Chuyện thi sĩ Hoàng Cầm với định mệnh diêu bông

Theo Người Đô Thị03/01/2022 23:00
Chuyện thi sĩ Hoàng Cầm với định mệnh diêu bông

Sau rất nhiều năm tháng và các cuộc liên hoan sân khấu định kỳ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc 1996 ở Ninh Bình. Tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội, đi Ninh Bình dự liên hoan.

Trở về Hà Nội, tôi đến 51 Trần Hưng Đạo lấy vé máy bay Hội cấp đặng trở lại TP.HCM. Tôi tình cờ gặp ông - thi sĩ Hoàng Cầm đầu bạc - đang ngồi uống chén nước trắng (rượu quê nấu lấy) ở quán cóc vỉa hè Hà Nội, ngay trước cổng phụ, lối ra vào ngôi nhà Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, vốn là biệt thự của Bảo Đại ngày xưa.

Tháng năm dương lịch, Hà Nội dịu nhẹ trong tiết cuối xuân đầu hạ, vài chùm hoa sấu lác đác nở trong vòm lá xanh đang thong thả trút xuống những lá vàng cuối của mùa thay lá. Hoa sấu trắng rơi rụng li ti trên mặt gạch cũ vỉa hè Hà Nội, nhỏ xinh như những hạt gạo nếp cái hoa vàng. Giữa giấc trưa chính ngọ, thi sĩ đầu bạc Hoàng Cầm cúi đầu trầm ngâm, nửa vầng trán lấp trong vành mũ vải trắng. Ly rượu nhỏ trước mặt đã hầu tàn. Người đàn bà chủ quán mắt lơ mơ buồn ngủ ngồi lặng im đối diện. Liếc thấy ông ngồi một mình vẩn vơ, không nỡ đi qua, tôi kéo ghế đẩu, ngồi hầu chuyện.

Đến lúc này, ông mới biết tôi là đồng hương Kinh Bắc, quê ngoại gốc làng Đình Bảng, nơi có thứ rượu nếp chính hiệu cuốc lủi trong vắt lên tăm, nồng nàn chĩnh sành đậy nắp lá chuối khô, nơi đàn bà con gái đa tình, sóng sánh mắt lá răm, yêu kiều vận váy Đình Bảng buông chùng cửa võng (câu thơ mở đầu Lá diêu bông). Hoàng Cầm bảo quê ông gần đó, chỉ cách mấy thôi đường. Loay hoay một lúc, ông rút từ chiếc ví đen bên người một tập thơ, vừa viết lời đề tặng tôi, vừa bảo “đây là tập thơ tình tôi vừa lấy ra từ nhà in”: Thơ Hoàng Cầm - 99 tình khúc.

hoangcam1.jpg

Bút tích và một số tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Cầm - Ảnh: HC100

Bìa tập thơ được họa sĩ vẽ rất ngộ: hai đôi môi đỏ hình trái tim như hai cánh hồng nhung được xâu lại với nhau bằng sợi chỉ đen thắt nút giữa… Mắt Hoàng Cầm xa xôi sau cặp kính trắng. Ông đối thoại với tôi đầy vẻ xa vắng, như đang độc thoại.

99 tình khúc, 9 lần 9 là 81. Con số 81 là tai nạn cuối cùng khép lại chặng đường thỉnh kinh gian nan vất vả, đầy tai ương chướng họa của Đường Tăng.

Thế chẳng hóa ra ái tình chính là tai nạn cuối cùng để thi sĩ Hoàng Cầm siêu thoát khỏi cõi đời ư?

Không chỉ tai nạn cuối, mà là tai nạn đầu đời. Có khi là… đại họa. Nhưng thật phúc đức cho ai thành người và thành thi sĩ, sau khi qua hết những đại họa hạnh phúc ấy. Tôi biết ơn tất cả những người con gái đã đi qua đời tôi, đã gieo gió bão trên cánh đồng thi ca của riêng tôi. Nếu như tôi chọn được 99 bài thơ tình này trong 300 bài tình in rải rác từ 1940 đến nay, thì có thể nói tất cả đều là di vết tình yêu của 13 người và lần lượt ra đi. Chỉ thơ còn lại cùng tôi.

