Chúng ta đều từng gặp những người chỉ quan tâm đến bản thân mình, luôn nhận về, mà không học được cách cho đi. Ở mọi nơi họ đi qua, mục tiêu của họ chỉ là thu hút càng nhiều tiền bạc, địa vị và sự ngưỡng mộ càng tốt. Kiểu người này hay phô trương bản thân quá đà, ưa thích những từ như “tôi” và “của mình” hơn là “chúng tôi” và “của chúng ta”. Họ cũng có xu hướng độc đoán, sử dụng ngôn từ mạnh để đe doạ người khác, trong khi không nao núng xu nịnh những người có quyền lực để vượt lên trên. Tại sao họ lại sống ích kỷ như vậy? Có phải đó là cách duy nhất để con người có thể sống sót trong cuộc đời đầy khắc nghiệt này không? Liệu người tử tế, tốt bụng lúc nào cũng luôn thua thiệt?
Trong cuốn sách Cho và Nhận, giáo sư Adam Grant đưa cho chúng ta một góc nhìn khác về vấn đề này. Ông không viết sách để đòi lại công bằng cho những người chỉ biết hy sinh, cống hiến, mà chính các nghiên cứu của ông cho thấy khi chúng ta sống tử tế, cuộc đời sẽ tự trả công cho mình. Những người cho đi, mặc dù trong ngắn hạn có thể thiệt thòi, nhưng về lâu dài, họ là những người thành công hơn, phát triển sự nghiệp tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Với người chỉ biết nhận lại, họ chỉ đơn giản xem thế giới là một nơi cạnh tranh. Họ tin rằng số bánh dành cho mọi người rất hạn chế và việc của mình là phải giành lấy phần lớn nhất. Với họ, cuộc đời là một trò chơi tàn nhẫn, nơi bạn phải giành lấy mọi thứ mình muốn, và bạn chỉ nên giúp đỡ người khác nếu lợi ích mang lại lớn hơn cái giá phải trả. Một ví dụ điển hình là Kenneth Lay, cựu CEO của tập đoàn năng lượng khổng lồ Enron. Cùng với những khoản vay khổng lồ từ công ty, Lay đã bán tháo 70 triệu USD cổ phiếu trong một nỗ lực kịp thời để chăm lo bản thân trước khi công ty phá sản, đẩy 20.000 người vào cảnh thất nghiệp.
Trái lại, đặc điểm cơ bản của người cho đi là trong các cuộc trao đổi, họ cho nhiều hơn cả những gì mình nhận được. Họ hào phóng với kiến thức và thời gian của mình, và họ thường bỏ qua thành tích cá nhân để vì mục tiêu chung. Trọng tâm chính của họ là cung cấp giá trị cho người khác; họ không quá để ý việc mình có được đền đáp hay không, hoặc nếu có cũng chỉ coi nó như một món quà.
George Meyer, nhà biên kịch từng đoạt giải Emmy cho loạt phim Simpsons, là một ví dụ điển hình về người cho đi. Meyer thường khuyến khích người khác sử dụng ý tưởng của mình mà không yêu cầu phải ghi công. Vì vậy, mặc dù chính tay ông đã nhào nặn hơn 300 tập phim Simpsons, ông chỉ ghi tên trong 12 tập. Bởi điều quan trọng nhất là chứng kiến bộ phim thành công, hơn là thấy người khác tung hô tài năng của mình.
Meyer cũng phát minh ra từ ‘meh’, một từ mới thể hiện sự buồn chán, được Bart sử dụng lần đầu trong chương trình và ngày nay có thể được tìm thấy cả trong từ điển. Tuy nhiên, ngay cả chuyện này, Meyer cũng không quan tâm đến việc tuyên bố "bản quyền" đến mức ông còn quên rằng chính mình là người đã phát minh ra từ này. Thành công của chương trình mới thực sự là đam mê lớn nhất của ông.
Vì vậy, người cho đi hiểu lợi ích của sự hợp tác chung và cố gắng tạo ra nhiều "miếng bánh" cho càng nhiều người càng tốt. Đông lực của họ là mong muốn giúp đỡ người khác và tạo ra thành công cho cả nhóm. Họ là người có thể nhìn thấy tiềm năng trong mọi người họ gặp, khiến họ trở thành các “sư phụ” tài ba trong việc tìm kiếm và nuôi dưỡng nhân tài.
Nhà quản lý bóng rổ NBA nổi tiếng, Stu Inman cung cấp một minh họa thú vị về điểm này trong cách ông chọn cầu thủ cho đội của mình. Mặc dù Inman đã bỏ qua một số huyền thoại bóng rổ như Michael Jordan, nhưng ông đã tìm thấy thành công lớn trong việc đào tạo Clyde Drexler, người sau này đã được có tên trong "Basketball Hall of Fame", mười đội bóng All-Star và Thế vận hội. Inman được tôn trọng sâu sắc vì khả năng tìm kiếm những cầu thủ bị đánh giá thấp và vì sự tận tâm của ông trong việc giúp họ phát triển.
Nhờ lòng tử tế của mình, những người cho đi thường được trao trọng trách nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Nhiều người tin rằng để đạt được thành công trong nghề nghiệp, nhận lấy sẽ hiệu quả hơn là cho đi. Điều này có vẻ đúng trong các ngành nghề khó khăn như kinh doanh và chính trị. Tuy nhiên, điều thú vị là người cho đi thường thành công trong cả những môi trường như vậy, vì việc họ giúp đỡ người khác cũng mang lại lợi ích lớn cho họ.
Abraham Lincoln là một ví dụ hoàn hảo. Trước khi làm tổng thống, Lincoln đã bỏ cuộc đua vào thượng viện để cho phép đối thủ cạnh tranh, Lyman Trumbull giành chiến thắng. Lincoln từ bỏ vị trí của mình vì cả ông và Trumball đều có chung mục tiêu xóa bỏ chế độ nô lệ và Lincoln tin rằng Trumball có cơ hội chiến thắng cao hơn. Việc bãi bỏ chế độ nô lệ quan trọng với Lincoln hơn là sự thăng tiến cá nhân. Sau đó, Trumball đã trả ơn bằng cách trở thành người ủng hộ Lincoln khi ông ra tranh cử lại vào thượng viện.
Một ví dụ hiện đại hơn mà Adam Grant viết trong cuốn sách nói về Jason Geller tại công ty Deloitte Consulting. Geller đã phát minh ra hệ thống quản lý thông tin để thu thập và lưu trữ dữ liệu về khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Nhưng thay vì che giấu công cụ để hưởng lợi một mình, anh đã chia sẻ cho tất cả các đồng nghiệp với hy vọng sẽ giúp toàn bộ công ty hoạt động tốt hơn. Sự hào phóng này đã gây ấn tượng mạnh đối với đội ngũ quản lý, những người đã sớm thăng chức anh lên "Partner" – một trong những người trẻ nhất tại Deloitte đạt được danh hiệu này.
Tóm lại, chúng ta thường được dạy để tin rằng muốn thành công, chúng ta phải cạnh tranh với người khác và giành lấy những gì mình cần. Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử và nghiên cứu được đúc rút trong cuốn sách Cho và Nhận cho thấy rằng điều này không hoàn toàn đúng. Người cho đi, sống tử tế, sống cống hiến cũng có thể vươn tới những đỉnh cao và trái ngược với kẻ chỉ biết nhận về, họ còn tạo ra thành công cho cộng đồng xung quanh mình.
Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do "Cho Và Nhận" do Tiki Trading phân phối: https://bit.ly/chovanhan-tk. Thời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.
Trạm Đọc tổng hợp