Trước đó, đàn ông phải cạo râu bằng dao cạo mà hiện nay vẫn còn dùng trong các tiệm hớt tóc dành cho thợ chuyên nghiệp, dao cạo này rất khó sử dụng và dễ gây trầy xước (hình dưới, loại inox hiên đại của Mỹ). Đến nay, tuy dao cạo râu đã có nhiều cải tiến, như dao nhiều lưỡi hay dùng điện…đi kèm với các loại kem cạo râu, nhưng vẫn không đi xa hơn là bao, so với phát minh ban đầu của ông Gilllette.
Nhớ thời kỳ bao cấp, dao lam (chứ không phải bộ dao cạo râu hoàn chỉnh) cũng như các nhu yếu phẩm khác, phân phối theo định lượng, chỉ nam giới mới có tiêu chuẩn, mỗi quý mua được 1 hộp 10 lưỡi rẻ như cho không, nhưng hoàn toàn không đủ xài. May sao bên cạnh thị trường phân phối, lúc nào cũng có thị trường chợ đen như hình với bong. Có lẽ cũng xuất phát từ cùng cảnh ngộ, nên người Nga có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua đuợc bằng tiền nhiều hơn”!
Rất hiếm hoi mói được mua lưỡi lam tự do. Có một lần tôi đi Hà Nội công tác, qua một cửa hàng mậu dịch ở phố Cổ Ngư thấy đang xếp hàng rồng rắn. Người xếo hàng toàn phụ nữ, tôi ghé hỏi, mới biết họ xếp hàng mua lưỡi lam về cho chồng hoặc cha gì đó. Đang cần lưỡi lam, nên tôi cũng xếp hàng, đến lượt mình thì chỉ được mua có 1 lưỡi. Tôi chỉ vào mặt râu mọc như rễ tre của mình, xin cô thông cảm cho, lưỡi dao lam này chỉ dùng được ngày một. “Mua về để phe hả? Người sau tiếp!”, cô mậu dịch viên lạnh lùng quát lớn. Lúc đó, ý của mậu dịch viên là “thánh chỉ”, chẳng ai dám cãi.
Mấy chục năm trôi mau, tôi nghỉ biên chế Nhà nước, kiếm việc ngoài thử vận may. Vào thời điểm kinh tế đã mở cửa, công việc đầu tiên tôi thử sức là chào hàng dạo dao cạo râu cho một công ty nước ngoài. Công việc của tôi cũng bình bình, thu nhập chỉ đủ trang trải chi tiêu gia đình. Câu chuyện xếp hàng trong thời bao cấp kể trên lóe lên trong óc tôi như một tia chớp, khiến tôi nẩy ra sáng kiến: bán dao cạo râu cho phụ nữ.
Tôi chào hàng một cô nữ sinh trước cổng trường Đại học Kinh tế TP. Cô tròn mắt như gặp phải quái nhân. Tôi kiên nhẫn giải thích, cô có thể mua cho người yêu hoặc cha mình. Cô như “bừng tỉnh”, tỉ tê với tôi, mai là sinh nhật cha mình, đang băn khoăn không biết mua tặng món quà gì: Quần áo thì sợ ông mặc không vừa, cà-vạt thì ông đã có quá nhiều…, chỉ có dao cạo râu là đàn ông nào cũng cần.
Thành tích bán hàng của tôi đã tăng cả chục lần, được sếp Đài Loan khen là có suy nghĩ sáng tạo và được đề bạt ngay làm giám đốc tiếp thị, mở ra con đường đầy hoa thơm.
Phái mày râu như một cỗ máy tính vận chuyên hết cỡ, cần phải bổ sung thêm các “phần mềm” như giầy da, dây lưng, cà-vạt và dao cạo râu.
Nếu bạn là nữ, khi đã nhắm đến một người đàn ông nào đó, hãy nhẹ nhàng đến gần anh ta, tặng bộ dao cạo râu hiệu Gilllette hay Phillipes. Chắc chắn quà tặng của bạn sẽ được đón nhận vui vẻ. Hằng ngày, dao cạo râu nhỏ bé sẽ thay mặt bạn “ve vuốt” làn da anh ta; từ khuôn mặt, quãng đường đi vào trái tim chàng chẳng còn bao xa nữa.
Có người cho rằng, dao cạo râu cùng họ với dao kéo, hàm ý “cắt đứt”. Đó hoàn toàn là ngộ nhận, tôi có điều đính chính như sau: Thứ nhất, quan hệ hai bên còn chưa xác lập, lấy đâu ra mà “cắt đứt”? Thứ nhì, dao cạo râu chỉ có tác dụng cạo, làm nhiệm vụ “phát quang”, nó không phải lưỡi lam, không thể “cắt” được.
Dao cạo râu tuy nhỏ, nhưng nó chuyển tải biết bao ngôn ngữ của tình yêu. Bạn ơi, hãy hành động, đừng do dự nữa!
Lữ Khách