Chị Vinh - người đầu tiên của Thơ dâng - phải chăng là “chị” trong bài thơ tình danh tiếng Lá diêu bông?

Đúng. Năm tôi lên 8, một lần từ tỉnh trọ học về thăm nhà, vào một buổi chiều nắng xiên khoai, tôi chợt gần như bị sét đánh khi nhìn thấy chị Vinh 16 tuổi, bước vào ngôi hàng xén của mẹ tôi. Trước mắt tôi, chị hiện ra lung linh sáng rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ phút giây định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết giời đất, ất giáp; quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng nhìn sang bên kia đường số 1, xê xế nhà tôi khoảng 20m, nơi “thiên thần” của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, lơ thơ mấy món quà quê: chè tươi, bánh đa, kẹo vừng, bánh đúc…

Trong đầu óc thơ dại, ngây non của mình, tôi đã tưởng trên cõi đời này, mẹ tôi là người đẹp nhất. Từ khi tôi thấy chị Vinh, mẹ tôi chỉ còn đẹp bảy phần, chị mới là người đẹp nhất trần gian. Chị lại giỏi chữ nho và hát quan họ rất hay. Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm giời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng.

Chị Vinh biết không?

Chị biết ngay từ cái nhìn đầu tiên của một cậu bé con bị choáng. Mẹ tôi cũng biết. Chẳng thế mà chị chịu cho thằng bé 8 tuổi lẵng nhẵng bám theo mình như cái đuôi. Tình trai gái mơ hồ vương vấn ngọt ngào vào tình chị em. Tôi thích thơ lục bát, có lần phải lìa chị trở lại trường, nhớ chị thiêu đốt ruột gan, tôi vớ lấy bút mực tím, viết ngay một bài thơ lục bát dài hai trang giấy học trò, đầu đề tô bằng bút chì xanh đỏ; lại vẽ thêm hoa, chim, bướm, núi sông, rồi viết nắn nót: "Gửi chị Vinh của em".

Có phải Lá diêu bông?

Không phải. Tất nhiên. Nhưng nếu không có cái tình ngây thơ, trong trẻo, đắm đuối ấy với chị Vinh thì hai mươi mấy năm sau, tôi không thể có được Lá diêu bông. Tất cả bắt đầu từ chị Vinh - người chị luôn cho cậu - bé - tôi quấn quýt bên mình, cho tôi ngồi kề vai xem chị chơi bài tam cúc trong hơi ấm ổ rơm. Mỗi lúc chị say sưa cầm cỗ bài tam cúc mép cong cong, chị gọi đôi cây, trầu cay má đỏ, thì cậu - bé - tôi hong hóng “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”, với mong ước cháy bỏng rằng: EM đừng lớn nữa, CHỊ đừng đi.

Rồi chị vẫn dứt áo ra đi. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm mà không thấy. Biền biệt tăm cá bóng chim…

Lá diêu bông là thứ lá có thật không nhỉ?

Đấy là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá non ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị thần tiên thời thơ ấu. Nhưng cuộc đi tìm lá của chị Vinh thì có thật hoàn toàn. Tôi còn nhớ mồn một buổi chiều đông, rét ngọt lọt thấu xương. Tôi đương chơi tha thẩn giữa sân nhà, nhác thấy chị Vinh mở cửa bước ra, tôi vội vã bươn theo. Chị Vinh vận áo cánh lụa mỡ gà, yếm trắng lòng trai, khoác gilet tím nhạt, ôm bó lưng ong. Váy lụa đen Đình Bảng rũ mềm, buông chùng cửa võng, thắt lưng hồng điều. Nếp váy mềm mại chấm mắt cá chân, sóng sa sóng sánh theo gót son thoăn thoắt.

Chị đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Tôi thấy chị thẩn thơ tìm trên đồng chiều, cuống rạ. Rồi lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi vẫn lẵng nhẵng sau lưng: Đứa nào tìm được lá diêu bông, từ nay ta gọi là chồng. Chị tìm khổ sở và tuyệt vọng, thi thoảng lại ngó về phía chân trời, dõi theo một dải mây lang thang xa lắc.

