàng cố gắng hết sức.
Vậy nếu mình chỉ thông minh thôi chưa đủ. Mình nhận thấy ai thành công đều chăm chỉ. Vậy nên đó là 2 từ khóa của mình.
Tuệ Lâm có lời khuyên dành cho các bạn trẻ không?
Hãy tập trung. Các bạn trẻ đang học đại học hãy học cho tốt, học giỏi. Học để làm sao mình đặt vị trí xuất sắc ở môn/ ngành mình học. Đó đã được coi là một thành công rồi.
Thứ hai, bạn vẫn cần sự chăm chỉ. Các bạn sinh viên có thể có nhiều thời gian hơn những người đi làm. Mình luôn khuyên các bạn học thêm một cái gì đó. Chúng ta còn trẻ, "đường học" của chúng ta rất cao, chúng ta học và tiếp thu mọi thứ nhanh. Hãy tận dụng cái đó, học càng nhiều càng tốt.
Đến khi các bạn 25-26 tuổi, các bạn học một thứ gì mới sẽ mất thời gian hơn rất nhiều và lúc ấy lại bắt đầu hối tiếc. Mình khuyên các bạn rằng, còn trẻ hãy cố gắng học. Mình khuyên vậy thôi và làm được như vậy thôi là đã tốt lắm rồi.
Còn không, bạn hoàn toàn có thể "tìm đường" nhờ bám vào câu hỏi: "Làm thế nào để tìm được hàm mũ tăng trưởng", như cách của Lâm.
Cảm ơn Tuệ Lâm vì cuộc trò chuyện!
Thực hiện: Lệ Thu