Cuộc đi tìm chiếc lá ấy, dĩ nhiên là không thành. Đời chị Vinh sau này chỉ có thể gắn vào mấy chữ bèo dạt mây trôi, má hồng phận bạc. Nhưng cái lúc thấy chị đi tìm mà không tìm được, tự tâm linh, tôi thương chị đến tan nát lòng, nên trong bài thơ, tôi đã mơ màng da diết: Hai ngày em tìm thấy lá. Chị chau mày đâu phải lá diêu bông. Mùa đông sau, em tìm thấy lá. Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông. Ngày cưới chị, em tìm thấy lá. Chị cười xe chỉ ấm trôn kim. Chị ba con em tìm thấy lá. Xòe tay phủ mặt, chị không nhìn. Từ thuở ấy em cầm chiếc lá. Đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi. Diêu bông hời, ới diêu bông…

Thi - sĩ - bé - con yêu chị Vinh từ 1934, mà mãi 25 năm sau (năm 1959) mới ra đời bài thơ tình Lá diêu bông?

Năm tôi 12 tuổi, chị Vinh lấy chồng, cũng vào mùa đông căm căm rét mướt. Chính mẹ báo cho tôi tin dữ. Hiểu lòng con, mẹ để tôi mặc tình khóc. Tiếng khóc nổ vỡ của vũ - trụ - riêng - tôi. Kể từ khi tôi bị sét ái tình, tới 25 năm sau, đúng vào một đêm đông rét căm căm như thế, năm tôi đã quá tuổi tam thập, ở cùng gia đình tại phố Lý Quốc Sư - Hà Nội; quá nửa đêm, tôi vẫn không sao ngủ được, cứ trằn trọc, thao thức. Trong cái đêm bồn chồn khó tả ấy, tôi chợt nghe văng vẳng tiếng người đọc bổng trầm, du dương thánh thót. Chẳng phải giọng mẹ tôi, cũng chẳng phải giọng chị Vinh. Ngữ điệu nhịp nhàng, êm ái như vẳng đến từ một cõi xa lắc nào.

hoangcam2.jpg

Từ phải: Thi sĩ Hoàng Cầm, PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái và NSND. Phạm Thị Thành trong dịp hội ngộ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cách đây hơn 20 năm - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi đã có kinh nghiệm về cái - giọng - đọc - đêm - trong - tâm - linh này, nên bao giờ đi ngủ, tôi cũng để sẵn tờ giấy và mẩu bút chì ngay cạnh. Nằm ngủ tôi cũng nghiêng về phía ấy. Nghe thấy giọng đọc, tôi bật dậy, chép vội vàng. Chép đến chữ cuối, người tôi như thoát phàm. Nhẹ bỗng. Lá diêu bông ra đời như thế.

Nghe ông nói, tôi thấy dường như thi sĩ đã bị thơ “ốp đồng” thì phải…

Đúng vậy. Hệt như trường hợp Bên kia sông Đuống. Dạo ấy đang kháng chiến chống Pháp, có một lần tôi nghe tình hình chiến sự trung du, thấy lòng dạ thấp thỏm, lo lắng sầu muộn cho miền quê Kinh Bắc của mình… Thế rồi đêm ập đến, trong giấc ngủ bồn chồn, tôi thấy người bâng khuâng thật lạ. Đến nửa đêm, vẫn cái - giọng - đọc - đêm ấy cứ từ từ cất lên trong tâm tưởng, văng vẳng câu đầu: Em ơi buồn làm chi, anh đưa em về bên kia sông Đuống… Rồi mạch thơ dào dạt tuôn chảy. Tôi viết lia lịa và cả một bài thơ dài đã hiện ra như thế.

Song, thơ tình mới thật là cái thứ “ốp đồng” tôi nhanh nhất, mạnh nhất và dữ dội nhất. Như giông. Như bão. Tôi sống với nó, bị nó hành ngày ngày, đêm đêm. Mà vẫn thấy ngời ngời sung sướng và hạnh phúc. Nó chính là cái tinh túy của lòng tôi và trong veo trong vắt, không vương một dấu vết nào của cố gắng kỹ thuật, các biện pháp gia công, các bận tâm đổi mới tu từ… Thơ tình của tôi trào ra từ đáy thẳm lòng tôi, vụt hiện từ vô thức, bảo tôi chép thế nào thì tôi tuân lệnh, thành thật “sao y bản chính”…

Có người cho thơ tình Hoàng Cầm thấp thoáng nét quyến rũ tình dục?

Không phải tình dục (sensualité) mà là tính dục (sexualité - sexualisme). Mà tính dục, theo tôi là bản thể nguyên thủy trong trẻo nhất của tình yêu trai gái. Không dưng mà Nguyễn Du tả Thúy Kiều tắm, đã vẽ một bức tranh “nuy” tuyệt trần: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Tôi có một bài thơ bức tranh nuy: Hội Yếm bay. Tôi chưa thấy thứ áo ngực nào đẹp xinh, tình tứ, mà quyến rũ đáo để như yếm trong trang phục cổ của gái quê Kinh Bắc, với các chất liệu mềm mại: lụa sồi, đũi, nái… với lộng lẫy sắc màu: lòng trai, xác pháo, hồng điều, thanh thiên, nâu non, lá mạ, hoa hiên, vỏ đỗ… Yếm che khít ngực, ôm ấp dịu dàng, mềm mại, chứ không nịt chặt như áo lót hiện đại bây giờ.

Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi
Em không buộc thắt lưng thon nữa
Thả búp tròn căng nuột ấy… ơi!
Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy
Một chiều khổ cực bốn chiều say
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết
Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây
Hương ngát em lồng kín cõi anh
Yếm đào trút lại phía vô linh
Đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy
Đôi núm hồng em nở hết mình.

Bài tình này như một bông quỳnh nở vào đêm xuân 1992.

Khi ấy ông tuổi đã quá thất thập mà vẫn ham làm thơ tình yêu?

Tôi cần hơi ấm một người vợ. Tâm hồn tôi từ khi vợ mất đã mười mấy năm thật trống trải, hụt hẫng. Có đêm hâm hấp sốt, mong đợi một bàn tay mát mềm ấp trán, một ly trà nóng ấm lòng. Ban ngày đi ra đường, chiếc áo đứt cúc không có người đơm, cái mũ trắng tàng, chiếc quần tây không tay người giặt giũ, là ủi. Cả ngày dài không được ăn một miếng nóng…

hoangcam3.jpg

Tôi còn chưa biết an ủi ông già thi sĩ Hoàng Cầm ra sao thì từ đâu ập đến hai kỳ nữ trong đoàn sân khấu TP.HCM vừa mới dự Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc 1996 ở Hoa Lư - Ninh Bình. Thấy ông già thi sĩ đầu bạc, tay cầm tập thơ tình, hai nữ lưu xúm vào hỏi han và ríu rít xin bói thơ tình Hoàng Cầm. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Vy vớ được hai câu trang 175: Nếu anh còn trẻ như năm ấy, quyết đón em về sống với anh. Nhà văn đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc mở trúng ngay bài Tập Kiều, với những câu thơ giông bão rất Hoàng Cầm: Sao em không phút nào yên, loay hoay chống đỡ hồn nghiêng bão tình.

Câu chuyện phút chốc đổi hướng sang cái ấm áp thô tháp của đời thường dung dị. Hai kỳ nữ Sài Gòn khuyên ông già thi sĩ Hoàng Cầm vào Sài Gòn chơi rồi đăng báo kiếm vợ. Cứ gõ thì mở, cứ tìm thì gặp, cứ đi thì đến. Họ triết lý vụn trêu chọc ông lão 75, cười vui rổn rảng và hè nhau chụp hình kỷ niệm. Thi sĩ Hoàng Cầm vui vẻ nở nụ cười hiền, sáng bừng khuôn mặt...

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024